Những người công kích tính chính đáng của Tòa Trọng tài đã quên rằng chính việc TQ từ chối xuất hiện trước Tòa, từ chối tham gia vào vụ kiện mới dẫn đến hai hậu quả pháp lý liên quan.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết phân tích sự phi lý trong những quan điểm của TQ và các học giả thân TQ phản đối Toà Trọng tài. 

Xem bài: Biển Đông: Luận điệu phi lý của TQ bị ‘đập tan’ thế nào?

Lập luận: Philippines vi phạm các cam kết về giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán được quy định tại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các thoả thuận khác.

TQ cho rằng Philippines và TQ, thông qua DOC và các thoả thuận song phương khác giữa hai nước, đã cam kết giải quyết tranh chấp tại Biển Đông chỉ bằng con đường đàm phán. Vì vậy, việc Philippines khởi kiện chống lại TQ tại Tòa Trọng tài là đi ngược lại chính các cam kết của Philippines và TQ không công nhận toàn  bộ quá trình tố tụng, thẩm quyền cũng như bất cứ phán quyết nào của Tòa.  

Trong Phán quyết về thẩm quyền, Tòa Trọng tài đã khẳng định DOC cũng như các thoả thuận song phương giữa Philippines và TQ là các văn bản không mang tính ràng buộc về pháp lý.[1] Do đó, việc Philippines sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS để giải quyết tranh chấp với TQ tại Biển Đông thông qua Tòa Trọng tài không vi phạm các quy định trong UNCLOS, cũng như nghĩa vụ của Philippines theo luật quốc tế và Tòa hoàn toàn có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp này.  

{keywords}

Ảnh chụp ngày 19/2/2015 của quân đội Philippines cho thấy quy mô xây dựng của TQ tại đá Ga Ven trong quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: EPA

Bên cạnh đó, điều 288 của UNCLOS quy định nếu có bất cứ tranh chấp nào giữa các bên về thẩm quyền của Tòa, Tòa sẽ có toàn quyền xem xét việc Tòa có thẩm quyền hay không. Ngày 29/10/2015, Tòa ra Phán quyết khẳng định Tòa có thẩm quyền giải quyết một số yêu cầu trong đơn kiện của Philippines. Ngày 12/7/2016, Tòa tiếp tục khẳng định thẩm quyền đối với các yêu cầu còn lại, cũng như đưa ra kết luận về nội dung của từng vấn đề.  

Tòa cũng nhấn mạnh các Phán quyết của Tòa là chung thẩm và mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên của vụ kiện là Philippines và TQ. Do đó, việc TQ tuyên bố phản đối và không tuân thủ không làm mất đi giá trị pháp lý của các phán quyết này và đây là hành vi đi ngược, nếu không muốn nói là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và những cam kết của TQ với tư cách là thành viên UNCLOS.

Các lập luận khác

{keywords}

Bên cạnh đó, còn có các lập luận khác của các học giả thân TQ tập trung công kích vào tính chính đáng của Tòa. Điển hình là các lập luận tấn công vào cựu giám đốc Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), thẩm phán Shunji Yanai. Họ cho rằng việc ông Yanai là người Nhật và là người ra quyết định chọn Trọng tài cho vụ kiện của Philippines và TQ, nên chắc chắn sẽ có hiện tượng thiên vị, không công bằng và không công tâm.  

Ngoài ra có các lập luận cho rằng việc Tòa Trọng tài chỉ có 5 trọng tài viên nên phán quyết của họ không có sức thuyết phục bằng những phán quyết được đưa ra bởi những Tòa án quốc tế như ITLOS (21 thẩm phán) hoặc ICJ (15 thẩm phán). Nhưng những người đưa ra lập luận này đã quên rằng chính việc TQ từ chối xuất hiện trước Tòa, từ chối tham gia vào vụ kiện mới dẫn đến hai hậu quả pháp lý trên.  

TQ đã có thể chấp nhận đơn kiện của Philippines và chọn Tòa ITLOS hoặc ICJ để cùng Philippines giải quyết tranh chấp. Nhưng TQ đã chọn phương án vắng mặt trước Tòa. Do đó, căn cứ theo điều 287 của Công ước, một bên trong tranh chấp vẫn có thể đơn phương đệ đơn lên Tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp và Tòa án thụ lý sẽ là Tòa Trọng tài phụ lục VII.  

TQ đã có thể chấp nhận cùng Philippines giải quyết tranh chấp trước Tòa Trọng tài phụ lục VII và TQ hoàn toàn có quyền chọn Trọng tài viên theo ý muốn của mình. Nhưng TQ đã chọn phương án ẩy chay vụ kiện. Do đó, theo quy định tại điều 3 phụ lục VII của Công ước, giám đốc của ITLOS phải lựa chọn Trọng tài cho bên vắng mặt.

Và cho đến ngày hôm nay, TQ đã có những tuyên bố và hành động thể hiện quan điểm sẽ không tuân thủ theo phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài. Hành vi này của TQ được biện minh rằng vì theo điều 38, Quy chế Tòa án quốc tế phán quyết của Tòa Trọng tài không nằm trong nguồn chính của Luật quốc tế, nên việc TQ không thực hiện phán quyết không đồng nghĩa TQ vi phạm Luật quốc tế. Lập luận này hoàn toàn sai lầm về mặt pháp lý.  

Như đã nói ở trên, điều 296 của Công ước Luật biển quy định, phán quyết của Tòa án quốc tế hoặc Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước (Tòa Trọng tài phụ lục VII) là chung thẩm và bắt buộc phải được thực hiện bởi các bên trong phán quyết. TQ, dù xuất hiện hay không xuất hiện trước Tòa, vẫn làmột bên trong phán quyết, do đó phải có nghĩa vụ thực hiện phán quyết này. Nếu không, TQ đã vi phạm điều 296 của Công ước, đây là nguồn của Luật quốc tế cũng chính theo điều 38, Quy chế Tòa án quốc tế đã dẫn ở trên. Như vậy, hành vi không tuân thủ phán quyết của TQ đồng nghĩa với việc TQ không tuân thủ luật pháp quốc tế.  

Cuối cùng, có ý kiến đưa ra nếu TQ rút khỏi Công ước, TQ có thể tránh khỏi việc thực hiện phán quyết của Tòa. Lập luận này khó mang tính thuyết phục bởi hai điểm. Thứ nhất, theo điều 317 của UNCLOS, các quốc gia có quyền tuyên bố rút khỏi UNCLOS, nhưng việc rút khỏi Công ước không làm mất đi nghĩa vụ phải thực hiện của quốc gia này khi nó còn là thành viên trong ít nhất là một năm sau khi tuyên bố.  

Thứ hai, khi là thành viên của UNCLOS, TQ được hưởng lợi rất nhiều từ các quy định trong UNCLOS, điển hình là các chế định về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, do đó, ít có khả năng TQ từ chối những quyền lợi này chỉ để trốn tránh việc thực hiện phán quyết ngày 12/7 vừa qua.  

Kết luận 

{keywords}

Những lập luận phản đối từ sự thành lập, thẩm quyền, đến phán quyết và tính chính đáng của Toà trọng tài phụ lục VII giải quyết vụ kiện giữa Philippines và TQ từ chính TQ hoặc các học giả thân TQ đều có thể bị bác bỏ một cách logic và hợp pháp theo luật quốc tế. Toà Trọng tài đã rất thận trọng trong việc tách quá trình tố tụng thành 2 phiên khác nhau. Một phiên chỉ để xem xét về thẩm quyền; một phiên cuối cùng giải quyết về nội dung tranh chấp.  

Đặc biệt phán quyết cuối cùng dài hơn 500 trang của Toà giải quyết rất cặn kẽ từng yêu sách của Philippines cho thấy sự chi tiết của Toà, và tính chặt chẽ trong từng lập luận của đoàn thẩm phán. Do đó, có thể nói những tấn công của TQ vào phiên Toà này được đề cập ở trên thể hiện một thái độ xem thường công lý và sự hời hợt trong việc nghiên cứu luật biển quốc tế nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung.  

Phạm Ngọc Minh Trang, Khoa Quan hệ quốc tế, ĐHKHXH&NV, TP. HCM.

-----

[1] Phán quyết về thẩm quyền, đd, đoạn 229, 289.