Diễn biến kinh tế liên quan đến hiệu quả thu chi ngân sách luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Điều gì đang chờ đợi Việt Nam trong năm 2016?

Tuần Việt Nam vừa ghi lại ý kiến của một số chuyên gia quanh câu chuyện triển vọng và rảo cản của nền kinh tế đang trên đường hội nhập.

TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư, CIEM: Chuyển từ “Nhà nước quản lý kinh tế”, sang “Nhà nước nâng đỡ phát triển”

Nói về kinh tế năm 2016, đầu tiên cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn.

Là một nền kinh tế đã mở cửa ở mức độ cao, có sự lãnh đạo quyết tâm và thống nhất, có nhiều nguồn lực, lợi thế phát triển và dòng vốn đầu tư lớn, Việt Nam cần nghĩ đến mục tiêu tham vọng là sớm hiện thực hóa thêm một giai đoạn tăng tốc tăng trưởng kéo dài khoảng 1 thập kỷ, với tốc độ trên 7,5%/năm.

Các hiệp định thương mại như TPP và AEC, với mục tiêu chính là mở cửa thị trường quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam hầu như chưa có các công ty toàn cầu để khai thác thị trường quốc tế, khó có thể là động lực chủ yếu để tăng tốc mạnh mẽ kinh tế Việt Nam.

Động lực cho tăng tốc tăng trưởng phải dựa trên việc gia tăng bền vững năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Trong đó, nguồn lực chủ yếu để gia tăng năng suất và hiệu quả của nền kinh tế chính là việc tiếp tục đẩy nhanh cải cách toàn diện về quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường, qua đó xây dựng một nền kinh tế thị trường hội nhập, đầy đủ và có tính cạnh tranh cao, tới mức cạnh tranh phá hủy sáng tạo.

{keywords}
TS Đinh Trọng Thắng.

Đầu tiên và chủ yếu, trọng tâm của cải cách kinh tế trong năm 2016 là cải cách sự quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế, thể hiện qua vai trò quá lớn của Nhà nước với tư cách Chủ doanh nghiệp và Chủ đầu tư. Doanh nghiệp nhà nước và đầu tư  nhà nước cần được nâng cao hiệu quả. Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế cần chuyển từ “Nhà nước quản lý kinh tế”, “Kinh tế nhà nước là chủ đạo” sang “Nhà nước kiến tạo phát triển” và “Nhà nước nâng đỡ phát triển”.

Thay vì cổ phần hóa từng DNNN riêng lẻ một cách tản mác và ít ảnh hưởng tới cấu trúc thị trường, cần tiến hành cải cách mô hình kinh tế mà trước đó DNNN chi phối, chủ yếu là các ngành kinh tế có tính mạng lưới (network industries) như các ngành điện, than, xăng dầu, đường sắt, đường không, đầu tư đường bộ.

Một ví dụ là ngành kinh doanh xăng dầu. Nhà nước thể rút vốn ra khỏi các doanh nghiệp trong ngành này, do vậy thu về lượng tiền khổng lồ cho ngân sách, đồng thời tiến hành cải cách hệ thống điều tiết và quản lý ngành xăng dầu trong điều kiện không cần trực tiếp nắm vốn tại các doanh nghiệp trong ngành. Không cần có DNNN, Nhà nước có thể cân nhắc việc giữ “cổ phần vàng”, tư cách “cổ đông vàng” quyết định các vấn đề quan trọng tại các tập đoàn lớn sau cổ phần hóa trong ngành này.

Hoặc trong quản lý đầu tư công, mặc dù Luật Đầu tư công đã là một bước tiến rất lớn, nhưng tiềm năng cải cách trong lĩnh vực này còn rất nhiều do còn có sự sai khác giữa khung quản lý nhà nước về đầu tư công Việt Nam và thông lệ tốt trên thế giới. Cần xây dựng các thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng, tiến hành cải cách triệt để việc lựa chọn và thẩm định dự án đầu tư công, dựa trên việc lượng hóa các chi phí và lợi ích xã hội của các dự án đầu tư công.

Cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là cải cách sự quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế, xóa bỏ tư duy Nhà nước đứng trên thị trường, đã trở thành mệnh lệnh cấp thiết. Nhà nước cần là đối tác của thị trường, trợ giúp thị trường, và kiến tạo phát triển.

Dựa trên một nền kinh tế thị trường hiện đại hơn, qua đó cải thiện được hiệu quả phân bổ và hiệu quả kỹ thuật của đầu tư và kinh doanh, với chỉ số ICOR được cải thiện tới mức thông lệ của thế giới, thì chỉ cần duy trì mức đầu tư 30-33% GDP/năm như hiện nay, tăng trưởng kinh tế đã lớn hơn 7,5%/năm. Mục tiêu tăng tốc tăng trưởng là hoàn toàn khả thi.

Nhà báo Tư Giang: Tiếp tục siết chặt chi tiêu công và gấp rút khôi phục lại niềm tin

Kinh tế Việt Nam có 3 vấn đề lớn đặt ra cho năm 2016.

Thứ nhất, vấn đề tỷ giá. Ngân hàng nhà nước có hai chính sách mới, người dân có thể gửi đô la Mỹ 0 đồng tiến tới âm và có thể gửi tiền bằng đô la Mỹ và rút ra bằng tiền Việt Nam đồng. Điều đó cho thấy ngân hàng đã điều hành tý giá linh hoạt.

{keywords}
Nhà báo Hoàng Tư Giang

Những chính sách đó tạo tâm lí với mục đích giảm đô la hóa trong nền kinh tế cũng giống như cách làm đối với vàng. Nhiều câu hỏi đặt ra là mục tiêu đó có giúp ổn định tỷ giá hay không? Trong bối cảnh quốc tế, đô la Mỹ tăng lãi suất 25%, rõ ràng là lộ trình chỉ có tăng chứ không giảm. Diễn biến tâm lí của người dân là bình thường khi họ đặt câu hỏi, gửi tiền đô la Mỹ với mức 0 đồng thì có lợi hay không? Họ sẽ luôn so sánh tiền đồng định giá thế nào. Tôi nhớ, năm ngoái tiền đồng đã giảm 6% so với đô la Mỹ.

Có 2 dự báo đáng quan tâm gần đây. Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV cho rằng năm sau tỉ giá sẽ phá giá thêm khoảng 4%, trong khi báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia gửi Chính phủ tháng 12 dự đoán năm 2016 sẽ giảm giá hơn so với 2015. Điều này khiến người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải suy nghĩ.

Thêm vào đó, dòng kiều hối vào Việt Nam cũng có thể bị tác động. Lâu nay tiền lãi suất gửi USD ở Việt Nam cao hơn so với quốc gia trong khu vực. Một phần trong số 12,13 tỷ USD kiều hối gửi về hàng năm có thể hưởng lãi suất, mặc dù nền kinh tế phải trả lãi nhưng số tiền ấy giải quyết được vấn đề trước mắt là không làm giảm tác động của tỷ giá.

Thứ hai, về chi tiêu công, chuyện thu chi ngân sách còn nhiều nặng nề. Mặc dù năm 2015 vượt thu so với dự kiến như Bộ Tài chính đã công bố nhưng trên thực tế ngân sách TƯ hụt thu hơn 30 ngàn tỷ.

Sức ép chi tiêu công đang tiếp tục quá lớn, trong khi nguồn thu có xu hướng khó khăn cùng với sự sụt giảm của giá dầu và việc cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu theo tiến trình hội nhập.

Diễn biến hồi cuối năm ngoái quành việc nhiều địa phương, bệnh viện công, tổ chức, trường học bắt đầu không có tiền trả cho cán bộ nhân viên, mua sắm hành chính... là đều có nguyên do cả.

Chính giá dầu sụt giảm đã phần nào bộc lộ khuyết tật của thể chế kinh tế của nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Năm ngoái, ở ta riêng chi phí cho xăng dầu đã thâm hụt đến 63 ngàn tỉ.

