Lúc này, đã gần giữa năm 2015, nhưng hầu hết các chuyển động để đạt các mục tiêu rất cao vẫn diễn ra rất chậm chạp và trì trệ bởi những văn bản, chính sách, thủ tục… đang đi ngược tinh thần cải cách mới.

Dễ cho cấp quản lý, khó cho doanh nghiệp

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao thứ bậc trên bảng xếp hạng “Doing Bussiness” của Ngân hàng Thế giới (WB) hàng năm, tháng 3/2015, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 19/NQ-CP mới, yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), bãi bỏ rào cản, thủ tục bất hợp lý với hoạt động sản xuất, kinh doanh để Việt Nam đạt mức độ thuận lợi về MTKD ngang với ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philipines).

Tuy nhiên, khác với đợt cải cách theo nghị quyết 19 lần 1 (3/2014) đã đem lại kết quả tích cực, cuộc cải cách lần 2 đến nay vẫn lề mề, chập chạp bởi sự ngáng trở của một số cấp bộ, ngành chủ quản thông qua việc ban hành các thủ tục hành chính mới. 

Cuộc cải cách lần 1 đã giúp ngành tài chính cắt giảm được 290 giờ làm thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp (DN), ngành điện giảm thời gian tiếp cận điện năng của DN từ 34 ngày xuống còn 17 ngày, giảm 50% thời gian làm thủ tục thành lập, giải thể DN…

Sau một quá trình thực hiện, có thể quan sát thấy sự chuyển động ở các ngành: Điện lực; Thuế, Hải quan, Kế hoạch-đầu tư… trong việc giảm thời gian, thủ tục cho DN như yêu cầu.

Tuy nhiên, Y tế, Giao thông vận tải, Khoa học-công nghệ… lại có dấu hiệu phát sinh thêm những quy định, thủ tục bất hợp lý, trái luật, trái tinh thần cải cách theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Ví dụ mới nhất là dự thảo Thông tư của bộ Y tế quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu đã khiến DN phản ứng. Nhiều điều khoản trong thông tư này đã “đẻ” thêm quy định về thủ tục trung gian. Cụ thể, DN phải “thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” tại Cục An toàn thực phẩm hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố được chỉ định.

Quy định mới này trái với quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, cơ quan cấp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu là cơ quan kiểm tra đối với từng lô hàng nhập khẩu.

Trong khi đó, Nghị định 38/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã nêu rõ: Bộ Y tế chỉ có trách nhiệm “kiểm tra và cấp thông báo kết quả kiểm tra cho lô hàng nhập khẩu nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên”, chứ không phải là cơ quan kiểm tra theo quy định của Luật.

Ngoài ra, việc thêm thủ tục của Cục ATTP sẽ làm VN tăng thêm 2 ngày cho các thủ tục và như vậy thời gian thông quan sẽ kéo dài gấp 6 lần Singapore, thay vì gấp 5 như hiện nay.

{keywords}
Ảnh minh họa: Baodientu.chinhphu.vn

Một ví dụ khác, là dự thảo thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ về điều kiện nhập khẩu máy móc, công nghệ, dây chuyền… đã qua sử dụng vẫn giữ nguyên các quy định lạc hậu, bất hợp lý. Đó là, quy định máy móc, thiết bị, công nghệ… đã qua sử dụng phải đảm bảo còn 80% chất lượng so với ban đầu. Dự thảo này nhằm thay thế cho thông tư 20/TT-KHCN đã bị Chính phủ đình chỉ ngay ngày đầu tiên ban hành hồi năm 2014.

Thứ hạng vẫn thấp

Những thực tế này cho thấy, tư duy ban hành chính sách nặng về các điều kiện, thủ tục dễ cho cơ quan nhà nước, khó cho DN  vẫn còn tồn tại. Đây là lý do vì sao MTKD của VN vẫn kém hấp dẫn, luôn ở thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng của World Bank.

Theo bảng xếp hạng này, trong số 189 nền kinh tế được đánh giá và xếp loại năm 2014, Việt Nam xếp thứ 75 về chỉ số Thương mại qua biên giới-chỉ số nhằm so sánh mức độ thuận lợi khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển.

Trong khối ASEAN, Việt Nam xếp cao hơn Lào (156), Campuchia (124) và Myanmar (103). Các nhà nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải tốn nhiều công sức để hoàn tất 8 loại giấy tờ khác nhau, nhiều gần gấp đôi so với láng giềng. Thời gian trung bình để làm thủ tục cập cảng cũng cần tới 21 ngày, dài nhiều lần so với các nước.

Bên cạnh đó, có những bộ, ngành khác tưởng như tích cực, năng động cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh như Bộ Giao thông vận tải thì cũng lại xuất hiện những văn bản đi lùi với mục tiêu đặt ra. Ví dụ, Bộ này vẫn khăng khăng bảo lưu quan điểm phải kéo dài thời gian báo nghỉ việc của phi công, lao động kỹ thuật cao.

Không chỉ nói hay, làm dở

Cuộc sống đã chỉ ra rằng, cải thiện MTKD, cải cách thủ tục hành chính không thể chỉ làm việc làm theo chiến dịch mà đòi hỏi phải làm thường xuyên, liên tục bằng quyết tâm chính trị rất cao từ các cấp bộ, ngành.

Nếu như những hoạt động cải cách không tiếp tục được triển khai mạnh như hồi năm 2014 thì những mục tiêu đã đặt ra như chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ sẽ rất khó thực hiện được.

Lúc này, đã gần giữa năm 2015, nhưng hầu hết các chuyển động để đạt các mục tiêu rất cao vẫn diễn ra rất chậm chạp và trì trệ bởi những văn bản, chính sách, thủ tục… đang đi ngược tinh thần cải cách mới.

Nếu như mục tiêu CCHC, cải thiện MTKD bị ngáng trở bởi lực cản từ một số bộ, ngành như đã nêu trên thì e rằng, thứ hạng MTKD của Việt Nam trên bảng xếp hạng “Doing Bussiness” có thể còn lùi xa hơn nữa. Và nguy cơ Việt Nam sẽ tụt hậu hơn Lào, Campuchia, Myanmar… là nguy cơ có thật, rất gần.

Những yêu cầu, mục tiêu cho việc thực hiện Nghị quyết 19 ban hành năm 2015 cao hơn rất nhiều yêu cầu của Nghị quyết 19 ban hành năm 2014 như: Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; thời gian thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng là 35 ngày; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; thời gian nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc là 168 giờ; đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng xuống còn 77 ngày (hiện là 114 ngày);

Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn 14 ngày (hiện là 57 ngày); chỉ số tiếp cận tín dụng thuốc nhóm 20 nước đứng đầu; giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn 12 ngày (hiện là 14 ngày), thời gian nhập khẩu xuống còn 10 ngày (hiện là 13 ngày); đơn giản thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại xuống còn tối đa 200 ngày (hiện là 400 ngày)…

Trung Ngôn

* Các số liệu trong bài được trích dẫn từ Báo cáo kinh doanh của World Bank và tài liệu từ chuỗi hội thảo “Triển khai Nghị quyết số 19: Cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam”, tháng 3/2015 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM tổ chức.