Nếu nhìn lại thì dường như đó là một nét đẹp lạ lùng của vùng Đông Nam Á, một cerita hay một cậu chuyện như vậy luôn có thể xảy ra và nếu quý độc giả đủ may mắn thì cũng sẽ được tận mắt chứng kiến những câu chuyện phi thường ấy. 

Tháng Năm năm 1998, đồng Rupiah của Indonesia đã không còn đủ sức nâng đỡ nền kinh tế. Thủ đô Jakarta ngập tràn trong các cuộc bạo động sắc tộc mà mục tiêu là các cơ sở kinh doanh có chủ sở hữu là người Indonesia gốc Trung Quốc.

Tại thành phố Solo ở tỉnh Trung Java, cách thủ đô 556 km về hướng đông, một doanh nhân người Indonesia gốc Trung mang tên Sumartono Hadinoto đang ngồi trong lo lắng. Thành phố yên tĩnh đến rợn người. Ông biết chắc chắn sẽ có vấn đề nảy sinh. Chỉ trong một vài giờ, văn phòng và cũng là nhà của ông đã bị tấn công, cướp bóc và sau đó thiêu cháy. Ông cố bò ra ngoài từ một cái lỗ phía sau nhà để chạy trốn khỏi đám đông giận dữ.

Mãi mười năm sau tôi mới có dịp gặp gỡ và phỏng vấn ông, nhưng những ký ức của năm 1998 đó vẫn còn rất tươi mới. Mặc dù vậy, ông Sumartono là một người lạc quan và có niềm tin vững chắc vào quy luật “trả trước hưởng sau”.

Ông đã huy động vốn từ bạn bè của mình là các doanh nhân người Indonesia gốc Trung cho việc mua xe cứu thương và các chương trình nâng cao sức khỏe cộng đồng. Sumartono hiểu rằng để duy trì mối quan hệ tốt giữa các sắc tộc, người ta cần tính kiên trì và sự nhún nhường.

Ông cũng thường hay nhận xét rằng thành phố Solo thật may mắn khi có ngài thị trưởng là một chính trị gia tiến bộ kiêm cựu doanh nhân khởi nghiệp. Ngài thị trưởng trẻ tuổi đã đạt rất nhiều thành tựu trong việc xây dựng lại lòng tin và sự tín nhiệm tại một thành phố đã từng trải qua chia rẽ sắc tộc.  

{keywords}

Ông Widodo (thứ hai từ phải sang) tiếp xúc cử tri khi còn tranh cử chức thống đốc Jakarta - Ảnh: Jakarta Globe

Sáu năm sau, tôi quay lại Solo, lần này là với đội ngũ truyền hình. Ông Sumartono trở thành người dẫn chuyện. Cuộc bầu cử tổng thống Indonesia đang bắt đầu có những bước khởi động. Ngài thị trưởng thành phố Solo lúc đó đã trở thành tỉnh trưởng Jakarta, trùng hợp thay cũng là một trong các ứng viên cho chức tổng thống.

Chúng tôi quay những cảnh cuối của chương trình TV trên những con đường đông đúc của thành phố Solo với hàng chục nghìn người đang tụ tập để chúc mừng năm mới theo âm lịch. Họ cùng nhau thắp sáng những chiếc đèn lồng giấy muôn màu rồi thả lên bầu trời đêm cao rộng. 

Một vài tháng sau đó, ngài tỉnh trưởng đã nhậm chức tân Tổng thống và ngài phó tỉnh trưởng Jakarta lúc trước, cũng là một người Indonesia gốc Trung, trở thành tỉnh trưởng. Một chuỗi các sự kiện phi thường mà cho đến thời điểm hiện tại, tức hai năm sau đó, tôi vẫn còn thấy kinh ngạc.    

Nhưng nếu nhìn lại thì dường như đó là một nét đẹp lạ lùng của vùng Đông Nam Á, một cerita hay một cậu chuyện như vậy luôn có thể xảy ra và nếu quý độc giả đủ may mắn thì cũng sẽ được tận mắt chứng kiến những câu chuyện phi thường ấy. 

Đó chính là tinh thần của chuyên mục Ceritalah – Những câu chuyện ASEAN.

Ceritalah có thể hiểu đơn giản là “hãy kể cho tôi nghe những câu chuyện”. 

Đó có thể là những câu chuyện đời thường hằng ngày nghe được trong quán cà phê. Năm này qua năm khác, tôi dần phát hiện ra rằng một ceritah, hay một câu chuyện sẽ dẫn dắt tới một câu chuyện khác, cho tới khi tôi hoàn toàn dính mắc vào trong mạng lưới đan xen của những hoài niệm, những hồi ức, và đây thường lại là những câu chuyện mang tầm vĩ mô.

Tôi đã chắp bút cho chuyên mục trong một khoảng thời gian hơn 20 năm. Tất cả bắt đầu tại quê hương tôi, Malaysia. Nhưng sau đó phạm vi của chuyên mục ngày càng được mở rộng theo những nhu cầu xã hội khi tôi bắt đầu nhận ra rằng những câu chuyện kể không bị hạn chế bởi biên giới. Thí dụ như nếu không thử đi du lịch một vòng các nước trong khu vực Đông Nam Á, sẽ không thể hiểu được thành phố Kuala Lumpur và nguyên do của sự ám ảnh về chủng tộc tại đây.

Hơn thế nữa, trong một thời đại của nước Anh tách rời liên minh Châu Âu và sự lên ngôi của ứng viên tổng thống Mỹ Donal Trump cùng với những dự báo sai lầm từ các chuyên gia uy tín, phong cách tìm hiểu của chuyên mục CeritalahAsean trở nên thật cần thiết vì chuyên mục kể chuyện từ góc nhìn của những con người bình thường. Bản thân tôi hoàn toàn không muốn áp đặt mắt nhìn của mình lên thế giới, thay vào đó, tôi cũng là một người trăn trở khi nghĩ về những câu chuyện, những mảnh đời tôi có thể đang bỏ lỡ.

Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp tôi trên đường phố, tay cầm sổ ghi và bút, chỉnh ghế gần vào với người được phỏng vấn và bắt đầu nói “ceritalah...”.

Trước đây tôi hay viết về các đảo quốc Đông Nam Á, bây giờ tôi hay đi tới Việt Nam, Thái Lan và Myanmar: một cuộc chuyển dịch từ xã hội phần lớn theo Hồi giáo và Công giáo sang tìm hiểu môi trường đa số hướng theo Phật giáo và đạo Khổng.

Một phần cũng vì tôi thấy mệt mỏi với chính trị, nếu bạn là người Malaysia, có lẽ bạn cũng sẽ có cảm nghĩ giống tôi. Vậy nên tôi muốn viết nhiều hơn về văn hóa đại chúng, về những thứ mà mọi người chia sẻ, về sự đam mê điện thoại thông minh, về các ca sĩ, cầu thủ, diễn viên mà xã hội quan tâm.

Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) mới được thành lập vào đầu năm nay cũng là nguồn động lực để tôi đi tới các nước ASEAN khác nhiều hơn nữa.

Tôi đã ở London trong những ngày người dân Anh Quốc bỏ lá phiếu đi ngược với lợi ích của chính mình để rời khỏi Liên minh Châu Âu, trong những giờ phút này, tôi vô cùng hứng thú với thí nghiệm chung mà chúng ta đang trải qua. 

Liệu chúng ta có hiểu điều chúng ta đang làm không? Phải chăng có một chiến lược lớn nào đó đang ấp ủ? Liệu việc thành lập Cộng đồng Kinh tế Asean có thực sự tác động đến cuộc sống của những công dân Asean bình thường hay không?

Để có thể hiểu và trả lời được những câu hỏi lớn này, tôi quyết định thả mình vào không gian xã hội Asean và vượt thoát khỏi những câu chữ ngoại giao dài dòng để đi tìm kiếm một điều kết nối tất cả những người dân Asean chúng ta.

Khu vực Đông Nam Á này có phải chỉ là một bàn đàm phán tiện dụng kẹt giữa hai bên Ấn-Trung, luôn xuề xòa với Ấn Độ và sợ hãi với Trung Hoa, hay thực sự có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các quốc gia Đông Nam Á, điều như người Indonesia vẫn thường gọi là “benangmerah”?

Cho dù câu trả lời có như thế nào, quý độc giả cũng có thể chắc một điều rằng tôi sẽ có nhiều chuyến tạt ngang trên con đường truy tìm những câu chuyện của mình, khi là vì một gương mặt xinh đẹp, khi lại vì quán chè bánh lọt đặc biệt hấp dẫn ngay góc phố. 

Tôi sