Phúc họa liền kề - câu cửa miệng của dân gian- đang treo lơ lửng trên đầu người dân xứ biển này.

Nếu đọc các báo VietNamNet, Tuổi trẻ, Thanh niên hoặc nghe, xem đài VTV, VOV một hai tháng nay về Phú Yên, bạn đọc sẽ không hiểu nổi việc gì đang xảy ra ở xứ biển này. Bởi đều là liên tục những vụ việc vi phạm pháp luật, nhưng cách ứng xử rất lạ, nhất bên trọng nhất bên … nhẹ.

Rừng phòng hộ ngày càng suy dinh dưỡng

Bên trọng chả phải là được trọng thị, mà là xử lý theo kiểu phép vua cứ thế mà làm.

Đó là tháng 03 vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh khẳng định sẽ điều tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ phá hàng trăm cây gỗ dương, tuổi từ 10 đến 30 năm tuổi ở rừng phòng hộ ven biển. “Thủ phạm” cũng chính là “chủ nhân” của cánh rừng- HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Hòa Hiệp Bắc – được tỉnh giao cho quản lý. Với vụ việc này, người ta bỗng hiểu vì sao các cánh rừng phòng hộ ven biển tỉnh Phú Yên ngày càng suy… dinh dưỡng.

{keywords}

Thi công đường nội bộ trong sân golf (Ảnh VietNamNet)

Trước đó, đầu tháng 03, Viện KSND tỉnh Phú Yên phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Huỳnh Anh Khương, cán bộ Phòng TNMT huyện Đồng Xuân, về tội hủy hoại rừng. Mà tội hủy hoại rừng của ông cán bộ tài nguyên môi trường này không “chê” vào đâu được: Phá trắng hơn 100 hecta rừng tại tiểu khu 83 và 90 (xã Phú Mỡ- huyện Đồng Xuân), khi ông này tham gia trong việc làm hồ sơ khống để ông Phạm Xuân Trình (trú xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và nhiều lần đến khu vực rừng đo đạc, xác định ranh giới cho nhân công của ông Trình tiến hành chặt phá rừng.

Đằng sau hành động phá tài nguyên môi trường này là gì? Chắc chỉ có Trời biết, Đất biết, hai kẻ phá hoại biết và Viện KSND tỉnh sẽ biết. “Ăn theo” hai kẻ phá hoại này, là một nhóm lợi ích các vị quan chức, cán bộ- từ Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Xuân, cho đến ông cựu Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đồng Xuân…

Bên nhẹ, chả phải vụ việc nhẹ nhàng, mà thực chất là vụ việc rất nghiêm trọng, nhưng lại được ứng xử kiểu phép vua thua lệ làng.

Đó là việc- đầu tháng 04, báo Pháp luật t/p HCM, VTV 8 lại “báo động”, tại Phú Yên, hàng chục hecta rừng, trong đó hàng ngàn cây gỗ có đường kính 40 - 50cm  bị chặt hạ để Công ty Cổ phần Chăn nuôi Phú Yên nuôi bò. Dù trước đó, Thủ tướng CP Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, không cho chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp. Thế nhưng, bất tuân thượng lệnh, rừng vẫn phá và bò vẫn nuôi.

Lý do mà UBND tỉnh đưa ra “hồn nhiên” như… cái lý của người Tây Nguyên- “Thủ tướng chỉ có lệnh không chuyển đổi đất rừng tự nhiên ở Tây Nguyên, trong khi Phú Yên không thuộc Tây Nguyên”.

Thế nhưng, Phú Yên có nằm ngoài vòng cương tỏa của lệnh cấm này không? Được biết, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương không được phép khai thác rừng tự nhiên với bất cứ lý do gì. Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiến hành thanh tra toàn diện dự án này, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo luật định. Và Phó Thủ tướng CP Trịnh Đình Dũng đã phải vào cuộc, yêu cầu tỉnh kiểm tra, làm rõ phản ánh việc phá rừng này, báo cáo kết quả lên TTCP trước ngày 20/4. Hiện CP đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra diện tích rừng bị xâm hại.

