Trong một cơ chế kiểm soát tốt, nhà nước được tạo dựng nên bởi niềm tin của nhân dân sẽ và chỉ có một lựa chọn duy nhất là phục vụ tốt nhất cho đất nước, cho nhân dân mà thôi.

Câu chuyện nước Đức

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Đức thua trận và phải chịu những hậu quả nặng nề. Trong bối cảnh đó, một đảng chính trị nổi lênmang tên Đảng Công nhân Quốc gia Xã Hội Chủ Nghĩa Đức (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei) đã dần dần lớn mạnh và giành được cảm tình của người dân Đức.

Ngày 31/07/1932, 84,1% cử tri Đức với niềm hi vọng lớn lao về một chính quyền mới, một tương lai mới cho đất nước đã đi bầu cử Quốc hội. Đó là kỳ bầu cử thực sự dân chủ cuối cùng của nước Đức cho đến tận năm 1949. Chiến thắng áp đảo của Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Đức trong Quốc hội đã giúp người đàn ông có tài hùng biện xuất sắc nhất, được lòng số đông người dân nhất ở nước Đức vào thời điểm đó leo lên làm thủ tướng.

Ngày 23/03/1933, Đạo Luật Trao Quyền (Ermächtigungsgesetz) dễ dàng được Quốc hội mới thông qua. Theo đó, quyền hành của Thủ tướng được đặt lên cao nhất, tự mình thông qua luật, kể cả nếu đạo luật đó trái Hiến pháp. Sau khi có luật này, chỉ trong vòng nửa tháng, mọi thể chế dân chủ đều bị xóa bỏ, mọi quyền hành được thiết lập lại và đặt vào tay của vị thủ tướng kia.

Đảng chính trị được nhắc đến trong câu chuyện nêu trên thường được gọi ngắn gọn là Đức Quốc Xã, và người đàn ông có tài hùng biện kia, không ai khác, chính là Hitler. Và hậu quả sau này có lẽ không cần nhắc lại.

Câu chuyện nước Mỹ

Tháng 5/1787, 55 người con ưu tú nhất của nước Mỹ vào thời điểm đó đã ngồi lại với nhau tại tòa nhà Hạ viện tiểu bang Pennsylvania, họ đã tranh luận gay gắt, căng thẳng suốt mấy tháng trời để cho ra được một văn bản luật đặc biệt – Hiến pháp Hoa Kỳ. Văn bản này sau đó đã trở thành tài sản quý giá nhất của quốc gia mà những người cha lập quốc để lại cho thế hệ sau, là nền tảng và niềm cảm hứng cho chế độ dân chủ cộng hòa không chỉ ở nước Mỹ mà ở trên toàn thế giới.

Vậy suốt mấy tháng trời bị giam trong phòng họp, họ tranh cãi với nhau về điều gì?

Chắc chắn không phải là “dân chủ”, bởi không hề có từ “dân chủ” nào được nhắc đến trong văn bản này. Cũng không phải là “nhân quyền” bởi phải mấy năm sau, các Tu chính án của Tuyên ngôn nhân quyền mới được đưa vào Hiến pháp.

Thứ mà những con người kiệt xuất nhất này tranh cãi cho đất nước của mình chính là cơ chế kiểm soát quyền lực. Làm sao để bộ máy chính quyền được bầu nên bởi một cơ chế dân chủ phải được kiểm soát một cách chặt chẽ bằng sự ràng buộc đối kháng giữa ba nhánh quyền lực, để không một ai, một cơ quan nào có thể lạm quyền, có thể đứng trên pháp luật, cơ quan nào cũng bị giám sát và phản biện bởi cơ quan khác, không ai có thể dùng cảm hứng cá nhân của mình chi phối được vận mệnh một quốc gia.

