Đơn giản vậy thôi. Cái tốt phải được viết lên để thấy, để còn lòng tin vào xã hội, con người.

LTS: Ngày nay, hẳn chúng ta đều thường xuyên nghe những lời than thở như “người tốt, việc tốt càng ngày càng hiếm hoi”. Xong thực sự có phải như vậy, hay bởi cái tốt, cái thiện vẫn hàng ngày âm thầm, lặng lẽ tồn tại xung quanh, mà chúng ta đã để những ồn ào của cái xấu lấn át đi đến nỗi không nhận ra?

Làm gì để nhân rộng những điều tốt đẹp trong mỗi con người và trong toàn xã hội, đó là mục tiêu mà mạch bài này của Tuần Việt Nam hướng đến. Mời độc giả cùng đọc, suy ngẫm và thảo luận.  

Không ít lần các biên tập viên đặt tôi viết bài về những mặt trái của xã hội. Họ nghĩ tôi đi nhiều, có thực tế và vốn là một người ham tìm hiểu những tầng đáy xã hội, quen biết nhiều giới, nhiều ngành hẳn tôi sẽ có cái nhìn thấu đáo về cái ác, cái xấu đang hoành hành. Thường thì tôi từ chối một cách chân thành. Bởi đã có quá nhiều điều xấu trong xã hội được nhận dạng. Cái xấu rất dễ nhìn ra nhất là ở thời buổi hiện nay nói một cách không ngoa ngoắt và quá đáng thì cái xấu, cái ác đang có đất phát triển khi đạo đức xã hội đi xuống dù mọi thứ ở đời sống nhất là kinh tế có những thay đổi vượt bậc so với trước.

Chúng ta thường có cái nhìn soi xét về cái xấu, cái ác. Vẫn biết cái ác trong nhiều góc độ luôn hiện hình thách thức cuộc sống. Truyền thông ở mọi phương diện từ mạng xã hội đến báo chí, truyền hình luôn đề cập đến những vấn nạn xã hội. Sự lạm dụng đề cập đến cái ác, cái xấu dù là ở thái độ phê phán và tinh thần cảnh tỉnh thì vô hình trung cũng là một cách truyền tải tiêu cực. Nó làm nặng nề thêm cuộc sống vốn đã phức tạp, tạo ra mối bất an mất lòng tin hay ít ra cũng là lan tỏa nỗi buồn nhân tình thế thái.

Thực ra cuộc sống đâu phải lúc nào cũng phủ màu u ám như thế. Sự chuyển động của xã hội theo quy luật bao giờ cũng kéo theo cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Người lạc quan không có nghĩa là nhìn ra cuộc sống màu hồng. Tôi nhớ đọc ở đâu đó một câu nói rât chí lý: cái tốt phải biết nhìn mới thấy. Quả vậy lòng thiện của con người đâu phải lúc nào cũng phô bày ra được như cái xấu xa không thể che đậy.

{keywords}
Cái tốt phải được viết lên để thấy, để còn lòng tin vào xã hội, con người. Ảnh minh họa

Biết nhìn ra điều tốt là không dễ. Một lần trên một chuyến xe buýt có rất đông khách, tôi cùng một bạn già phải đứng chung chiêng trong khi đó có không ít người trẻ ngồi ghế thản nhiên như không hay biết. Tôi nhận ra một thanh niên là người đặt câu hỏi cho tôi trong một lần giới thiệu cuốn sách mới. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta kiểu như tôi đã nhận ra anh đấy, tại sao anh lại có thể ngồi không chịu nhường ghế cho người già.

Tôi bẽ bàng khi thấy người thanh niên nhắm mắt lại. Lòng tôi cộn lên một nỗi buồn khó tả. Chí ít anh ta phải là người yêu văn, học văn sao nỡ hành xử thế. Rồi một chuyện xảy ra. Trên xe một người bị móc túi và tóm đúng tay kẻ cắp. Nhưng tên lưu manh kia không chỉ chối phắt mà còn lớn giọng đe dọa. Cả xe im lặng trước thái độ hung hăng của tên ăn cắp. Cả người mất ví cũng đứng thẫn ra sợ hãi. Đúng lúc ấy người thanh niên lên tiếng tố cáo tên ăn cắp và bị tên này đánh ngã vật ra sàn xe. Người thanh niên vẫn không sợ mà tiếp tục vạch mặt kẻ thủ ác. Như một hiệu ứng dây chuyền đám đông trên xe đã hợp sức bắt giữ tên lưu manh.

Tận lúc đó tôi mới biết người thanh niên bị tàn tật ở chân. Anh phải ngồi xe không nhường ghế là vì thế. Khỏi nói tôi đã ân hận biết nhường nào. Làm sao tôi lại không nhìn ra điều ấy cơ chứ để đến nỗi có cơ sự mới biết. Đấy, cái sự nhìn nhận khó khăn là vậy và chính sự thiếu niềm tin trong mỗi người nên đã hoài nghi nghĩ xấu về người khác.

Trong đời sống ta bắt gặp những hình ảnh rất đỗi bình thường nhưng nếu ngẫm nghĩ nó là cả những câu chuyện dài đầy ý nghĩa. Trước các cửa trường học hay có những người già ăn xin. Tôi nhiều năm đưa con đi học đã chứng kiến những em bé lưng đeo ba lô trước giờ vào học đi chia hết lượt cho những người già ăn xin mỗi người một tờ bạc lẻ. Phụ huynh các em bé đã chọn cách dạy con thật nhẹ nhàng bằng hành động nhỏ để bắc cầu đến tình yêu thương đồng loại. Tôi tin những em bé ấy mai này trưởng thành sẽ có những tấm lòng bao dung con người nhờ bài học thơ ấu kia. Lòng tốt ẩn lặng mãi mãi ở chính bài học ấy.

Các góc khuất, trong cuộc đời ở những con người bình thường lặng lẽ sống và từ họ như một nguồn suối không ngừng chảy ra và lan tỏa yêu thương. Nếu không đi miền núi nhiều chuyến tôi đã không thể nhận ra được có những tấm lòng luôn cháy hết mình vì người khác. Một doanh nhân thành đạt có thú vui sưu tầm mỗi năm một chiếc đồng hồ đắt tiền nhưng khi đến với các cháu nhỏ thiếu thốn đói rét đã từ bỏ đam mê của mình để mỗi năm dành số tiền ấy đổi thành áo, thành chăn, thành thịt thành cơm cho những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Có cô gái bị ung thư nhưng vẫn dành thời gian, tiền bạc rồi bằng chính hoàn cảnh của mình kêu gọi cộng đồng trợ giúp cho học sinh miền núi.

Trên đường phố không thiếu những hành động khiến người khác phải cảm động cho dù chỉ là việc một em bé dắt người mù qua đường trong lúc giờ tầm. Nhiều lắm, cái tốt như ngọc quý không dễ nhận biết nhưng nó có ở khắp cuộc sống này.

Không vội nói cuộc sống này đang rất tốt đẹp. Hãy tiếp nhận sự tốt đẹp ấy bằng chính cái biết nhìn của mỗi người. Và chúng ta những người cầm bút bên cạnh sự rạch ròi phê phán cái ác, cái xấu cần, rất cần những gì khơi gợi, nhìn nhận để viết để tôn lên vẻ đẹp của lòng tốt con người. Đơn giản vậy thôi. Cái tốt phải được viết lên để thấy, để còn lòng tin vào xã hội, con người./.

Phạm Ngọc Tiến