Với nhiều lý do, Nga không thể nào khoanh tay đứng nhìn TQ trỗi dậy và chi phối các nước, mà luôn tìm cách hạn chế tối đa sức ảnh hưởng cũng như hợp tác giữa TQ với các quốc gia khu vực Trung Á.

>> Xem lại Kỳ 1: Ván cờ mới kiềm chế 'Giấc mộng Trung Hoa' của Mỹ

Trung Quốc dùng đòn hiểm mưu lợi bá quyền

Đối mặt “gấu Nga”

Từ năm 2002, cả Nga, Ấn Độ và Iran đưa ra kế hoạch xây dựng “hành lang Bắc - Nam”. Song song với đó là đề xuất xây dựng tuyến đường vận tải quốc tế nối liền Ấn Độ, Iran, Nga và châu Âu. Mục đích của Nga là duy trì sức ảnh hưởng tại khu vực vốn được xem là địa bàn truyền thống của nước này.

Mặc dù tại một sự kiện hồi tháng 5/2014, Tổng thống Putin tuyên bố ủng hộ dự án “một vành đai, một con đường” của TQ, tuy nhiên “gấu Nga” vẫn hoài nghi về một TQ đang trỗi dậy mạnh mẽ nhưng thiếu hòa khí. Ngoài ra, Nga cần thời gian để đánh giá lại mục tiêu và lý do sâu xa của “siêu dự án”: liệu nó có phải vỏ bọc bên ngoài của mục tiêu chính trị.

Những năm gần đây, ngoài phát triển kinh tế, TQ đang nỗ lực xây dựng từ một cường quốc khu vực có ảnh hưởng toàn cầu thành một cường quốc toàn cầu toàn diện. Với nhiều lý do khác nhau, Nga không thể nào khoanh tay đứng nhìn TQ trỗi dậy và chi phối các nước, mà luôn tìm cách hạn chế tối đa sức ảnh hưởng cũng như hợp tác giữa TQ với các quốc gia khu vực Trung Á.

Đây là một thách thức trực diện với dự án “một vành đai, một con đường”. Vì Nga không chỉ là cường quốc, mà còn là quốc gia láng giềng, đối tác thương mại lớn của TQ.

Ngoài ra cả Ấn Độ, Iran, và Afghanistan cũng đang thúc đẩy xây dựng “con đường tơ lụa phía Nam” khu vực Nam Á, với mục đích phá vỡ cấu trúc và hướng đi của “một vành đai, một con đường”.

Ấn Độ nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi với phần lớn lãnh thổ tiếp giáp với Ấn Độ Dương. Phía đông Ấn Độ Dương là eo biển Malacca, phía tây có kênh đào Suez, còn có eo biển Mozambique, mũi Hảo Vọng và kéo dài đến Đại Tây Dương.

Tuyến đường huyết mạch trên biển này khiến Ấn Độ Dương có vị trí cực kỳ quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế. Chính vì vậy, mọi sự can dự từ bên ngoài vào Ấn Độ Dương đều được xem là bao vây, kìm hãm và phong tỏa Ấn Độ. “Chiến lược chuỗi ngọc trai” của TQ trước đây và “một vành đai, một con đường” hiện nay luôn bị chính phủ Ấn Độ xem là chiến lược bao vây, hạn chế nước này và thâu tóm, bành trướng sức mạnh trên khắp châu lục.

Nếu bị Ấn Độ “dè chừng”, siêu dự án của TQ có thể thành công ở nhánh khác, nhưng ở nhánh Nam Á xem ra khó thành hiện thực. Và ít nhiều, giấc mơ Trung Hoa sẽ trở nên dài và lắm mộng hơn.

{keywords}
Ảnh: Xinhuanet.com và Barclay Research

Tranh chấp lãnh thổ và bất ổn khu vực

Một số nơi mà dự án “một vành đai, một con đường” đi qua hiện vẫn đang tồn tại nhiều tranh chấp, bất đồng thậm chí có nguy cơ xảy ra xung đột.

Năm 2014, TQ ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những năm lại đây, TQ không ngừng bồi đắp các bãi đá ngầm trong khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trấn áp hoạt động nghề cá của ngư dân Việt Nam và Philippines, đưa tàu quân sự vào sát vùng biển của Malaysia, v.v…

Ngoài ra, quan hệ Trung - Nhật cũng tồn tại tranh chấp chủ quyền thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Tất cả những bất đồng, tranh chấp này không thể giải quyết một sớm một chiều, gây bất lợi đến việc hợp tác giữa TQ với các nước trong khu vực, và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tình trạng tranh chấp vùng Kashmir giữa Pakistan và Ấn Độ, xung đột biên giới giữa Ấn - Trung, tranh chấp lãnh thổ giữa Israel - Palestine vẫn chưa đi đến hồi kết, cũng là một thách thức cho siêu dự án của TQ.

Có đủ tầm và tiền?

Trong suốt giai đoạn 1978 - 2008, tốc độ tăng trưởng trung bình GDP của TQ là 9,8%, thu nhập bình quân đầu người từ 190 USD lên 2.360 USD. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, TQ đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của kinh tế, TQ bắt đầu thể hiện tham vọng và tìm kiếm vị thế chính trị trường quốc tế. “Một vành đai, một con đường” có thể là đòn bẩy để TQ tiến xa hơn nếu nước này hóa giải được những thách thức đến từ các cường quốc như Mỹ, Liên Bang Nga, Ấn Độ, EU.

Bên cạnh đó, TQ cũng cần thể hiện thái độ chân thành, cầu thị trong giải quyết các mâu thun, bất đồng với các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ.

Cũng như văn hóa, kinh tế khi phát triển đến mức độ nhất định sẽ tự hấp dẫn các quốc gia trên thế giới tìm đến hợp tác, giao thương. Khi đó “một vành đai, một con đường” giữa TQ với các quốc gia này sẽ tự động mở ra, hơn là hình thành theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” như hiện nay của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, thực tế khác rất xa lý thuyết, bởi sự phức tạp của các nhánh mà “một vành đai, một con đường” đi qua, trong đó Trung Á là một ví dụ. Liệu TQ có đủ “tầm” và “tiền” để xây dựng thành công “vành đai kinh tế” đi qua các khu vực Trung Á, Nam Á hay Ấn Độ Dương hay không, khi nội bộ các quốc gia trong vùng này còn quá nhiều bất ổn, thậm chí là bất đồng với TQ.

Còn sự chân thành của TQ đến nay vẫn luôn bị hoài nghi.

Chúng ta chỉ có thể giải đáp những nghi vấn này khi quan sát những đối sách của Bắc Kinh trong thời gian tới.

Nguyễn Tăng Nghị