Một bức thư khẩn cầu đầy nước mắt của hai nữ sinh lớp 12 được gửi tới Bí thư Đinh La Thăng đã thành cú hích giúp cho một vấn đề kéo dài vài thập kỷ được giải quyết nhanh chóng.

Khi sinh ra chúng con đã không được thừa nhận sự tồn tại của những sinh linh bé nhỏ. Rất may mắn khi được cánh cửa của mái ấm đã rộng mở chào đón chúng con. Chúng con như được sinh ra một lần nữa. Chúng con đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học sắp tới với cánh cửa tương lai đang rộng mở chờ đón, nhưng đến nay chúng con vẫn chưa được cấp giấy chứng minh nhân dân, chưa được xã hội thừa nhận là công dân Việt Nam” Những câu chữ đầy nước mặt đã được gửi tới Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đầu tháng 3/2016, ngay trước kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia.

Nữ sinh Nguyễn Minh Phương, học lớp 12C5 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân, TP.HCM và Nguyễn Hiếu Thảo, học lớp 12A Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đồng Nai (đều thuộc mái ấm Truyền Tin, địa chỉ 923/5 Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) đã cùng viết thư cho Bí thư Thăng. Lý do: cả hai không có chứng minh thư nhân dân, không có hộ khẩu nên cả hai rất lo sẽ không được tham dự kỳ thi- quyết định hướng đi cho cuộc đời các em sau này

Ngay khi nhận được bức thư này, Bí thư Thăng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra. Hóa ra, không chỉ chuyện hai em nữ sinh không được cấp Chứng minh nhân dân mà còn chuyện nhiều mái ấm vẫn chưa được cấp phép hoạt động.

{keywords}

Hai nữ sinh Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Hiếu Thảo (bàn đầu bên phải). Ảnh: Đình Nguyên

Thành lập từ năm 1995, Truyền Tin đã trở thành mái ấm, là nơi nương tựa của hàng trăm trẻ mồ côi, bị bị bỏ rơi. Tại đây các em được ăn, được đi học nhưng lại không được làm chứng minh nhân dân. Nguyên do, muốn có chứng minh nhân dân, các em phải có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Mà nhiều cơ sở mái ấm lại không được cấp giấy phép, nên không thể đứng ra đăng ký thường trú cho các em.

Theo nữ tu Nguyễn Thị Cư, từ năm 2010, đại diện cơ sở đã làm hồ sơ gửi quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh xin thành lập cơ sở bảo trợ xã hội (CSBTXH) nhưng không được chấp nhận. Tình cảnh cứ kéo dài nhiều năm. Nhiều mái ấm và nhà tình thương khác cũng rơi vào trường hợp tương tự.

Việc Mái ấm Truyền Tin không được cấp phép, phía chính quyền đưa ra rất nhiều lý do, từ không đủ điều kiện môi trường, không đủ cơ sở vật chất hay nguồn kinh phí… đến những lý do “không thể tin nổi” như mái ấm không có nhà tang lễ và cơ sở chăn nuôi. Chính quyền cũng giải thích việc cần nhà tang lễ là để có nơi cúng tế cho các sinh linh không may. Còn cơ sở chăn nuôi để đảm bảo điều kiện sản xuất thu nhập cho cơ sở.

Người phụ trách mái ấm ở đây cũng đã giải thích rằng thành phố chật hẹp, đất đắt như vàng, kiếm đâu chỗ xây nhà tang lễ. Còn việc chăn nuôi thì chưa cần vì các mái ấm tồn tại chủ yếu dựa nhờ vào lòng hảo tâm của người đời và xã hội.

Thật may! Nhờ bức thư đẫm nước mắt của hai em Thảo và Phương, Bí thư Đinh La Thăng đã có những chỉ đạo kịp thời. Vấn đề đã được giải quyết chóng vánh.

Hoàng Hường