Philippines không những bảo vệ các yêu sách của mình theo luật pháp quốc tế; mà còn áp dụng nó để thách thức các yêu sách của TQ trên các diễn đàn khác nhau. "Phát súng" đầu tiên được khai hỏa vào 5/4/2011.

Kỳ : Philippines đã dồn được hàng xóm TQ vào góc

Trung Quốc phản đòn

Tuy nhiên, Philippines chỉ đạt được thành công hạn chế trong việc thực hiện hai yếu tố đầu của chiến lược chủ động, cụ thể là thay đổi hiện trạng và quốc tế hóa tranh chấp. Một mặt, Philippines đã thành công trong việc chọc giận TQ, đồng thời tạo ra dư luận rằng Bắc Kinh là kẻ bắt nạt, còn Manila là nạn nhân yếu nhưng không sợ. Một phần do phản ứng của TQ đối với Philippines, công luận trong khu vực đã chỉ trích TQ một cách gay gắt. Cộng đồng quốc tế ngày càng can dự vào tranh chấp khi Philippines và các bên tranh chấp khác liên kết cùng nhau ứng phó với TQ.

Chiến lược của Philippines là buộc TQ lựa chọn giữa đánh mất biển Đông và đánh mất khu vực. Cho đến nay TQ tránh phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn này bằng cách ứng phó theo kiểu ăn miếng trả miếng đối với những hành động chọc tức của Philippines, trong khi đó ngăn ngừa sự leo thang. Chiến lược hăm dọa của TQ làm mất bạn bè, nhưng nó không đến mức khiến cho ngưng trệ quan hệ thương mại khu vực. Như vậy, trong khi sự căng thẳng tiếp tục tồn tại, chiến lược của Philippines đã phải trả cái giá đáng kể. TQ đã đạt được một số thành công ngoạn mục, điển hình là vụ bãi cạn Scarborough. Mặc dù Manila định đẩy TQ ra khỏi đó, nhưng chịu thất bại, và TQ càng củng cố lực lượng kiểm soát vùng biển từ đó đến nay.

Phần nào đó Philippines lúng túng trong chiến dịch của mình vì chọn nhầm chiến trường. Trên cả hai phương diện là thay đổi hiện trạng ở biển Đông và quốc tế hóa tranh chấp, TQ đều có lợi thế so sánh.

Tương tự như vậy, TQ cũng vượt trội Philippines trên trường quốc tế nhờ có các mối quan hệ thương mại rộng khắp. Các nước thường nghe theo TQ khi Bắc Kinh dọa đừng có can dự vào tranh chấp trên biển Đông nếu không muốn trả giá đắt liên quan đến đầu tư vào TQ.

Như vậy, để chiến lược của mình thành công, Philippines cần thách đấu ở vũ đài mà họ có lợi thế so sánh so với TQ, nơi mà TQ khó phát huy thế mạnh của mình. Vì thế, Manila đã ngày càng ưu tiên sử dụng nhiều hơn yếu tố thứ ba trong chiến lược của mình - luật pháp quốc tế.

{keywords}
Lính hải quân của Philippines kéo cờ tại biển Đông. Ảnh: AP

Sử dụng luật pháp quốc tế

Tất cả các quốc gia thường được coi là bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, luật pháp quốc tế có thể được sử dụng để giảm thiểu các lợi thế của TQ xuống mức ngang bằng với Philippines. Theo đó, từ năm 2011 Manila ngày càng dựa vào luật pháp quốc tế nhiều hơn để đòi hỏi các yêu sách chủ quyền. Tất nhiên các bên tranh chấp khác ở biển Đông cũng biện luận cho các yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Nhưng Philippines không những bảo vệ các yêu sách của mình theo luật pháp quốc tế; mà còn áp dụng nó để thách thức các yêu sách của TQ trên các diễn đàn khác nhau.

Phát súng đầu tiên được khai hỏa vào 5/4/2011, khi Philippines đệ trình thư ngoại giao (note verbal) lên LHQ phản đối đường 9 đoạn của TQ là "không hề có cơ sở theo luật pháp quốc tế". Văn bản này được đưa ra đúng thời điểm, phản ứng lại hai văn bản của TQ đệ trình trước đó vào 7/5/2009. Sau khi TQ nộp văn bản này vài tháng, đã có một số nước đã đệ trình văn bản phản đối đến LHQ. Nhưng Philippines đã giữ im lặng hai năm mới quyết định khơi lại vấn đề thông qua việc đệ trình văn bản của mình. Manila không chỉ quan tâm đến hành động ngoại giao, mà đợi thời điểm để dồn Bắc Kinh vào thế phòng ngự.