Đồng thời cũng bộc lộ những yếu kém trong kỉ luật chi tiêu công. Thiếu vắng công cụ giám sát hiệu quả và vấn đề trách nhiệm thì mờ nhạt.  

Hơn nữa, năm ngoái, doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong vấn đề hội nhập nên nguồn thu cũng bị ảnh hưởng lớn.

Và để giải quyết những khó khăn đó, chỉ có cách buộc phải kỉ luật tài chính, quy được trách nhiệm cá nhân của những người chi tiêu sai. Chẳng hạn vừa rồi các tỉnh chi tiêu hàng ngàn tỷ đồng cho việc xây dựng trụ sở trong bối cảnh tiền thiếu hụt, bệnh viện công chưa có, trường học chưa đáp ứng được yêu cầu…Chi tiêu nhiều như thế nhưng hiệu quả không mang lại tức thời cho người dân.

Thứ ba, cần lấy lại niềm tin. Bởi vì, khi có niềm tin thì doanh nghiệp mới dám bỏ tiền ra kinh doanh để phát triển kinh tế. Tuy năm qua đã ban hành luật đầu tư doanh nghiệp, có đến hơn 90 nghìn doanh nghiệp đăng kí kinh doanh mới, nhưng ngược lại cũng hơn 70 nghìn doanh nghiệp phá sản. Điều đó có nghĩa rằng, đà phá sản của doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục.

Để khôi phục lại niềm tin, quan trọng nhất là vấn đề chính sách và thực thi chính sách. Việt Nam có quá nhiều luật, thông tư hướng dẫn nhưng việc thực thi luật kém. Vì vậy, cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm thiểu thủ tục hành chính, xác định trách nhiệm cá nhân. Việc này chính phủ đã ra nghị quyết 19 rồi, nhưng các bộ ban ngành cần thực hiện nghiêm túc và quyết liệt hơn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: TPP sẽ có tác động rất quyết liệt với Việt Nam đặc biệt về thể chế và pháp luật

Triển vọng về tác động của cộng đồng kinh tế ASEAN  (AEC) trong năm 2016 sẽ khá mờ nhạt vì cuộc chơi thiên theo hướng “dĩ hòa vi quý”. Hiệp định thương mại TPP sẽ có tác động rất quyết liệt với Việt Nam đặc biệt về thể chế và pháp luật.

{keywords}
Chuyên gia kinh tế Bùi Văn

Nhiều người vẫn hay nhìn cơ hội từ các yếu tố “cứng” như dòng vốn đầu tư tăng, thuế giảm hay xuất khẩu tăng nhưng đó là những yếu tố từ bên ngoài, và chúng ta không cần nỗ lực nhiều mà vẫn có được trong năm tới nhờ AEC và TPP. Trong khi chúng ta chưa cải thiện được nội lực của nền kinh tế, thì việc đổ nhiều vốn ngoại vào có thể lợi bất cấp hại, như đã từng xảy ra hồi năm 2008.

Tôi kỳ vọng nhiều hơn vào cơ hội từ những yếu tố “mềm” như nâng cao chất lượng thể chế, hoàn thiện pháp luật, cải thiện niềm tin. Đó là những yếu tố từ bên trong, là cơ hội để Việt Nam vươn lên bằng nội lực của mình, không phải bằng vay mượn bên ngoài.

Để cải thiện những yếu tố “mềm”, Việt Nam có thể chủ động đi trước cam kết, hoặc chúng ta chờ đợi và miễn cưỡng thay đổi theo các điều khoản của Hiệp định. Nhưng dùng có bằng cách nào, chúng ta cũng có thể kì vọng bước nhảy vọt, bởi vì khoảng cách về “phần mềm” của chúng ta với các thành viên trong TPP là khá xa. Khoảng cách đó được thể hiện bằng con số rất cụ thể trong các bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổ chức minh bạch Quốc tế, Ngân hàng thế giới….

Lan Anh ghi