Vì sao coi thường phép nước?

Vụ việc này chưa biết đã được kiểm tra và báo cáo lên TTCP trước ngày 20/4 theo lịch trình chưa, thì những ngày này, báo chí, các trang mạng truyền thông lại bất bình về một vụ việc mới được phát hiện.

Theo VietnamNet, ngày 24/4, UBND tỉnh Phú Yên đã giao hàng trăm hecta đất rừng phòng hộ ven biển cho Công ty trách nhiệm hữu hạn New City Việt Nam thực hiện dự án khu du lịch cao cấp, hiện đang trồng cỏ và làm sân golf. Dự án này được triển khai xây dựng tại địa bàn xã An Phú, t/p Tuy Hòa, được tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 9/9/2014 (Giấy chứng nhận đầu tư số 361022000038) có tổng diện tích 122,5 ha, trong đó đất rừng phòng hộ khoảng 115 ha.

{keywords}

Rừng phòng hộ đã bị chặt phá để trồng cỏ (Ảnh Thế Lập/ TTXVN)

Nghĩa là khi dự án hình thành, cũng là lúc 115 hecta rừng được “hóa thân hoàn vũ”.
Có điều đáng chú ý, dự án này chưa được Thủ tướng cho phép, việc triển khai xây dựng sân golf cũng chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường- một nguyên tắc bất di bất dịch, bắt buộc phải có. Và cũng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. Cùng với dự án của Công ty này, còn có dự án của công ty Sao Việt thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND t/p Tuy Hòa, nhưng cả hai cũng… rứa. Nghĩa là chưa hề được cấp phép xây dựng.

Chưa được cấp phép, nhưng đã tiến hành xây dựng- cách làm việc kiểu này chắc chỉ có ở Việt Nam, nơi người Việt vốn “ưa thích” tiền trảm hậu tấu, hoặc cầm đèn chạy trước ô tô.

Vì sao Phú Yên coi thường phép nước đến vậy?

Trước những câu hỏi đặt ra của dư luận, báo chí, cũng theo VietNamNet, ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết, sở không có chức năng cho phép thực hiện dự án. Tuy nhiên, thực hiện Năm doanh nghiệp (năm doanh nghiệp Phú Yên) và vào tháng 7/2017 tỉnh đăng cai tổ chức cuộc thi hoa hậu Hữu nghị ASEAN nhằm tạo điểm nhấn để quảng bá du lịch nên UBND tỉnh đã đồng ý cho triển khai một số hạng mục đồng thời hoàn tất các thủ tục có liên quan.

Điều này nằm trong chương trình hành động của tỉnh Phú Yên, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Không biết lâu dài Phú Yên có được mùa du lịch hay không, chỉ biết chắc chắn, mất mùa… rừng phòng hộ.

Nhưng làm kinh tế kiểu này, liệu cái mất có nhiều hơn cái được? Chưa nói đến sự vi phạm các quy định của nhà nước đã ban hành khi thực hiện dự án.

Mới đây nhất, trước thông tin liên tục về vụ việc, TTCP Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, Thanh tra CP chủ trì kiểm tra, làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh, báo cáo kết quả trước ngày 30/5. Và thông tin mới, Phú Yên phủ nhận dự án New City liên quan đến cuộc thi hoa hậu hữu nghị ASEAN.

Xưa nay rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, điều hòa khí hậu hạn chế xâm nhập mặn, chắn cát… Nghĩa là hạn chế thiên tai, bảo vệ môi trường sống cho con người về lâu dài. Nhưng một khi con người, vì lợi ích kinh tế, đang tâm tàn phá chính môi trường sống của mình thì nhân tai là chuyện trước mắt.

Phúc họa liền kề - câu cửa miệng của dân gian- đang treo lơ lửng trên đầu người dân xứ biển này.

Khi mùa mưa bão mỗi năm thăm viếng.

Khi đó, ai phải chịu trách nhiệm trước dân?

Kỳ Duyên