Đừng viện cớ “văn hoá” “truyền thống” hay “tập tục” để những điều đáng xấu hổ cứ tồn tại mãi.  

Giả sử ai đó đang ngồi cạnh những bạn nước ngoài mà vô tình xem clip cảnh chúng sinh xô đẩy, chen lấn để “xin” lộc sau lễ cúng Rằm Tháng Bảy ở chùa Quán Sứ, Hà Nội thì hẳn sẽ thấy xấu hổ và rất khó giải thích.  

Bởi chen lấn nên đầu bù tóc rối, quần áo xộc xệch, đồ cúng bị dập nát rơi vãi trên đất. Cùng với chuyện cướp lộc ở lễ hội Đền Gióng khi thanh niên dùng gậy phang vào đầu nhau thì hình ảnh của đám đông, gồm cả những người có tuổi khi “xin” lộc trong chùa Quán Sứ khiến tôi tự hỏi đây có phải là một nét truyền thống, hay văn hoá của người Việt không? Hai sự kiện ở hai nơi khác nhau nhưng chung một điểm là sự tranh giành. 

{keywords}

Tranh nhau ''thụ lộc'' tại chùa Quán Sứ, tối ngày 15/8. Ảnh cắt từ clip

Một số người cho rằng việc “xin” giống như cướp ấy là bình thường, đấy là tục lệ của lễ, ai lấy được nhiều thì được nhiều lộc, chẳng lẽ đi chùa mà không có lộc mang về cho con, cho cháu và mọi người không nên nhìn nhận vấn đề tiêu cực quá. 

Cũng có người nói những người xông vào “xin” như cướp ấy không phải là Phật tử, chỉ là chúng sinh bên ngoài, được nhà chùa mở rộng cửa từ bi đón chào. Theo tôi, đấy cũng là một kiểu chữa thẹn yếu ớt.  

Không thể thống kê, nhưng chắc chắn rằng trong số người “xin” như cướp trong lễ Vu Lan ấy, có nhiều người tụng kinh, nghe giảng Phật pháp nhiều. Những người dù không phải Phật tử, thì khi đến chùa bao giờ cũng phải biết giữ lòng thành kính, trang nghiêm. 

Phật dạy không nên tham, sân, si ấy vậy mà hành động tranh giành hối hả, một tay cầm túi to, tay kia vươn ra vồ cho vào túi thì lại thể hiện một lòng tham rõ ràng. Tham gì cũng là tham. Tham tình thương yêu của con người hay tham sự từ bi, tham lộc của Phật cũng vẫn là tham.  

Theo báo Đất Việt, thượng toạ Thích Thanh Tuấn, uỷ viên hội đồng trị sự trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng cho rằng thông tin về việc người dân tranh cướp đồ lễ trong lúc các nhà sư đang làm lễ Rằm Tháng Bảy tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, là không chính xác. 

''Bởi vì thời điểm cuối cùng của buổi lễ bao giờ cũng là lễ tạ, và lễ tạ xong là xong. Hôm qua chính tôi là người trực tiếp chỉ đạo buổi lễ. Khi ấy, tất cả toàn bộ các thầy vẫn ở trên nhưng các thầy đã lễ tạ xong rồi mới hô lễ tạ. Sau đó, khi Phật tử nghe các thầy hô ''lễ tạ xong'' nghĩa là xong thì họ (chúng sinh) mới vào thụ lộc'' - Thượng tọa Thích Thanh Tuấn cho biết.  

Lời khẳng định của thượng toạ có giảm đi chút ít tính chất hỗn loạn của việc tranh giành, nhưng bản chất của sự việc không thay đổi. Nếu sự việc này năm nào cũng diễn ra thì tại sao các thượng toạ, các sư trụ trì không hướng dẫn cho Phật tử hay chúng sinh cách xin lễ đúng mực?   

Đã là lộc Phật thì một li một lai cũng là lộc. Lòng từ bi, sự may mắn của Ngài có thể được chứa trong một cái oản nho nhỏ. Các bà, các chị có thể thành kính chia cái oản thành nhiều phần, để con cháu cùng tĩnh lặng thụ lộc của Ngài. Tôi sợ rằng, khi mang về quá nhiều, mọi người cũng đâu ăn ăn được hết, mà như vậy ý nghĩa của việc thụ lộc sẽ mất hết linh thiêng.  

Buồn ở chỗ là sự việc ấy không phải xảy ra ngoài đường, nơi nhốn nháo thập cẩm các loại người, mà ấy là chỗ cửa Phật, là nơi để tâm mỗi người kiếm tìm sự cao cả huyền diệu của Phật giáo. Nếu chỗ ấy không phải là đại diện cho văn hoá Việt thì chỗ nào là đại diện cho văn hoá Việt?  

Hãy nhìn thẳng vào những ngõ ngách u mê của xã hội mà thừa nhận sự xấu xí đáng vứt bỏ trong chúng ta. Đừng viện cớ “văn hoá” “truyền thống” hay “tập tục” để những điều đáng xấu hổ ấy còn tồn tại mãi. Nếu không, lòng tự hào của người Việt sẽ bị bào mòn và chúng ta sẽ ngày càng nhỏ bé đi mà thôi.  

Đoàn Bảo Châu