Chỉ một động thái mở cửa miễn phí cho người dân vào bơi hồi năm ngoái mà công viên nước Hồ Tây đã trở thành “kỷ niệm" đáng xấu hổ cho người Tràng An.

Hà Nội hiện đã có đến 7,58 triệu dân (thống kê năm 2015), không kể số người ngoại tỉnh đang sinh sống, làm việc. Dường như chất lượng sống, nhìn ở khía cạnh phục vụ nhu cầu vui chơi, du lịch, nhất là của lớp trẻ, vẫn chưa theo kịp mức tăng dân số. Những dịp nghỉ lễ dài như vừa qua càng thể hiện rõ điều này.

Cũng dịp nghỉ này, tôi đã ghé thăm Sơn Tây - Ba Vì (Hà Nội), nơi đang được xem là vùng đất tiềm năng nhất cho du lịch sinh thái của Thủ đô, rất có thế mạnh để phát triển ở một tầm khác hẳn bây giờ, nếu được quan tâm đặc biệt.

Cách trung tâm Thủ đô trên dưới 60 km, nơi đây có các di tích cổ như làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, hàng trăm nền biệt thự cổ rêu phong nay đã thành phế tích…; có cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời với Vườn Quốc gia Ba Vì cây xanh cổ thụ ngút ngàn, nguồn nước khoáng nóng ở Khoang Xanh...

Song, thật đáng tiếc, dịch vụ du lịch ở đây vẫn chưa chuyên nghiệp, ít phân khúc cao cấp, ưu thế môi trường thiên nhiên cũng chưa được phát huy đúng mức.

{keywords}

Trên bình độ 600 và 800 của Vườn Quốc gia Ba Vì hiện có hàng trăm biệt thự hoang phế, nếu không được bảo tồn, phục dựng phần nào trong số đó thì rất phí. Ảnh: Quốc Phong

Làng cổ Đường Lâm, có lẽ do sự cân nhắc thận trọng thái quá, dù đã cố gắng điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng bảo tồn kết hợp phát triển mà mãi chưa xong đáp án giãn dân ra sao? Cổ kính và vô giá là vậy, nhưng Ban quản lý di tích cũng chỉ thu về khoảng 2 tỷ đồng/ năm tiền bán vé tham quan (năm2015).

Vì thế, người dân cũng không mặn mà với làng cổ như người dân phố cổ Hội An (Quảng Nam), thậm chí họ từng làm đơn xin trả di sản cho Nhà nước. Được biết, đến 75 % nguồn thu từ bán vé tham quan phố cổ Hội An và Cù lao Chàm, tương đường gần trăm tỷ đồng (năm 2015) đã được địa phương chi trở lại cho người dân cải tạo, trùng tu nhà phố cổ của họ.

Cuối tháng 4 vừa qua, một dự án" khủng" về du lịch sinh thái ở khu Nam Hội An vừa khởi công với tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỷ đô la. Trong khi đó, vùng Ba Vì - Sơn Tây, tiềm năng nhưng hầu như chưa có dự án nào bằng 1/100 giá trị so với dự án trên?

Vì sao vậy? Phải chăng những mắc mớ cũng nằm ở điều Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây cảnh báo: thu hút đầu tư không được “trên trải thảm, dưới rải đinh”?

Chẳng hạn, tôi đã cất công tìm hiểu kỹ lưỡng vụ việc liên quan một dự án từng tốn nhiều giấy mực gần đây, và thấy có khá nhiều góc cạnh phức tạp. Có lẽ do sự lăn tăn không đáng có ở bộ chủ quản của Vườn Quốc gia Ba Vì mà dự án được trình Bộ NN&PTNT đến gần chục năm trời, thủ tục pháp lý đã chuẩn bị xong, trình lên các cấp có thẩm quyền đầy đủ, tiền thuê đất doanh nghiệp cũng đã hoàn thành nghĩa vụ, vẫn không được phê duyệt chính thức.

Trong khi đó, doanh nghiệp đã kêu vượt cấp lên tới Chính phủ mà vẫn không thể nhúc nhích, dù Chính phủ cũng đã có các quyết định và nghị định cho phép về chủ trương chung, dự án đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt…

Để có những công trình đẹp, tương xứng cảnh quan ở Ba Vì, việc thu hút đầu tư là cần thiết. Tất nhiên, đi kèm với đó vẫn là những quy chế nghiêm ngặt ràng buộc các nhà đầu tư phải tuân thủ, vừa để bảo tồn môi trường sinh thái, lại vừa có nguồn thu cho ngân sách nhằm giúp bảo quản rừng tốt hơn.

Với mức thu phí như hiện nay (40 ngàn/ người), e rằng Vườn quốc gia Ba Vì không đủ tiền để nuôi công nhân thu dọn vệ sinh trong rừng sau mỗi lần đón khách dịp nghỉ lễ, nói gì chuyện tự lo tích luỹ để chăm sóc cây rừng thiên nhiên, giảm chi cho ngân sách. Và vô tình, những ngôi biệt thự cổ nay chỉ còn tường phủ rêu đã trở thành… nhà vệ sinh công cộng của du khách.

{keywords}
Cảnh hỗn loạn của Công viên nước Hồ Tây khi mở cửa bể bơi miễn phí năm 2015. Ảnh: Zing.vn

Hà Nội hiện mới có trong nội thành khu Công viên nước Hồ Tây là quy mô đáng kể, song chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của hàng triệu người dân, và quá khiêm tốn nếu so với các khu du lịch trong TP. HCM. Có lẽ vì thế, chỉ một động thái mở cửa miễn phí cho người dân vào bơi hồi năm ngoái mà nơi đây đã trở thành “kỷ niệm" đáng xấu hổ cho người Tràng An.

Đã đến lúc chính quyền Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân, nhất là khi tiềm năng phát triển Du lịch sinh thái - Văn hoá - Tâm linh này của Thủ đô hoàn toàn không hề nhỏ.

Quốc Phong 

>> XEM THÊM: