Nếu chính quyền không có chiến lược và quy hoạch chế tài việc san lấp, và định hướng phát triển thành phố về vùng cao, thì chắc chắn điệp khúc "càng chống càng ngập” sẽ tiếp tục dằn vặt suốt 20 năm sau hoặc lâu hơn nữa.

LTS: Thông tin báo chí cho hay, ngày 29/9, tại cuộc họp bàn về các giải pháp giúp TP HCM chống ngập do Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chủ trì, các chuyên gia đến từ nhiều nước cho rằng tình trạng ngập lụt tại thành phố đã tới mức "báo động đỏ". 

Xung quanh vấn đề này, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Bách Phúc như một góc nhìn tham chiếu.

Truy tìm nguyên nhân úng ngập

Trước tiên, về nguyên tắc, ngập lụt thường do 3 nguyên nhân chính: nước lũ của dòng sông tràn lên bờ, nước úng khi mưa lớn, và nước triều cường.

Về nguyên nhân 1, nước lũ của dòng sông: TP.HCM hiện tại không bị úng ngập vì lũ của dòng sông, vì thành phố ở gần biển. Nước lũ chỉ dâng cao, gây lũ lên 2 bên bờ sông ở những nơi xa biển, nhất là những nơi địa hình cao, độ dốc dòng sông lớn, lưu vực hẹp. Hơn nữa, lưu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai đã có 2 hồ điều hòa rất lớn, Dầu Tiếng 1,7 tỷ mét khối, Trị An 2,9 tỷ mét khối, và thành phố nằm bên bờ sông Sài Gòn, trong lưu vực này.

Về nguyên nhân 2, úng nước khi mưa lớn: Khi mưa lớn, lẽ ra nước phải được thoát nhanh ra sông, ra các hồ chứa tự nhiên. Nhưng hiện nay ở TP.HCM do nhiều nguyên nhân, nước không thể thoát nhanh ra sông Sài Gòn được, còn hồ chứa tự nhiên thì đã bị chúng ta lấp hết.

Vấn đề là ở chỗ: Một là, hệ thống cống rãnh thoát nước, xây dựng trước 1975 đã quá cũ, đã xuống cấp, đã hư hỏng, cần phải thay mới đồng bộ, nhưng chúng ta chưa có điều kiện để làm. Hai là, từ năm 1995 đến nay, chúng ta xây dựng rất nhiều khu dân cư, khu công nghiệp, đường giao thông, nhưng chúng ta không có một Quy hoạch tổng thể kiến trúc xây dựng toàn thành phố, không xét đến toàn bộ những tác động của môi trường trong quy hoạch tổng thể đó, mà việc xây dựng chỉ là hoàn toàn tự phát, theo những nhu cầu và kế hoạch riêng rẽ, không đồng bộ. Hơn nữa ngay trong những kế hoạch riêng rẽ đó, cũng không quan tâm đầy đủ đến một yếu tố rất quan trọng là thoát nước.  

Ba là, chúng ta chưa đủ tiền bạc để thực thi các biện pháp nhằm tăng cường năng lực của hệ thống thoát nước chung của TP trong tình hình mới. Bốn là, san lấp mặt bằng ồ ạt, đua nhau lấy hết các khu vực chứa nước tự nhiên, như các hồ, đầm, vùng trũng ở khắp TP, nhất là ở Quận 7, Quận 8, Huyện Bình Chánh, Huyện Nhà Bè, thậm chí là ở Quận 1: khu Miếu Nổi,… 

Về nguyên nhân 3, ngập triều cường: Trước năm 1995, theo thống kê hơn trăm năm từ thời Pháp, đỉnh triều cường ở trạm Phú An TP.HCM không bao giờ vượt quá 1,30 mét, nhưng từ năm 1995 lại nay đỉnh triều cường ở trạm Phú An dâng cao theo từng năm, năm 2015 lên đến 1,7 mét, tăng 40 cm. Trước năm 1995, đỉnh triều cường thấp, nước triều cường không tràn vào thành phố, không có hiện tượng úng, ngập do triều cường. Nhưng 10 năm lại đây, mỗi lần triều cường là nước tràn vào thành phố, mỗi năm một trầm trọng hơn. 

Nhiều người tưởng rằng đỉnh triều cường dâng cao là do nước biển dâng, bởi tình trạng biến đổi khí hậu gần đây. Nhưng không phải như thế, mực nước biển trong 30 năm qua theo đo đạc chính xác chỉ dâng thêm khoảng 2 cm, so với mức ổn định hàng trăm năm lại đây. Do vậy nguyên nhân nào đã làm đỉnh triều cường dâng cao 40 cm trong khi mực nước biển chỉ dâng cao có 2 cm?

Theo quan điểm của, nguyên nhân là ở chỗ: chúng ta đã xây đê bao ngăn nước mặn cho nhiều vùng rộng lớn, như ở huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, hay Quận 7, hoặc lấp gần hết các không gian trống, vốn là những nơi chứa nước triều cường và nước mưa, như ao hồ, vùng trũng sình lầy, để xây cất khu dân cư, khu công nghiệp, hay đường sá giao thông.

{keywords}
Cảnh khổ sở của người Sài Gòn trong ngập lụt. Ảnh: Như Sỹ - Giang Châu/ VietNamNet

Các qui hoạch tốn tiền mà không hiệu quả

Đến khoảng năm 2000, tình trạng ngập úng ở TP.HCM đã rất nghiêm trọng, Chính phủ Việt Nam thuê tư vấn Nhật JICA xây dựng Quy hoạch tổng thể chống úng ngập cho Thành phố, và Quy hoạch này đã được Chính phủ và Thành phố phê duyệt. Quy hoạch dự kiến trong vòng 10 năm phải xây dựng nhiều công trình chống ngập, với tổng số vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, với hy vọng đến năm 2010-2011 Thành phố sẽ hết úng ngập. 
Rất đáng tiếc, Quy hoạch đồ sộ này không phân tích nguyên nhân của tình trạng úng ngập, mới xuất hiện trong thời gian khoảng từ 1990 đến 2000. Quy hoạch đồ sộ này căn cứ vào tình trạng hiện hữu (là năm 2000) để dự kiến những công trình lớn nhằm giải quyết vấn đề, theo kiểu "tắc đâu, khơi đấy".

Vì không có tiền, Thành phố thực hiện Quy hoạch một cách chắp vá, tùy theo cơ hội vay được tiền. Đến năm 2010-2011, là năm dự kiến hoàn thành Quy hoạch, chúng ta chỉ vay và giải ngân được khoảng gần 1 tỷ USD, và đến nay 2015 chỉ giải ngân được hơn 1 tỷ USD! Có thể ước lượng gần đúng rằng để khắc phục được tình trạng úng ngập hiện nay của thành phố chắc chắn số tiền đầu tư không dưới 20 tỷ đô la.

 Trong khi quy hoạch của JICA không có tiền để thực hiện, thì tại Thành phố lại diễn ra tình trạng úng ngập do đỉnh triều cường dâng cao, điều mà quy hoạch của JICA không lường trước. Để đối phó với việc này, năm 2008 Bộ NN&PTNT và UBND Thành phố đã cho thiết lập một Quy hoạch riêng về chống ngập do triều cường, song song với quy hoạch của JICA năm 2000.

Quy hoạch này dự kiến xây dựng một vòng đê bao, bao kín thành phố, với 13 cống trên vòng đê bao đó, để khi triều cường dâng lên thì đóng các cống lại, khi nước triều cường hạ xuống mở ra cho thuyền bè lưu thông và nước trong Thành phố chảy ra ngoài sông Sài Gòn.

Thành phố đã lập các Ban quản lý Dự án xây dựng một vài cống, nhưng hầu như chưa có tiến triển, vẫn do vấn đề nguồn tiền. Mặt khác, Quy hoạch này cũng mắc phải một lỗi rất nghiêm trọng, kông phân tích nguyên nhân của tình trạng triều cường dâng cao, bắt đầu từ khoảng năm 1995, và tăng dần hằng năm.

Phát triển thành phố về phía Củ Chi, Thủ Đức

Có một điều cốt lõi, khắc phục nguyên nhân chính gây ra úng ngập, chúng ta hoàn toàn có thể làm được, nhưng vô cùng đáng tiếc là không ai muốn làm. Đơn giản là, thôi đừng san lấp những không gian chứa nước tự nhiên, tuy còn lại rất ít ỏi. Năm 2009, chúng tôi đã kiến nghị thiết lập Quy hoạch tổng thể toàn diện về mở rộng và phát triển Thành phố, trong đó không gian phát triển hướng về phía Củ Chi, Thủ Đức, là vùng đất cao không cần san lấp.

Nhưng những kiến nghị của chúng tôi bị mọi người bỏ qua. Kết quả đích thực là đỉnh triều cường tiếp tục dâng cao, năm 2009 đỉnh triều cường là 1,56 mét, đến năm nay, năm 2015 đã dâng lên 1,7 mét, tăng 14 cm.

Nếu chính quyền không có chiến lược và quy hoạch chế tài việc san lấp và định hướng phát triển thành phố về vùng cao, thì chắc chắn điệp khúc “càng chống càng ngập”, "càng đổ nhiều tiền càng ngập nặng hơn" của mười lăm hai mươi năm qua, sẽ tiếp tục dằn vặt chúng ta suốt 20 năm sau hoặc lâu hơn nữa.

TS. Nguyễn Bách Phúc 

(Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI)