Những điều này đang cấp báo cho chúng ta thấy phải có đột phá lớn về văn hóa. Cần phải xây dựng lại nền văn hóa cho con người Việt Nam để họ đủ sức kháng cự với cái xấu, cái ác.

Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm': Tác hại đến đâu?

LTS: Đổi mới trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam trùng với thời điểm cuộc Cách mạng trong khoa học – công nghệ thông tin ra đời. Mạng toàn cầu, công nghệ viễn thông đã vươn ra khỏi mọi giới hạn, chạm đến mọi ngõ ngách, đến với từng nhà, từng người, kết nối cả thế giới thành một “ngôi làng chung”, “mái nhà chung”…

Nhìn lại 30 năm Đổi mới văn hóa: thành tựu, những yêu cầu thách thức cần vượt qua, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới trong giai đoạn tiếp theo, Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM; ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

{keywords}
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm - Ảnh: Phạm Thành Long/ Documentary.vn

Thưa GS. Trần Ngọc Thêm, văn hóa luôn được đề cao, được xác định là lĩnh vực quan trọng trong các văn kiện, tài liệu của Đảng và Nhà nước ta từ ngày Đảng mới ra đời, từ khi chưa nắm chính quyền. Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định văn hóa cùng với chính trị, kinh tế là 3 mặt trận quan trọng.

Để tìm hiểu quá trình Đổi mới về văn hóa từ 30 năm trước, chúng ta bắt đầu từ câu hỏi, đâu là sự khác biệt trong nhiệm vụ xây dựng văn hóa trước và sau Đổi mới?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Thời điểm chúng ta Đổi mới trùng với thời điểm thế giới hội nhập, chuyển qua giai đoạn mới. Cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin, hệ thống Internet (mạng toàn cầu) đã tác động vào tất cả các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Mạng toàn cầu cùng với sự phát triển vượt bậc của viễn thông đã giúp toàn thế giới vượt ra khỏi mọi giới hạn không gian chật hẹp, đưa thông tin liên lạc đến từng ngõ ngách, từng nhà.

Trong khi đem lại lợi ích rất lớn thì chính toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng về khoa học – công nghệ này cũng đồng thời đe dọa văn hóa dân tộc của các quốc gia. Mất văn hóa sẽ mất rất nhiều thứ, cho nên Liên Hiệp Quốc đã đề ra “Thập kỷ phát triển văn hóa” từ năm 1987 đến 1997 và kêu gọi khoan dung văn hóa, chấp nhận sự khác biệt của nhau. Bởi hội nhập sẽ có va chạm, nếu ai cũng lấy mình làm chuẩn thì làm sao hội nhập được.

Vì vậy, “khoan dung”, “chấp nhận sự khác biệt” là ứng xử cần thiết cho các nền văn hóa, các quốc gia trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Nước mạnh hơn chấp nhận nước yếu hơn, phương Tây chấp nhận phương Đông và ngược lại, cùng  tôn trọng lẫn nhau.

Toàn thế giới quan tâm đến văn hóa, nên Việt Nam chúng ta không đứng ngoài được. Vấn đề là cách quan tâm như thế nào, mức độ ra sao.

Thời điểm trước Đổi mới, giai đoạn 1975-1985, trong các nghị quyết và văn kiện của Đảng mới nêu nhiệm vụ “Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” một cách chung chung. Chỉ bắt đầu từ Đổi mới, văn hóa được quan tâm cụ thể hơn, sâu sát hơn.

Cụm từ “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” lần đầu tiên được nhắc đến trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH)” thông qua tại Đại hội VII (1991). Năm 1993, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTƯ Đảng Khóa VII đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của CNXH”. Và năm 1998, Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ Đảng khoá VIII đã ra Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. So với thời kỳ trước, sự quan tâm hơn đến văn hóa dân tộc thể hiện ra ở một số kết quả rất cụ thể mà trước đó chưa thể nào có được.

Đó là những kết quả gì, thưa ông?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Điều đầu tiên phải kể đến là mọi sinh hoạt trong xã hội cởi mở ra. Đời sống tinh thần và nhu cầu tâm linh được “cởi trói”. Các lễ hội được khôi phục, đình chùa miếu mạo được sửa sang, tôn giáo được phát triển…

Thứ hai, nhờ có Đổi mới cộng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ thế giới mà đời sống tinh thần được nâng lên rất nhiều. Làm sao trước đây có thể mơ được xem tivi có hàng trăm kênh, phim ảnh dồi dào suốt cả ngày, muốn xem gì có nấy, như bây giờ? Nhờ Đổi mới, mở cửa, nhân dân ta đã được tiếp cận, thụ hưởng những thành tựu của các nền văn hóa khác nhau. Phim ảnh sách báo dồi dào khiến đời sống tinh thần nhiều màu sắc, rực rỡ, phong phú hơn xưa. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận các giá trị văn hóa nghệ thuật mới, tiến bộ của thế giới.

Thứ ba, trong thời gian 30 năm qua, công cuộc Đổi mới đã khẳng định được nhiều giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện qua số lượng các di sản được thế giới công nhận rất nhiều và rất ấn tượng. Tiềm năng về văn hóa dân tộc có dịp bung ra. Cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng; sản phẩm văn hóa vật chất lâu đời như cố đô Huế, hoàng thành Thăng Long; sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo như không gian cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ… Đó là những giá trị văn hóa dân tộc vô cùng đa dạng, phong phú của chúng ta đóng góp vào quá trình hội nhập quốc tế.

Những thành tựu này ít nhiều đã mang lại những giá trị và lợi ích, tác động đến người dân và xã hội ta thời gian qua. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường của nước ta còn chưa hoàn thiện, chênh lệch giàu nghèo gia tăng, xã hội còn có nhiều bất công thì vai trò của văn hóa vô cùng quan trọng.

Nhờ có Đổi mới, văn hóa truyền thống được quan tâm nhiều hơn. Từ chỗ trước đây đặt nặng “lợi ích quốc tế” một cách có phần cực đoan, chúng ta có những lúc đã xem nhẹ yếu tố văn hóa dân tộc, thì nay văn hóa dân tộc được đặt đúng vị trí để phát huy vai trò của nó. Dù rằng quan tâm đến văn hóa là xu thế tất yếu trong giai đoạn toàn cầu hóa, song nếu không có Đổi mới, không thay đổi tư duy, thì sẽ không nắm bắt kịp thời xu thế, chắc chắn chúng ta đã bị gạt ra bên lề.

{keywords}
Lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hùng (Phú Thọ) năm 2015. Ảnh: Thể thao Văn hóa

Thưa Giáo sư, có phải do hoàn cảnh chiến tranh, có lúc chúng ta phải tranh thủ sự giúp đỡ của hệ thống XHCN để giành độc lập nên phải hội nhập vào “văn hóa quốc tế vô sản, chưa có điều kiện chăm lo phát huy văn hóa dân tộc?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Chiến tranh là một phần thôi, còn lại chủ yếu là do nhận thức còn hạn chế. Trước khi đất nước bị chia đôi, nước ta đã có Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên... có nhiều công trình nghiên cứu học thuật về văn hóa. Đề cương văn hóa của Đảng năm 1943 đã coi trọng văn hóa.

Song trong suốt thời kỳ đất nước bị phân đôi, ở miền Bắc, ngoài những nghiên cứu khảo cổ học rất xuất sắc về thời đại Hùng Vương, việc nghiên cứu về văn hóa dân tộc gần như bị lãng quên. Trong khi đó ở phía Nam thì việc nghiên cứu văn hóa dân tộc lại rất sôi nổi với hàng loạt công trình của Kim Định, Toan Ánh, Lê Văn Siêu, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Duy Cần...

Sự hạn chế này không phải của riêng gì chúng ta, ở các nước XHCN có hoàn cảnh giống ta thì cũng đều có hạn chế tương tự. Chẳng hạn như trong khi Bắc Triều Tiên đề cao yếu tố quốc tế vô sản, coi văn hóa dân tộc là lạc hậu, cổ hủ; ngay cả cách ăn mặc của giới lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên cũng đều học theo Trung Quốc mà mặc áo đại cán… Trong khi ở Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) thì, ngược lại, văn hóa dân tộc được phát triển và đề cao, góp phần nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế.

Từ khi có Đổi mới, không chỉ dân chúng được cởi trói mà Đảng ta cũng có điều kiện để xây dựng một đường lối độc lập tự chủ hơn. Chủ trương xây dựng một nền văn hóa vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc dân tộc không chỉ là việc điều chỉnh lại nhận thức về văn hóa dân tộc, mà còn xác định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập với thế giới.

Thưa Giáo sư, văn hóa là một phạm trù rộng, có nội hàm lớn, nhưng thành quả của 30 năm Đổi mới văn hóa có vẻ rất khiêm tốn nếu so với thành quả Đổi mới của kinh tế, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, trong khi nhận thức về vai trò của văn hóa đã sâu sắc và đúng đắn hơn, như Giáo sư  vừa nói. Giáo sư có nhận thấy như thế không?

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Đó là thực tế. Bên cạnh một số thành tựu tích cực, các mặt khác kết quả chưa cao. Thậm chí nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội của chúng ta bị xuống cấp còn nặng nề hơn trước. Đáng tiếc rằng nghịch lý này đang diễn ra ngày một trầm trọng. Chúng ta cứ nhìn vào cuộc sống, xã hội diễn ra hàng ngày sẽ thấy rõ điều này.

Đọc báo chí, xem truyền hình hàng ngày chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn những bất ổn, trắc trở đang vận hành song song với xã hội ta. Dường như chúng ta chưa ngăn chặn sự xuống cấp, tha hóa,, vì vậy, chúng cũng chưa có biểu hiện giảm bớt.

Nếu đặt sự phát triển trong tư duy văn hóa của Việt Nam chúng ta, những điều này đang cấp báo cho chúng ta thấy phải có đột phá lớn về văn hóa. Cần phải xây dựng lại nền văn hóa cho con người Việt Nam để họ đủ sức kháng cự với cái xấu, cái ác. Nói cách khác, con người là nhân vật trung tâm mà văn hoá phải hướng đến như tinh thần của các nghị quyết đã đề ra.

Cho nên, theo tôi, bên cạnh những chuyện đau lòng vì sự xuống cấp của văn hóa diễn ra khắp ngõ ngách của đời sống xã hội, thì nói cách nào đó, cái được rất lớn của chúng ta 30 năm qua là đã có những trải nghiệm thực tế, kiểm chứng từ thực tiễn những gì mà các nghị quyết về văn hóa đã xác định, giúp cho chúng ta thấy những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này để phải nhanh chóng sửa chữa, điều chỉnh lại. Muốn vậy, phải mổ xẻ nghiêm túc thực trạng và những căn nguyên từ thiết chế xã hội cho đến tổ chức, xây dựng con người như thế nào. Bởi suy cho cùng, con người vẫn là gốc rễ của văn hóa.

(Còn nữa)

Duy Chiến

>> Xem tiếp phần sau: Dường như con người hôm nay đủ ăn đủ mặc, giàu có hơn xưa nhưng tâm hồn, hay nói rộng hơn là văn hóa, lại nghèo nàn hơn?

>> Xem thêm các bài trong mạch Nhìn lại 30 năm Đổi mới của Tuần Việt Nam