Cơ quan cũ, mới nơi tôi công tác đều có các cựu học sinh trường chuyên. Bản thành tích học đường rất đáng nể nhưng muốn thành công họ đều phải học lên, học tiếp rất nhiều.

Không biết bây giờ thế nào, chứ thời chúng tôi đi học, đã gọi là học giỏi thì phải giỏi toán, lý, hóa, nghĩa là thi đại học khối A mới là oách, mới được thầy cô, bạn bè ngưỡng mộ. Còn như giỏi văn, sử, sinh, địa thì “yếu” lắm, chẳng bao giờ dám tự hào hay đón nhận lời khen tặng nào của bất cứ ai.

Làng tôi có một bạn cực kỳ giỏi toán, học “lớp đặc biệt” rồi sau đó là trường chuyên Phan Bội Châu của tỉnh. Được “ăn cơm nhà nước” từ hồi lớp 4, từng đi thi toán miền Bắc mấy lần, con nhà nông nhưng chẳng bao giờ biết lúa ngô củi cỏ, cứ thế học một mạch lên đại học, đi làm thành đạt và thỉnh thoảng về làng ô tô bấm khẽ còi, gặp ai cũng chào hỏi tử tế tuyệt vời.

Tôi học toán không kém nhưng dứt khoát không khá, càng không giỏi. Bằng chứng là có lần kiểm tra bài đầu giờ, thầy Nguyễn Cảnh Trạch cho điểm 2 và gọi đùa là văn sỹ nhác (thầy cũng biết tôi khá môn văn?). Kỳ thi tốt nghiệp lớp 10 năm đó, tôi cố làm cho xong môn toán và từ đó trở đi cứ gọi là “cạch đến già”, kể cả khi con hỏi bài tập toán lớp 1, lớp 2… cũng lắc đầu nguầy nguậy, đi tìm mẹ mày giỏi toán mà hỏi nhé, nhé…

Và ít nhất cho đến giờ, tôi có hai lần làm cho những người yêu quý mình thất vọng. Lần đầu, cô giáo chủ nhiệm hỏi tôi đăng ký thi đại học khối nào? Tôi lí nhí thưa: khối C và nhận được một thoáng buồn từ đôi mắt vốn vô cùng tin tưởng của cô luôn dành cho cậu học trò.

{keywords}

Thật khó để nói học giỏi là thành công, là mọi con đường rộng mở. Ảnh minh họa

Lần thứ 2 là khi tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đứng trước lựa chọn ở lại Hà Nội làm một công việc gì đó hay trở lại cơ quan cũ ở Vinh. Biết tôi có chút viết lách nên các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh và Xuân Thiều ôn tồn khuyên, rằng quyết định lần này quan trọng nhất cuộc đời cậu, thành hay bại là ở đó! Phải tự mình nghĩ kỹ và quyết định đúng, chúng tớ chỉ nói được đến thế!

Sau này tôi mới hiểu trong quan niệm của nhiều người đi trước, lựa chọn trở lại cơ quan cũ tương ứng với việc chấp nhận lùi nhiều bước, là về lại tỉnh lẻ, là bỏ mất cơ hội để phát triển... Bằng chứng rõ rành rành, rất ít người chọn con đường đó mà có được thành công như mong muốn, nếu không muốn nói là thất bại từng bước, tiến tới thất bại toàn diện sau này.

Vậy mà tôi vẫn chọn thế “yếu” để đi tiếp và con đường ấy kéo dài 30 năm có lẻ.

May mắn cho tôi thi lần đầu đỗ vào khoa Văn Tổng hợp Hà Nội. Hôm đầu tiên nhập trường, lên xe về Sài Sơn - Quốc Oai tập quân sự luôn một tháng, bàng hoàng khi xướng tên nghe toàn các nhà văn, nhà thơ đình đám, lại còn học sinh chuyên Văn, giải quốc gia nọ kia từ chuyên Phan Bội Châu, chuyên Nam Định, Hải Phòng… cho đến số đậu đi học nước ngoài khóa trước nhưng trượt ngoại ngữ nay “chiếu cố” học trong nước.

Phải đến kết thúc học kỳ 1, thi xong các môn mới biết sức học người nhà quê đến đâu và yên tâm đèn dầu sách mới.

Thầy Trần Đình Hượu hồi đó nói với anh em chúng tôi, rằng 4 năm Tổng hợp thực ra không học được điều gì đáng kể, nhưng lại có được cái quan trọng nhất cho mỗi người. Đó là phương pháp luận, để khi bước ra ngoài đời, được giao bất cứ công việc gì cũng có thể làm được và làm tốt!

Thầy Trần Quốc Vượng bên khoa Sử nhưng rất hay trò chuyện với học trò khoa Văn, có lần cười nói đại ý: ra trường các cậu làm gì cũng được, nhưng nhất quyết phải làm giỏi, kể cả đá bóng giỏi thầy cũng hoan nghênh!

Lúc đó, cả nhóm học trò xúm quanh bảng tin dưới gốc xà cừ nghe thầy nói thế ồ lên cười. Nhưng ra trường vật lộn với cuộc sống, sầy vi tróc vảy rồi mới thấm thía lời các thầy dạy năm nào.

Bây giờ đã thành ông, thành bà, gặp nhau đã kể chuyện cháu nội, cháu ngoại hỉ hả. Thật khó để nói học giỏi là thành công, là mọi con đường rộng mở. Lớp tôi thời văn sỹ nhác cũng như thời Mễ Trì đầy mộng mơ vẫn giữ liên hệ mật thiết với các thầy cô giáo và mọi người, chức tước, chức danh hay làm được cái gì đó, viết được cái gì đó thì mừng cho nhau, nhưng không ai vì thế mà xa lạ hay tỏ ra này khác.

Cơ quan cũ, mới nơi tôi công tác đều có các cựu học sinh trường chuyên. Bản thành tích học đường rất đáng nể nhưng muốn thành công họ đều phải học lên, học tiếp rất nhiều, nếu không muốn đi thụt lùi như từng nghe, như anh bạn giỏi toán tấm gương sáng láng làng tôi.

Bùi Nam Sơn

Bài cùng tác giả:

Thủ khoa Ngoại thương, bằng đỏ xênh xang rồi… đi xa cả

Câu chuyện muôn thuở là học xong không thấy ai về làm việc dưới tỉnh hay bên huyện, mà chỉ rặt Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí còn cả bên Sing, bên Mỹ.

Những chuyện nhỏ giúp tôi hiểu sự thần kỳ Nhật Bản

Và thêm một lần tôi hiểu, sự thần kỳ Nhật Bản giản dị và có thể học, có thể làm được, bắt đầu bằng những việc làm nhỏ như thế, như thế…