Trong khi theo đuổi chính sách khá hung hăng trên Biển Đông, TQ đang nhận được những điều không mong đợi cho lợi ích chiến lược của họ.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu bài cuối cùng trong loạt bài của nhà báo Hoàng Hường về vấn đề Biển Đông. Nhận định của chuyên gia chính trị và an ninh khu vực Đông Nam Á, TS Zachary Abuza (Mỹ), về năng lực quốc phòng các nước Đông Nam Á, thái độ của cộng đồng quốc tế và những bước đi khôn ngoan cho VN.

‘Một cuộc chơi lớn’ trên Biển Đông

Tổng thống Philippines Benigno Acquino mới phát biểu nước ông “sẵn sàng đàm phán cho phép Nhật sử dụng căn cứ quân sự Philippines" trong bối cảnh Mỹ gia tăng hoạt động ‘kiểm soát TQ’ ở Biển Đông. Ông đánh giá thế nào về những diễn biến này? Liệu có một cuộc chiến tranh khu vực sắp xảy ra?

Philippines đã nỗ lực nhiều để phát triển quan hệ với Nhật. Phần chính của nỗ lực này là kinh tế, Philippines muốn thu hút nhiều vốn đầu tư hơn từ Nhật. Nhưng gần đây quan hệ hợp tác giữa hai nước này phát triển sang cả lĩnh vực quốc phòng. Gần đây lực lượng cảnh sát biển 2 nước này đã tập trận chung. Tổng thống Aquino kêu gọi Nhật Bản thực hiện ‘một cuộc chơi lớn’ trên Biển Đông.

{keywords}
Máy bay P-3 của Nhật (phía sau) sắp xuất sang Philippines. Ảnh: ABC

Nhật cũng đã cam kết đưa tàu cảnh sát biển đến Philippines và Manila trông đợi sẽ nhận được máy bay chống tàu ngầm P-3 của Nhật. Tổng thống Aquino cũng đã thông báo Philippines và Nhật có thể đàm phán một Thỏa thuận Hợp lực, cho phép Nhật sử dụng căn cứ quân sự luân phiên.

>> Xem lại các bài viết trong chương trình được thực hiện tại Hawaii (Mỹ) và Bắc Kinh (Trung Quốc), Manila, Masinloc (Philippines) và Singapore

Trực tiếp nghe phát ngôn ‘gây choáng’ của BNG Trung Quốc

Chứng kiến màn ‘hỏi xoáy đáp xoay’ với Bộ Ngoại giao TQ

‘TQ tăng cường quân sự không nguy hại ai’?

“TQ là mối đe dọa, Mỹ không thể đứng ngoài”

‘Bằng chứng lịch sử’ của TQ vô giá trị với luật quốc tế

Những điều này chắc chắn là sự chia sẻ lợi ích giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Benigno Acquino nhằm tạo cho Nhật có vai trò chủ động hơn tại khu vực Đông Nam Á. Không phải một cuộc chiến sắp xảy ra.

Ông có nghĩ rằng đó là một động thái đáp trả những hành động của Trung Quốc gần đây? Tình huống nào TQ sẽ phải đối mặt, hoặc nên lo ngại về diễn biến này?

Đương nhiên, việc Philippines theo đuổi kế hoạch kết thân với Nhật chắc chắn là đáp lại sự hung hăng của TQ trên Biển Đông. Nhiều nước khác cũng làm thế: VN cũng thắt chặt hợp tác an ninh với Ấn Độ, Nhật và Mỹ. 

Chúng ta biết TQ ra yêu sách chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông, họ sẽ nâng cao năng lực quốc phòng để thực hiện điều đó.

Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là trong khi theo đuổi chính sách khá hung hăng trên Biển Đông, TQ đang nhận được những điều không mong đợi, không ngờ được cho lợi ích chiến lược của họ.

Ví dụ, TQ muốn Mỹ ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương thì vì sự hung hăng của TQ, Mỹ lại thắt chặt hợp tác an ninh hơn với Nhật, định hướng cho đồng minh Châu Á và xúc tiến quan hệ với những nước như Việt Nam. 