Từ đó đến nay, Philippines tăng cường thế tấn công về luật pháp quốc tế. Đáng kể nhất là việc Manila quyết định đưa vụ việc ra cơ quan tài phán quốc tế sau khi chịu thất bại ở bãi cạn Scarborough. Ngày 22/1/2013 Philippines đã có bước đi mạnh mẽ bắt đầu quy trình khởi kiện trọng tài theo quy định của UNCLOS. Philippines chủ yếu đưa ra ba đòi hỏi: thứ nhất, đường chín đoạn của TQ trái với quy định của UNCLOS; thứ hai, nhiều thực thể biển mà TQ đòi có chủ quyền không được hưởng chế độ của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý như TQ khẳng định; thứ ba, TQ nhiều lần vi phạm các quyền của Philippines theo quy định của UNCLOS.

Không có gì ngạc nhiên khi TQ phủ nhận các đòi hỏi của Philippines và từ chối tham gia vụ kiện. Nhưng theo Điều 9, Phụ lục VII của UNCLOS, "việc một bên vắng mặt hay một bên không đệ trình phản tố không cản trở trình tự tố tụng". Trong khi vẫn còn chưa rõ việc TQ vắng mặt có hệ quả gì đối với thẩm quyền tài phán của tòa, cho đến nay quy trình tố tụng trọng tài quốc tế dường như đang theo con đường của Philippines. Mặc dù TQ không tham gia, 5 thành viên của Hội đồng trọng tài vẫn được lựa chọn vào tháng 4/2013. Hội đồng đã đưa ra lệnh tố tụng đầu tiên vào 27/8/2013 thiết lập hạn chót để Philippines nộp đầy đủ hồ sơ, và Philippines đã làm điều này vào ngày 30/3/2014.

Trên phương diện nào đó, việc Philippines chú ý sử dụng luật pháp quốc tế có vẻ hơi lạ lùng, vì các yêu sách pháp lý của họ không vững vàng. Nhưng Philippines đã biết cách che giấu điểm yếu của mình bằng cách chủ động tấn công. Họ tự đặt ra điều kiện cho vụ kiện của mình, tập trung nhiều hơn vào các điểm yếu trong các yêu sách tham lam của TQ mà ít gây chú ý đến quan điểm pháp lý mỏng manh của mình.

Trong đó, yêu sách của Philippines về lãnh thổ yếu hơn so với của TQ. Nhưng vụ kiện của Philippines không tập trung vào vấn đề ai làm chủ quần đảo (tòa trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vấn đề này), mà đặt ra những vấn đề luật biển như: những thực thể đảo nào ở biển Đông được quyền có EEZ theo quy định của UNCLOS. Hơn nữa, do TQ từ chối tham gia vụ kiện nên đã bỏ lỡ cơ hội nhấn mạnh quan điểm của mình và hướng sự chú ý tới những điểm yếu của Manila.

Mặc dù đã từ chối tham gia vụ kiện, TQ vẫn cố gắng hết sức ngăn cản quy trình tố tụng. Một năm rưỡi sau khi Philippines nộp hồ sơ, Bắc Kinh cố gạ gẫm Manila chấm dứt quy trình tố tụng trọng tài. Philippines đã từ chối những đề nghị này, thậm chí có những lúc làm điều đó một cách công khai, khiến TQ rất lúng túng. TQ cũng cố gắng thuyết phục các nước ASEAN khác chống lại Philippines, nhưng đều nhận được lời từ chối lịch sự.

Ở một mức độ nào đó, phản ứng của TQ có vẻ như quá mức. Nếu như Hội đồng trọng tài ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh, vậy thì sao? Nhưng TQ lại chú trọng việc được coi là một chủ thể quốc tế biết tuân thủ luật chơi, vì điều đó có những lợi ích vô hình. Với việc lớn mạnh không ngừng, TQ cần phải tránh thể hiện mình như một quốc gia theo chủ nghĩa phục hận, làm mất ổn định trật tự thế giới hiện hành. Như hiện tại các nước láng giềng đã thấy khó khăn trong giao thương với nước lớn này. TQ không thể tạo thêm lý do khiến họ lo ngại thêm nữa.
Vì vậy, vụ kiện của Philippines có thể coi như một phong vũ biểu đo đường đi nước bước của TQ, thậm chí nhận dạng nước này. Khi chịu áp lực, TQ có tôn trọng luật pháp quốc tế hay không? Hay họ sẽ theo logic "kẻ mạnh làm những gì có thể làm, người yếu phải chịu những gì phải chịu". Philippines đã tìm ra điểm yếu của TQ, và sẽ còn khai thác nó ít nhất một thời gian nữa. Và nếu nước cờ kiện lên tòa trọng tài thành công, Philippines sẽ còn tiếp tục chú trọng sử dụng luật pháp quốc tế trong chiến lược chủ động của mình.

Kết luận

Trong khi TQ từng chiếm thế thượng phong ở biển Đông nhiều năm nhờ chiến lược khôn khéo và sức mạnh vật chất của mình, nước này cũng ngày càng đánh mất sự kiểm soát của mình do các bên tranh chấp yếu hơn như Philippines đã áp dụng chiến lược chủ động hơn, thậm chí có phần đối đầu. Cho đến nay, TQ đã "chiến đấu" nhằm giải quyết những hành động chọc giận một cách chịu đựng: mặc dù TQ đã dùng vũ khí chính trị và kinh tế để đẩy lùi đối phương, nhưng lại làm tổn hại uy tín của mình trong khu vực.

Tuy nhiên, các nước nhỏ cũng chưa thể tuyên bố chiến thắng. Trên nhiều phương diện, chiến lược của Philippines thiếu hiệu quả trong việc buộc TQ nhượng bộ. Sau đó, Philippines đã áp dụng cách tiếp cận mới có tiềm năng hơn khi quay sang sử dụng luật pháp quốc tế. Trên thực tế, TQ thể hiện một thái độ sẵn sàng thỏa hiệp chưa từng thấy đối với vụ kiện trọng tài của Phi. Philippines vẫn đang từ chối thương lượng, có lẽ muốn nhận được nhượng bộ tốt hơn trong tương lai.

Nhưng vụ kiện càng tiến triển, TQ sẽ ngày càng liều lĩnh ngăn cản bằng bất kỳ cách thức cần thiết nào. Manila càng kéo dài vụ kiện, Bắc Kinh càng cố vượt qua sự bướng bỉnh của đối phương bằng sức mạnh hơn là bằng cơ chế giải quyết tranh chấp. TQ cũng có thể quyết định chơi theo vụ kiện, nhất là vì tòa trọng tài có thể dễ dàng tuyên bố không có thẩm quyền phán quyết về vụ việc. Như vậy, tạm thời Philippines đang giành lợi thế chiến thuật, nhưng phải chờ xem họ có giữ được nó hay không.

Dù cho kết quả vụ kiện thế nào chăng nữa, quá trình này dự báo điềm xấu cho sự ổn định của khu vực, như các sự kiện trong vài tuần qua đã chứng minh. Điều tồi tệ ở đây là chiến lược của cả hai bên phụ thuộc vào bên kia có muốn xung đột công khai hay không. TQ cho rằng Philippines không muốn khơi mào một cuộc đụng độ hải quân nắm chắc phần thua; trong khi đó Manila hy vọng Bắc Kinh sẽ không kích động cả khu vực với việc khoe khoang sức mạnh quân sự.

Với nghĩa nào đó có lẽ hai bên đều đúng. Nhưng hai nước đều không kiểm soát được hết, liệu các sự việc sẽ phát triển đến đâu, nhất là cả TQ và Philippines thường cho phép các lực lượng trong nước vận động khá thoải mái. Trong khi chiến thuật này thể hiện sự cam kết và gây dựng lòng tin trong nước, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ kích nổ thùng thuốc súng nằm ở trung tâm cuộc tranh chấp, với những tia lửa của chủ nghĩa dân tộc và sự tính toán sai lầm. Như lịch sử đã chứng minh, chỉ cần một tia lửa thôi cũng đủ làm nổ tung thùng thuốc súng.

Nguyễn Đức Lam (dịch, theo National Interest)

Xem thêm các bài: