Ở phương diện này, GD khai phóng phải làm sao trả cái đầu lại cho cái đầu của con người.

Thời gian qua, có rất nhiều nhân sĩ, trí thức tâm huyết trên cả nước cho rằng, trước khi đi vào những vấn đề cụ thể nhất của công cuộc "đổi mới toàn diện nền giáo dục" sắp tới đây, thì việc xác định một "triết lý GD" mang tính định hướng chung là vấn đề quan trọng và cần thiết. Bởi nền GD của chúng ta hiện nay đang bị "lạc đường".

Còn nhiều kiểu tư duy cũ kỹ, sáo mòn

Đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên, với góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng trong khi bàn về vấn đề này chúng ta phải hết sức tránh những cách nói chung chung hay nói cho kêu, nói cho... sang, làm cho vấn đề đang bàn bạc chẳng đi đến đâu lại thêm phần rối rắm.

Mới đây trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 18/10, có đăng bài viết của Tiến sĩ Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu GD Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhan đề Phải xác định "chuẩn con người Việt Nam. Trong bài viết này, mặc dù trước đó tác giả yêu cầu phải "cụ thể hóa quan điểm" về "triết lý GD", tuy nhiên ý kiến bàn luận thì lại rất chung chung. Khi TS cho rằng "triết lý GD" là phải làm sao xác định được "chuẩn con người VN thế kỷ 21" với ý nghĩa là những con người "vừa truyền thống vừa hiện đại"...

Tác giả viết: Hiện nay chúng ta đang ở trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, chuẩn bị cơ sở vật chất cho CNXH bằng việc "hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN". Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động, chúng ta còn phải "vừa phát huy nội lực vừa hội nhập quốc tế". Vì thế triết lý GD mà chúng ta hướng tới thiết nghĩ cần phải giải quyết những vấn đề sau đây:

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thế kỷ 21, ngành GD - ĐT có nhiệm vụ đáp ứng nguồn lực con người. Để làm tốt nhiệm vụ trọng đại đó, chúng ta phải xác định được "chuẩn con người VN thế kỷ 21" với những định hướng giá trị phù hợp.

Đấy là con người vừa truyền thống vừa hiện đại; vừa có những phẩm chất đặc trưng của con người VN như yêu nước, cần cù, nhân ái... vừa có những phẩm chất của "công dân quốc tế" - con người hiện đại như trình độ văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp cao, có lối sống, tác phong công nghiệp, có khả năng hội nhập quốc tế..." (Báo Tuổi trẻ ngày 18/10/2012)

Dù tôn trọng quyền phát biểu của TS Ngô Minh Oanh nhưng tôi cho rằng những cách nói như thế này mang dáng dấp của lối tư duy quá cũ kỹ, có gì đó rất sáo mòn. Na ná như bài phát biểu của những người vốn quen chỉ đạo thuộc cấp trong những dịp hội nghị hay lễ lạt mà người ta phải nghe quá nhiều lần đến mức nhàm chán.

Việc xác định một "triết lý GD" mang tính định hướng chung là vấn đề quan trọng và cần thiết. Ảnh minh họa

Vì nói như thế thì ai nói mà không được? Hơn nữa, nói như thế vô tình lại rơi vào quan niệm, cách nghĩ  trừu tượng hóa về con người trong khi yêu cầu và nhiệm vụ của nền GD là phải làm sao tạo ra những con người cụ thể với những phẩm chất đạo đức, tri thức thật cụ thể. Con người bằng những suy nghĩ và hành động của mình góp phần xây dựng và phát triển đất nước một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Chứ không phải con người chỉ để minh họa cho một "chủ trương" trên giấy nào đó, hay để trưng bày trong lồng kính, để ngắm cho... vui.

Cho nên, người viết bài thấy đồng cảm với cái nhìn của GS Hoàng Tụy. Đó là, phải từ bỏ những quan niệm, tập quán, cách suy nghĩ về GD đã quen thuộc một thời, can đảm tiến lên thực hiện một nền GD khai phóng, như ở mọi nước văn minh hiện nay. Dạy người nhằm rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, hướng theo thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời... (Báo Tuổi trẻ ngày 19/10).