TQ cũng làm Canberra nổi giận, và Australia đã xoay mối quan tâm của họ sang Biển Đông; Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng cùng những chính sách đối ngoại quyết liệt hơn; Ấn Độ muốn tham gia với vai trò lớn hơn. Tất cả những điều đó không nằm trong sự mong đợi của TQ, nhưng nó đã xảy ra vì sự hung hăng của họ.

Một vài điểm TQ nên tự hỏi tại sao chiến lược Biển Đông của họ phản tác dụng: bởi vì nó thiếu sự minh bạch.  Tốc độ và phạm vi xây dựng của họ hiện nay trên 7 hòn đảo khiến không một nước nào trong khu vực tin là họ không có mục đích quân sự. Lòng tin vào TQ của các nước giảm sút nghiêm trọng.

Quan chức quốc phòng Mỹ từng nói rằng TQ đã mang pháo ra đảo nhân tạo. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain kêu gọi Mỹ ‘cung cấp thêm vũ khí phòng vệ cho các quốc gia Đông Nam Á’ để đối phó TQ, bình luận của ông?

Không có quốc gia nào có khả năng biến những hòn đảo từ con số 0 thành căn cứ kiên cố giống như TQ đang làm. Họ đã xây thêm 850ha từ năm 2014, nói rõ hơn chúng đều được trang bị vũ khí. Chỉ riêng đảo Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập), TQ không chỉ xây đường băng quân sự dài 3km, mà còn xây cả đường quốc lộ và nhiều công trình khác. TQ cũng đặt ít nhất hai đơn vị pháo binh di động trên đảo Johnson Reef (Đá Gạc Ma).

{keywords}
TS Zachary Abuza. Ảnh:  Rappler

Điều làm tôi lo ngại là những đơn vị pháo này không phục vụ mục đích hàng hải, cũng không phải mục đích tự vệ. 

Tôi không biết chắc lời kêu gọi của ông John McCain có cần thiết không, và không biết Hoa Kỳ sẽ cung cấp bao nhiêu vũ khí, nhưng không phải để ngăn cản TQ. 

Nghị sĩ John McCain muốn làm gì đó, nhưng nói chân thành thì hành động của ông ấy đã quá muộn. Nói vậy không có nghĩa là tôi phản đối kế hoạch cung cấp vũ khí cho các nước Đông Nam Á, nhưng mức độ trang bị khí tài của TQ đã ở mức đáng ngại, rất ít khả năng ngăn cản được họ.

Điều quan trọng nhất để ngăn cản TQ không nằm ở Mỹ mà ASEAN – hoặc ít nhất là những nước có yêu sách chủ quyền Biển Đông – phải tìm được một điểm chung. 

Nếu TQ từ chối ký COC (Code of Conduct) thì ASEAN phải tự soạn thảo và yêu cầu TQ quyết định tham gia hoặc rời bỏ.

"TQ muốn Mỹ ra khỏi vùng Tây Thái Bình Dương thì vì sự hung hăng của TQ, Mỹ lại thắt chặt hợp tác an ninh hơn với Nhật, định hướng cho đồng minh Châu Á và xúc tiến quan hệ với những nước như Việt Nam. 

TQ cũng làm Canberra nổi giận, và Australia đã xoay mối quan tâm của họ sang Biển Đông; Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng cùng những chính sách đối ngoại quyết liệt hơn; Ấn Độ muốn tham gia với vai trò lớn hơn. Tất cả những điều đó không nằm trong sự mong đợi của TQ, nhưng nó đã xảy ra vì sự hung hăng của họ"

Từ góc độ an ninh – quốc phòng, ông có thể nhận định các hành động của TQ sẽ dẫn tình hình đến đâu? Các nước trong khu vực nên làm gì?

Rõ ràng cả 7 đảo nhân tạo đó đều có mục đích quân sự, nhưng nó phản tác dụng. Trong trường hợp chiến tranh, những đảo ấy rất khó phòng vệ.  

Nhưng trong vấn đề yêu sách chủ quyền, các đảo ấy là yếu tố chủ chốt để TQ lấy làm cơ sở lập luận của họ; đồng thời họ dễ dàng sách nhiễu các lực lượng khác trên Biển Đông. 

Với những đảo này, TQ có thể triển khai mọi lực lượng: hải quân, cảnh sát biển và tàu cá, hiện diện 365 ngày/năm.

Điều làm tôi lo ngại nhất là TQ có thể can thiệp, sách nhiễu vào việc tiếp tế đảo của các nước. Tôi không cho rằng một sự kiện như đã từng xảy ra ở Gạc Ma tháng 3/1988 sẽ xảy ra, nhưng nhìn những khu vực TQ muốn kiểm soát; dường như sẽ trở thành trở ngại cho các nước – đặc biệt Việt Nam – tiếp cận đảo của mình. 

Tôi đang hình dung ra tình huống TQ ngăn chặn đường tiếp tế đảo của VN.

Cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á

Theo Bộ quốc phòng Mỹ, mỗi năm TQ tăng ngân sách quốc phòng lên 9.5% trong mấy năm gần đây. Tình huống nào các nước láng giềng TQ cần biết? Liệu có xảy ra một cuộc ‘chạy đua vũ trang’ trong khu vực?

TQ gần như tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong 2 thập kỷ gần đây. Thêm nữa, nhiều mảng khác không thuộc khoản ngân sách được tính như nghiên cứu, chương trình không gian, lương cựu chiến binh…khiến khoản thực chi của TQ lớn hơn nhiều. Điều này tạo ra một cuộc chạy đua nhỏ ở Đông Nam Á.

Giữa năm 2010 – 2014, chi phí này của các nước khu vực đều tăng khoảng 37.6%. ASEAN chi 30.3 tỷ USD vào quốc phòng năm 2014. Campuchia 56.2% và Indonesia 50.6%. 

Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia ASEAN trong phân bổ ngân sách quốc phòng và GDP. Chênh lệch từ mức 18.1 USD của Campuchia tới 1,789 USD ở Singapore (theo chi phí đầu người). Trung bình trong khu vực là 392 USD, nhưng giảm hẳn xuống còn 60 USD nếu bỏ hai quốc gia giàu nhất khu vực là Singapore và Brunei ra ngoài.

Việt Nam là nước có chi phí quốc phòng theo GDP ở mức thấp, chỉ 46 USD. Singapore là nước chi cao nhất, chiếm 18.3% trong số chi phí quốc phòng toàn khu vực.

Năng lực quốc phòng của những nước này so với Trung Quốc thế nào? Chiến lược nào là khôn ngoan nhất cho những nước như VN để đối phó với những diễn biến đang xảy ra?

Năng lực quốc phòng của vài nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, tăng ổn định trong vài năm gần đây. Nhưng không một nước nào có khả năng duy trì một cuộc đối đầu quân sự kéo dài với TQ.

VN nên làm gì? Theo tôi khôn ngoan nhất là tùy vào khả năng kinh tế và mức độ phát triển để tạo ra một hệ thống quân sự tinh vi và bền vững. Tất nhiên cả hai phía nên cố gắng giải quyết xung đột một cách hòa bình, trước khi các căng thẳng tiếp tục leo thang. Nhưng như đã nói, tôi không tin rằng lý thuyết đó đồng hành với những trang bị quân sự của TQ.

TS Zachary Abuza là nhà tư vấn độc lập về chính trị và an ninh khu vực Đông Nam Á. Ông từng giảng dạy khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Simmons College, Boston và Chiến lược An ninh Quốc gia tại Đại học Quốc phòng ở Washington, DC. Ông tư vấn cho chính phủ Mỹ và các công ty về vấn đề Đông Nam Á. Trong năm 2004-05, ông là một thành viên cao cấp tại Viện Hòa bình Mỹ tại Washington, DC.

Ông nghiên cứu về các cuộc nổi dậy và khủng bố, rủi ro chính trị, quản trị và dân chủ hóa, kinh tế chính trị; là tác giả của các công trình nghiên cứu Conspiracy of Silence: The Insurgency in Southern Thailand  (2008), Political Islam and Violence in Indonesia (2006), Militant Islam in Southeast Asia (2003), và Renovating Politics in Contemporary Vietnam (2001). 

Hoàng Hường

* Loạt bài được thực hiện trong chương trình Jefferson Fellowships do Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) của Mỹ tổ chức tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.