{keywords}
Hà Nội chào đón ngày bầu cử. Ảnh: P.Trần/ VietnamNet

Có thể thấy, chế độ độc tài ở Đức đã được dựng nên bởi một cuộc bầu cử dân chủ, bởi niềm tin của nhân dân về một chính quyền đang tỏ rõ một sức mạnh để vực dậy đất nước. Nhưng rồi nước Đức đã thiếu một cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, để cho tất cả quyền lực rơi vào tay một người duy nhất, để cảm hứng của người đó đã chi phối vận mệnh của cả dân tộc.

Trong những ngày này, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang từng bước được diễn ra, nhiều quan điểm lo ngại rằng nếu Donald Trump đắc cử, nước Mỹ sẽ sụp đổ nhanh chóng bởi cảm hứng đặc biệt của người đàn ông này. Tuy nhiên, có lẽ suy nghĩ đó là thừa thãi, bởi người Mỹ đã dự liệu và tạo ra một cơ chế kiểm soát quyền lực ưu việt.

Điều quan trọng sau thắng lợi

Ngày 22/5, 98,77% cử tri của chúng ta đã đồng loạt đi bầu cử trong một cuộc bầu cử hòa bình và dân chủ, một tỷ lệ mà dù nói thế nào, cũng rất đáng tự hào. 

Bản thân tôi không coi đó là ngày hội mà coi đó là một biểu hiện thiêng liêng cho niềm tin của nhân dân đối với việc xây dựng nên nhà nước của chính mình. Trong số 98,77% có ông bà ngoại tôi dù đã đi không vững vẫn mặc quần áo chỉnh tề dắt nhau đi bầu cử sớm nhất xóm, có bà nội tôi mặc áo dài, thắp hương lên bàn thờ ông báo cáo rồi mới đi bỏ phiếu, có bố mẹ tôi dậy sớm ăn sáng, hi vọng được bỏ phiếu sớm nhất. Hay có những người trẻ như chúng tôi, dù đôi khi có những suy nghĩ khác biệt, không coi đó là nghĩa vụ luật định nhưng vẫn coi là nghĩa vụ của bản thân đối với cộng đồng.

Nói những điều này là để thấy rằng, không còn nghi ngờ gì nữa đối với chính quyền mà chúng ta đã trực tiếp hay sẽ gián tiếp bầu ra. Đó thực sự chính là chính quyền được dựng nên bởi một cuộc bầu cử dân chủ, bằng niềm tin thiêng liêng của nhân dân.

Nhưng sau tất cả, bài học của lịch sử, mà hai trường hợp dẫn ra ở trên, ít nhiều có thể coi là điển hình, cho thấy một cuộc bầu cử dân chủ thành công thôi là chưa đủ. Điều quan trọng nhất của quyền lực nhà nước không phải là nó được tạo nên như thế nào, mà phải là nó sẽ được kiểm soát ra sao.

Nguy cơ quyền lực tạo nên sự tha hóa phải được nhìn nhận thẳng thắn, không né tránh, và là điều kiện sống còn để một quốc gia ổn định và phát triển.

Tôi xin trích ra đây một đoạn đáng nhớ trong bài viết của TS.Vũ Ngọc Hoàng: “Quyền lực làm tha hóa con người một cách nhanh nhất. Không ít người chỉ cần sau một cuộc bỏ phiếu hoặc sau một quyết định phong chức, họ có thể bỗng nhiên khác hẳn, họ bắt tay theo kiểu khác, chào hỏi kiểu khác, dáng đi bệ vệ hơn, nói năng ra oai hơn...".

Vì thế, sau cuộc bầu cử thắng lợi về mọi mặt như vừa qua, có lẽ điều quan trọng nhất phải nghĩ đến lúc này chính là phải làm sao để thực hiện được một cách thực chất và có hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế giám sát của những cơ quan do chúng ta bầu ra đã được và sẽ phải được quy định thành luật. Trong một cơ chế kiểm soát tốt, nhà nước được tạo dựng nên bởi niềm tin của nhân dân sẽ và chỉ có một lựa chọn duy nhất là phục vụ tốt nhất cho đất nước, cho nhân dân mà thôi.

Bùi Phú Châu

XEM THÊM: