Làm được thế tôi tin rằng đề án cấm xe máy và hạn chế ô tô ở nội đô Hà Nội với lộ trình đến 2030 sẽ hoàn toàn khả thi.

Thông điệp cấm xe máy có lộ trình ở Hà Nội đã được phát đi một cách mạnh mẽ. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng việc dừng hoạt động của xe máy và thu phí hạn chế ô tô vào nội đô là cần thiết, lộ trình này đã được thành phố chuẩn bị từ nhiều năm qua. Bên hành lang Quốc hội, Bí thư thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải cũng đã trao đổi về đề án hạn chế xe cá nhân vào nội đô trong đó có xe máy.

Hà Nội không phải bây giờ mới nóng lên việc cấm xe máy có lộ trình đến 2030 (trước đó có tin là đến 2025). Đã từ rất lâu các cơ quan công quyền, các chuyên gia, báo chí, mạng truyền thông và người dân đã lên tiếng về đề tài này. Liệu đề án cấm xe máy với lộ trình đã định có thành hiện thực?

{keywords}
Cảnh tắc đường nghiêm trọng ở Hà Nội. Ảnh: Đoàn Bổng

Câu chuyện cấm xe máy ở Hà Nội thực sự có quá nhiều phức tạp và nan giải. Nhưng thực trạng giao thông ở thành phố lớn nhất nhì đất nước này đang ở trong tình trạng không thể không có những giải pháp hữu hiệu để chống ùn tắc. Con số thống kê có thể chưa nói lên đầy đủ thực trạng ùn tắc ở Hà Nội nhưng nó cũng đã là những con số ở ngưỡng khó có thể chịu đựng nổi. Tính ở thời điểm giữa năm 2016, mỗi tháng Hà Nội đăng ký mới hơn 20.000 xe máy, từ 6000- 8000 ô tô. Nếu giữ tốc độ đăng ký phương tiện như thế thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô và hơn 8 triệu xe máy.

Đấy là chưa kể những đột biến về giảm thuế nhập khẩu xe ô tô từ 2018 kéo theo lượng người mua tăng lên vì giá rẻ hơn và hàng triệu xe ô tô ngoại tỉnh lưu thông qua địa bàn Hà Nội. Ở thời điểm hiện tại Hà Nội có 7,6 triệu phương tiện ô tô, xe máy trong đó có khoảng 7 triệu xe máy. Số phương tiện tham gia giao thông theo con số vừa nêu thì xe máy chiếm tỷ lệ khoảng 90% so với 10% còn lại là xe ô tô, xe buýt. Rõ ràng với tỷ lệ này nguyên nhân ùn tắc chủ yếu là từ xe máy.

Tất nhiên còn có những nguyên nhân khác như xây nhiều nhà cao tầng trong nội đô, quy hoạch thành phố nhiều năm bất hợp lý dành quá ít quỹ đất cho giao thông, chậm di chuyển trường học, các cơ quan hành chính, bệnh viện ra khỏi trung tâm, v.v..., đặc biệt là ý thức giao thông của người dân quá kém. Nhưng rõ ràng không thể phủ nhận đã đến lúc Hà Nội cần phải làm triệt đề vấn để hạn chế tiến tới cấm toàn bộ xe máy trong nội đô.

Vẫn biết xe máy với người dân Hà Nội là thứ phương tiện hữu ích và với không ít người xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là cả cuộc sống. Đó là những người dân dùng xe máy để mưu sinh như làm nghề xe ôm, chuyên chở hàng hóa, vật liệu... Sự gia tăng của xe máy tạo ra xung đột các phương tiện ngày một tăng và không thể kiểm soát. Bên cạnh đó, ô tô cũng là một tác nhân cùng xe máy gây ra thảm trạng này.

Thành phố đã đầu tư không ít cho giao thông công cộng nhưng tình hình không khả quan. Hình ảnh xe buýt xung đột với các phương tiện khác rất dễ nhận ra trên đường phố. Tuyến BRT đầu tiên Yên Nghĩa - Kim Mã được dành riêng đường ưu tiên cũng không hiệu quả do mật độ phương tiện trên tuyến đường này quá đông đặc.

{keywords}
BRT chưa phát huy được hiệu quả. Ảnh: Trần Thường

Không chỉ gây ùn tắc giao thông, xe máy còn là hiểm họa thường trực và tiềm tàng về tai nạn giao thông. Theo ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch chuyên trách ủy ban ATGT quốc gia, năm 2016 cả nước xảy 21.589 vụ TNGT làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người. Trong đó nguyên nhân gây ra tai nạn từ xe máy là 66,7%. Một con số thật đáng sợ và đau lòng.

Điểm mọi yếu tố từ xe máy sẽ thấy việc thành phố Hà Nội cấm hoàn toàn loại phương tiện này là cần thiết. Dân số của Hà Nội dự báo đến 2020 là 8,5 triệu người. Với mật độ dân số lớn như vậy và tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông nhất là xe máy rõ ràng Hà Nội cần phải triển khai ngay lộ trình cấm xe máy.

Trước hết cần hạn chế đăng ký, sản xuất và nhập khẩu xe máy. Tuyên truyền sâu rộng đề án đến từng người dân. Lấy trung tâm Hà Nội là hạt nhân để mở rộng những tuyến phố cấm xe máy theo lộ trình năm hắt dần ra các vành đai để đến 2030 cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành. Bên cạnh việc cấm xe máy là đầu tư hệ thống xe buýt với phần đường ưu tiên ở tất cả các tuyến phố cùng với xe điện trên cao và xe điện ngầm. Với ô tô cá nhân có những giải pháp hạn chế riêng từ khâu đăng ký và các chế tài như dừng đỗ, đánh thuế phí vào các tuyến phố trung tâm tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Một đặc điểm của Hà Nội là có nhiều ngõ ngách, Nên chăng nghiên cứu và cho phép những xe mini buýt dạng như xe lam trước đây để phục vụ nhu cầu vận tải của cả người và hàng hóa. Hiện tại ở khu phố cổ trung tâm đã có dịch vụ ô tô điện chở người tương đối hiệu quả.

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là ý thức của người dân trong việc chuyển đổi phương tiện này. Đặc biệt là ý thức tham gia giao thông. Một việc cần làm là giải quyết chuyển đổi nhu cầu sử dụng phương tiện của một số hộ nghèo bằng chính sách hỗ trợ thiết thực. Và
tất nhiên đó phải là phương án đầu tư hợp lý và đồng bộ ngay từ bây giờ hệ thống các phương tiện giao thông công cộng.

Làm được thế tôi tin rằng đề án cấm xe máy và hạn chế ô tô ở nội đô Hà Nội với lộ trình đến 2030 sẽ hoàn toàn khả thi.

Phạm Ngọc Tiến

Hà Nội 12/6/2017