Nhân đây cũng xin mạo muội góp thêm lời bàn về vấn đề "khai phóng"  trên cơ sở quan niệm của GS Hoàng Tụy về "triết lý GD".

Theo tôi, GD khai phóng trước hết phải làm sao giải phóng được cái sức ỳ, sự trì trệ trong tư duy, trong nhận thức của mỗi cá nhân. Giáo dục khai phóng trước hết giúp mỗi cá nhân nhận ra cái chân giá trị của bản thân mình, nhận ra chính mình với một tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm cao nhất. Nói cách khác, đó chính là năng lực tự nhận thức, tự ý thức về bản thân - một trong những điều kiện quan trọng đầu tiên để mỗi cá nhân tự hoàn thiện nhân cách của chính mình.

Một xã hội mà mỗi cá nhân không có năng lực để nhận biết mình là một xã hội đang tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Một em học sinh sau 12 năm trên mái trường phổ thông cộng thêm bốn năm trên giảng đường ĐH nhưng không biết sẽ làm gì với những kiến thức đã học. Hay rộng hơn nữa trong cuộc sống, một người không biết năng lực của mình tỉ lệ nghịch với "cái ghế" đang ngồi (chúng ta hay gọi là ngồi "nhầm ghế")... thì sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến những bi kịch cho xã hội.

Và như thế, có thể thấy triết lý khai phóng trong GD sẽ giúp chúng ta cùng lúc giải quyết rất nhiều vấn đề. Bởi lẽ, muốn có sản phẩm GD theo tinh thần khai phóng (như đã phân tích) đương nhiên chúng ta phải xây dựng một đội ngũ giáo viên - những người trực tiếp đào tạo phải có tinh thần khai phóng.

Mà muốn có đội ngũ giáo viên có tinh thần khai phóng nhất định phải có đội ngũ quản lý điều hành nền GD có tinh thần khai phóng. Và như thế tất cả mọi vấn đề của công cuộc đổi mới toàn diện nền GD đều phải bắt đầu từ vấn đề con người; phải đổi mới từ yếu tố con người.

"Trả cái đầu lại cho... cái đầu"

Thiết nghĩ cũng cần nói thêm, tất cả mọi vấn đề về triết lý GD nhất định phải xuất phát từ thực tế về đặc thù thể chế chính trị cũng như tình hình xã hội của đất nước ta hiện nay với một cái nhìn trung thực và thẳng thắn. Đặc biệt, cần tôn trọng những giá trị làm nên đặc trưng truyền thống văn hóa dân tộc.

Đó là về "vĩ mô", còn về "vi mô" thì triết lý GD trong lần đổi mới toàn diện này nhất định phải hướng đến giải quyết một cách triệt để những tồn tại, trì trệ của nền GD hiện nay, mà cụ thể là những vấn đề liên quan trực tiếp đến con người Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa.

Xuất phát từ yêu cầu trên, người viết mạn phép tóm gọn hai mục tiêu cơ bản trong quan niệm về triết lý GD với tinh thần khai phóng như sau:

Một là, về đạo đức, nhân cách: Hướng đến việc xây dựng con người trung thực, tự trọng và có tinh thần trách nhiệm. Trước hết là đối với bản thân mỗi người sau nữa là với cộng đồng, xã hội, đất nước. Nói chung, đó là con người có cái tâm hướng về những điều thiện, con người lương thiện.

Hai là, về tư duy: Hướng đến việc xây dựng con người có tư duy tích cực, sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ và nhất là phải biết "đối thoại", sẵn sàng "đối thoại" trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt để tìm ra chân lý. Tóm lại, ở phương diện này, GD khai phóng phải làm sao trả cái đầu lại cho cái đầu của con người (lời GS Cao Huy Thuần).

