- Bất kỳ tài sản gì để cho mối xông cũng là lãng phí. Đấy là chưa kể xét về mặt duy tâm, mối xông thì thường không may mắn.

Giữa khu phố sầm uất của Manhattan - phố 14, Union Square (Quảng trường Thống nhất) có một cửa hàng sách cũ nổi tiếng tên là Strand. Bất kể mùa hè hay mùa đông, cửa hàng lúc nào cũng nườm nượp khách vào ra. Giá cả ở đây phù hợp với mọi đối tượng. Từ vài chục cent đến cả ngàn đồng (USD).

{keywords}

Sách của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến để chỏng chơ và bị mối xông. Ảnh: Thanh niên.

Khách hàng cũng đủ mọi thành phần. Người làm nghiên cứu đến đây tìm những công trình khoa học cũ có liên quan. Các cụ hưu trí mang sách quý trong thư viện gia đình đến bán lại với hy vọng những cuốn sách đó còn có ích cho người khác. Đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên. Họ đến đây để mua sách giá rẻ và để... đọc chùa. Ngoài sách cũ, cửa hàng còn in và bán các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới với giá bình dân vì không còn phải trả tác quyền. Strand không chỉ giúp phát huy hết giá trị văn hóa của sách mà còn mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các ông chủ của mình. Xung quanh Công viên Trung tâm (Central Park), du khách sẽ gặp không ít các xe bán sách lưu động của Strand. Nhà mình cũng mua được "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh và "Chốn vắng" của Dương Thu Hương trong cửa hàng này.

Hình ảnh quen thuộc trên các chuyến tàu điện ngầm hàng ngày ở xứ này là mọi người đều cắm cúi đọc một thứ gì đó và không làm phiền ai. Sách được đem làm quà tặng nhau trong các dịp sinh nhật, giáng sinh. Thư viện mở cửa bảy ngày trong tuần, cho mượn hoàn toàn miễn phí. Người vô gia cư cũng đọc sách trong lúc chờ "bố thí" của người qua đường.

Dăm bảy năm trước, khi chuẩn bị ra cuốn "Biển và chim bói cá", cố nhà văn Bùi Ngọc Tấn gửi thư khoe với tôi: "Nhà xuất bản họ đứng ra in và tiêu thụ. Anh lấy nhuận bút bằng sách để tặng bạn bè". Tôi bảo: "Họ 'trông giỏ bỏ thóc' đấy anh ạ. Thời buổi tự viết, tự in, em thấy thương các ông chồng, bà vợ nuôi người viết lách trong nhà. Đang yên đang lành, tự nhiên in sách, thế là thành con nợ". Các nhà sách, trong cơ chế thị trường bây giờ cũng rất nhanh nhạy. Các chiến dịch quảng cáo và những buổi ra mắt sách ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tác giả tự rao bán sách của mình trên các mạng xã hội giờ không còn là chuyện hiếm.

Mới đây, báo Thanh niên mới phát hiện ra một kho sách trị giá 120 tỷ đồng của Nhà xuất bản Hà nội bị mối xông. Số sách này thuộc dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" từ đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà nội. 

Hãy khoan bàn về nội dung, mà theo các chuyên gia nghiên cứu là "cẩu thả và có quá nhiều lỗi tủn mủn, gây khó chịu cho người đọc". Nếu không phải "tiền chùa" thì chắc chắn không một nhà đầu tư nào dám bỏ tiền ra in một lượng lớn như vậy rồi bỏ xó cho mối xông. Lại nữa, đối với loại sách khảo cứu luôn kén độc giả, người có tâm với tiền thuế của dân sẽ có phương thức phân phối đến tay những người cần chúng.

Bất kỳ tài sản gì để cho mối xông cũng là lãng phí. Đấy là chưa kể xét về mặt duy tâm, mối xông thì thường không may mắn.

Thanh Chung