Một nhà sản xuất phim lâu năm ví phim Việt đang ở thời kỳ 'trăm hoa đua nở'. Trong trăm hoa ấy có hoa thơm, hoa đẹp, hoa quý nhưng bên cạnh đó cũng có hoa tầm tầm, thậm chí là hoa 'cứt lợn' cũng không phải là không có.

Khán giả đổ xô đi xem phim, rạp chiếu thu bộn tiền

Hai năm trở lại đây chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của phim Việt. Nếu như chục năm trước, phim Việt gần như chỉ 'có cửa' vào dịp Tết, vài ba phim tranh nhau chỗ chiếu chỉ trong dăm ba ngày thì giờ tình hình đã khác. Phim Việt có thể ra rạp vào bất cứ thời điểm nào quanh năm, thậm chí còn 'dám' đối đầu với những bom tấn của Hollywood vào mùa phim Hè mà vẫn đạt doanh thu cao. Trung bình mỗi năm hiện có tới hơn 20 phim Việt ra rạp và có thời điểm có vài ba phim nội ra rạp cùng lúc.

Tuy nhiên, tới lúc này nghịch lý 'số lượng' đè bẹp 'chất lượng' mới lộ ra rõ rệt. Các kỷ lục doanh thu liên tục được các nhà sản xuất đưa ra, thậm chí có phim Việt còn thu về cả trăm tỉ đồng (như Để mai tính 2), chuyện phim Việt đạt 80-90 tỉ cũng không phải là ít (Tèo em, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh...). Nhưng kỳ lạ là sau khi 'bội thực' thông tin về những bộ phim này trên các phương tiện truyền thông một thời gian ngắn, người ta lại tỏ ra khó khăn khi muốn nhớ lại nội dung của 'bộ phim gì đấy' từng đả phá phòng vé bởi xem phim cứ 'trôi tuồn tuột'.

{keywords}

Phim Việt nối nhau ra rạp, đủ thể loại, đủ phong cách, diễn viên ngôi sao chi chít nhưng kỳ lạ ở chỗ đời sống của chúng rất ngắn, nghĩa là chỉ 'sốt' 1 thời gian rồi bị quên ngay. Tư duy làm phim ăn xổi, chỉ chăm chăm lo hồi vốn, thu lãi với những chiêu PR lố bịch khiến điện ảnh Việt hiện tại hầu như không có những tác phẩm tầm cỡ. Kỳ lạ là dù công nghệ làm phim tốt hơn nhưng các bộ phim được sản xuất hiện tại không vượt qua được những phim Việt kinh điển làm trong thời khó khăn. Những Chị Tư Hậu, Đến hẹn lại lên, Em bé Hà Nội, Nổi gió... đến nay vẫn được nhắc đến như 'chuẩn mực' cho phim Việt dù được thực hiện trong những giai đoạn khó khăn, phương tiện làm phim nghiệp dư.

Lý do thì có nhiều. Những bộ phim được làm cách nay dăm ba chục năm dù trong điều kiện thiếu thốn nhưng lại được thực hiện nghiêm túc. Diễn viên đọc kịch bản trước vài tháng, đi thực tế trước, thuộc thoại làu làu. Mỗi năm có khi họ chỉ làm 1 phim, theo đoàn ròng rã vài tháng và gần như cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ không 'chạy sô' vài ba phim 1 lúc, không đến phim trường muộn và cũng không phải nhờ đến người nhắc thoại như đa số diễn viên bây giờ. Một bộ phim hồi trước có thể mất vài ba tháng quay, nhưng bây giờ có khi họ chỉ cần vài ba tuần để hoàn thành một bộ phim điện ảnh. Điểm khác nhau là ở chỗ đó.

Phim thị trường thì ăn xổi, còn các tác phẩm đặt hàng thì vẫn dập khuôn, khô cứng, hô hào khẩu hiệu là chính, không tiếp cận được người xem. Dư luận từng phẫn nộ khi 'Sống cùng lịch sử' - bộ phim được đầu tư tới 21 tỉ làm nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ra rạp không bán nổi 1 vé. Nhiều phim làm ra không biết 'phục vụ' ai, bị khán giả trong nước quay lưng chứ chưa nói đến việc tiếp cận với khán giả nước ngoài.

Trường hợp 'phim đặt hàng' ngoại lệ duy nhất là 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' - 1 hiện tượng phòng vé phim Việt năm 2015 với doanh thu trên 80 tỉ đồng ngoài kinh phí từ ngân sách của nhà nước còn có sự góp sức của nhiều công ty phim tư nhân. Do vậy đây cũng là bộ phim nhà nước hiếm hoi được PR rầm rộ và bài bản khiến nó không rơi vào cảnh xếp kho như nhiều phim đặt hàng trước đó. Tuy vậy, 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' chỉ có thể coi là bộ phim tròn trịa và khá nhất so với mặt bằng phim Việt ra rạp năm 2015 chứ chưa phải là một tác phẩm điện ảnh xứng tầm.

Câu hỏi đặt ra là vì sao phim Việt giờ có điều kiện hơn xưa nhiều nhưng vẫn mãi chưa vượt qua cái bóng của những tác phẩm kinh điển, dù ra đời trước đó hàng chục năm? Nhà biên kịch, nhà sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch hội đồng duyệt phim quốc gia lý giải: "Bây giờ thông thoáng hơn ngày xưa rất nhiều lần, nhất là khi có quyết định cho phép các hãng phim tư nhân ra đời. Điều này đã mở ra cho Điện ảnh được quyền 'trăm hoa đua nở'. Trong trăm hoa đấy có hoa thơm, hoa đẹp, hoa quý nhưng cạnh đó cũng có hoa tầm tầm, thậm chí là hoa 'cứt lợn' cũng không phải là không có.

Nói nghiêm túc thì số lượng phim nhiều nhưng chất lượng ít là do người người đua nhau làm phim, nhà nhà làm phim. Tưởng làm phim dễ nhưng thật ra để làm cho hay mới thật sự là khó vô cùng. Làm hay, làm cẩn thận, làm đầy tính chuyên nghiệp thì con người trong các thành phần sáng tác cũng cần phải rất nguyên nghiệp. Từ nền tảng này mới mong có phim 'chuyên nghiệp', nghĩa là có chất lượng để xem. Thai nghén để sinh ra một đứa trẻ cũng phải mất 9 tháng, 10 ngày.

Một tác phẩm, một bộ phim càng cần phải có thời gian đủ để chín trong ý tưởng, trong sự chuẩn bị và trong tất cả các khâu. Không cái gì sống sít vội vàng mà hay được. Không ai ngủ dậy 1 đêm mà trở nên đình đám (theo nghĩa tích cực) mà phải lao động bền bỉ và say mê. Vì thế, xem một bộ phim chất lượng thấp tôi rất lấy làm tiếc, tiếc tiền, tiếc công sức của mọi người và tiếc cả thời gian của người xem".

Vậy là đã rõ, tất cả là do sự thiếu chuyên nghiệp, tư tưởng làm phim 'ăn xổi' mà ra, dẫn đến chuyện phim Việt làm ra ngày càng nhiều nhưng lại ít phim hay. Vì thế, muốn nền điện ảnh Việt chuyên nghiệp, lại phải chờ thêm, mà chờ đến lúc nào thì không ai có thể trả lời được lúc này.

Uyên Nguyễn