Vì sao GD khai phóng phải hướng đến hai mục tiêu này? Nói một cách dễ hiểu, vì đây là hai vấn đề căn bản nhất của bất kỳ nền GD hiện đại, tiến bộ và dân chủ nào. Nhưng tiếc thay nó lại chính là cái thiếu trầm trọng nhất của nền GD ta hiện nay. Nói cách khác đó là sự "lạc đường" của nền GD. Sự lạc đường này là nguyên nhân sâu xa gây nên những tệ nạn, những hệ lụy khôn lường cho xã hội và đất nước thời gian qua.

Trước hết, có thể thấy, xã hội ta ngày nay đang gần như hoàn toàn mất khả năng "đề kháng" trước sự xâm nhập và lây lan của căn bệnh giả dối.

Từ đó mà dẫn đến cái gọi là "không có tinh thần trách nhiệm" (trước hết là đối với bản thân mình sau nữa là với cộng đồng, xã hội). Nếu con người trung thực, có lòng tự trọng và có tinh thần trách nhiệm sẽ không có sự tồn tại của cái gọi là "xin - cho" trong điều hành quản lý nhiều vấn đề của xã hội.

Sẽ không có chuyện những ông, bà GS, TS miệng rao giảng đạo đức còn tay thì nhận phong bì để thông qua luận án cho học viên. Sẽ không có chuyện chạy điểm, chạy trường, chạy việc hay trầm trọng hơn là chạy chức, chạy quyền đang ngày một phổ biến...

Nếu con người sống trung thực, có lòng tự trọng và có tinh thần trách nhiệm sẽ không có chuyện cầu, đường vừa mới thông xe đã hư hỏng, đã xuất hiện "hố tử thần". Không có chuyện những dự án mang tầm quốc gia nhưng chưa kịp hoàn thành thì kinh phí đã bị thất thoát, bị chia năm xẻ bảy. Hay thậm chí bị thiệt hại, bị thua lỗ, bị phá sản nhưng rồi chẳng thấy cá nhân nào cản đảm đứng ra nhận trách nhiệm.

Từ góc nhìn văn hóa và GD, sự thiếu trung thực, thiếu tự trọng và không có tinh thần trách nhiệm trên của con người phần nhiều do họ không được trang bị những yêu cầu căn bản nhất về giá trị làm người.

Trong GD và trong cuộc sống, họ không có thói quen tư duy độc lập; không có thói quen "đối thoại" mà chỉ biết an phận để chấp nhận "làm một cái máy" để người khác sai khiến và tùy tiện sử dụng. Con người lúc này tuy cái bản năng mang tính sinh học (ăn, uống, sinh con duy trì nòi giống...) thì vẫn còn, nhưng bản năng mang tính xã hội (biết suy nghĩ, tư duy, biết "đối thoại"...) thì gần như bị hạn chế lâu dần trở thành một thói quen cam chịu, an phận thủ thường.

Tất cả những vấn đề trên, sâu xa đều có nguyên nhân từ nền GD giáo điều mang tính "áp đặt, một chiều" mà ra. Đó cũng là lý do mà GD cần phải hướng đến sự khai phóng, để nhằm cụ thể hóa hai mục tiêu cơ bản ấy. Và đó mới là nền GD thực sự hướng đến những giá trị nhân văn, nhân bản của con người. Mới là nền GD chân chính giúp cho con người thực sự người hơn (thơ Xuân Quỳnh).

Nguyễn Trọng Bình

'Bù lỗ' cho thiếu sót của... cơ chế
"Tiền hóa" việc dạy và học là nỗi thất bại chua cay của GD thời nay, của cả xã hội.

 
Xin đừng làm tổn thương nhà giáo
Chúng ta vẫn nói tới việc xây dựng một xã hội "công bằng, dân chủ, văn minh". Các chủ trương ở tầm vĩ mô ngay khi ban hành đã mang trong nó sự không công bằng, nên việc thực thi trở nên chắp vá.