Đến khi “lo Tết” xong, thì sự mệt mỏi đó trở nên êm đềm và dễ chịu của buổi sáng Mùng Một, một bầu không khí yên ắng đến kỳ lạ của thành phố. 

Tết, lúc người Việt… khiếm nhã nhất

Xin hỏi Tết xưa còn hay mất?

“Đi từ bến xe Nước Ngầm lên Lý Thường Kiệt mất ba giờ đồng hồ!” đó là câu của bác lái xe taxi thốt lên cảm thán, kể về việc tham gia giao thông trong những ngày giáp Tết năm nay.  

Thật ra năm nào mà chẳng đông nghẹt người như thế, khi mà cả năm làm việc, bươn chải… người ta cũng chỉ còn có mấy ngày Tết để nghỉ ngơi, để thăm thú chúc tụng lẫn nhau, quây quần sum họp bên gia đình… Để “lo” cho một cái Tết đủ đầy, người ta chỉ có dăm ba ngày – và trong số những người “nêm” vào dòng người trên đường phố, có biết bao người vẫn tiếp tục bươn chải, với họ, mấy ngày trước Tết cũng đủ kiếm được cái Tết. 

Cũng bởi vì “lo” Tết có cơ man việc phải làm, vô số thứ phải mua, từ cái nhỏ như tập bao lì xì, đến chuyện lớn hơn như cây đào, cây quất “chơi” Tết, thậm chí chuyện lớn hơn nữa sửa nhà sửa cửa để đón Xuân sang. Tất cả dồn con người ta đến cái mốc cuối cùng ngày 30 Tết, để đến mai Mùng Một thì chẳng ai còn làm gì nữa cả, mọi việc ngừng trệ hết. 

Gần như tất cả cùng sẽ thốt lên một câu “Mệt quá, sợ Tết lắm rồi!”, “Nốt năm nay thôi, sang năm phiên phiến đi cũng được…” nhưng cuối cùng thì chẳng bao giờ thoát ra được cả. Có phải chúng ta sống một mình nơi hoang đảo đâu, người lớn thì sao cũng được nhưng trẻ con thì cái Tết nó vẫn háo hức và hệ trọng lắm, làm sao để chúng nó không có Tết đến tủi thân cho được? Ngay cả bây giờ Tết nhất đã đơn giản đi nhiều, mai một đi nhiều những sự hồi hộp chờ đón, cái sự náo nức chuẩn bị, cái sự nôn nao mỗi khi chỉ còn vài giờ vài phút trước giao thừa… thì vẫn nên cố mà giữ lấy vài chút gì còn lại. 

{keywords}
Một gia đình Hà Nội luộc bánh chưng. Ảnh:Nguyễn Cảnh Tùng

Và thế là chúng ta lại hòa vào dòng người cùng xe cộ, để rồi tiếp tục ngán ngẩm, “Gớm, người đâu ra mà lắm thế!” Người ta đang nghi ngờ phải chăng năm nay Hà Nội nhiều người hơn năm trước? Không chắc, có thể là dễ tắc đường hơn năm trước, khi thành phố còn biết bao công trình còn dang dở, không kịp hoàn thành để đón mùa Xuân mới. 

Chính sự tất bật, vội vàng của chúng ta, tạo nên cái gọi là Tết. Tết không chỉ đơn thuần là một khái niệm về thời gian, mà là một bầu không khí chứa đầy đủ âm thanh, hình ảnh, mùi vị… tất cả đem đến cho con người ngoài cái mệt mỏi, nhưng đến khi “lo Tết” xong, thì sự mệt mỏi đó trở nên êm đềm và dễ chịu của buổi sáng Mùng Một, một bầu không khí yên ắng đến kỳ lạ của thành phố.  

Cả năm chỉ được thong thả mấy ngày này thôi, mặc vào những bộ quần áo đẹp và đi ra ngoài, hưởng “không khí Tết” ngập tràn khắp nơi, chợt chạnh lòng nhớ tiếng pháo rộ lên lúc xa lúc gần, sáng Mùng Một người ta đốt pháo không cùng giờ. Nếu bây giờ có được đốt pháo, chắc tiếng pháo nó cũng sẽ không vang như ngày xưa, vì bây giờ nhiều nhà cao tầng quá rồi. Thành phố cũng không còn nhiều chỗ để tụ tập luộc bánh chưng, chỉ còn lại lác đác vài khu tập thể cũ là còn chút gì đó của thời bao cấp ba chục năm về trước. 

{keywords}
Hà Nội sáng mùng 1 Tết, vắng lặng, bình yên. Ảnh:Nguyễn Cảnh Tùng

Thành phố chợt nhớ ra, những người còn nườm nượp đi trên đường hôm qua, hôm kia, hôm kìa đâu hết rồi nhỉ? Tại sao lại vắng thế này? Tắc đường cũng đi đâu mất luôn, có muốn cũng không còn thấy nữa? Thành phố nhớ ra, những cư dân của mình có rất nhiều người giờ này đang ăn Tết, chung vui cùng gia đình ở tận một vùng quê xa.  

Nhiều người dù đã định cư ở thành phố, coi Hà Nội như quê hương thứ hai của mình, nhưng vẫn giữ “đất lề quê thói,” một năm có ba ngày Tết vẫn phải về ăn Tết với cha mẹ, họ hàng, chòm xóm. Nơi chúng ta sinh ra, ăn những cái Tết đầu tiên của cuộc đời, đó là những cái Tết không bao giờ quên và nó thiêng liêng lắm, có điều kiện thì cũng không nên bỏ. 

Thành phố bâng khuâng. Chỉ vài ngày thôi, nó đã nhớ những cư dân mới của nó – cả năm họ đã lao động vất vả để làm giàu nhưng cũng đã góp phần xây dựng cho thành phố, họ xứng đáng được “xa thành phố” dù chỉ vài ngày, về với quê hương của họ, để rồi ra Giêng, họ lại lên. Họ lại lên để quay trở lại, đưa thành phố về với guồng quay của cuộc sống tất bật thường ngày.  

Thành phố biết nó còn nhiều khiếm khuyết để sửa chữa, nhưng cư dân của nó dù mới, dù cũ, không bao giờ chối bỏ nó, mà vẫn cùng nhau sống và phát triển. Một mùa Xuân mới, một năm mới bắt đầu.

Phúc Lai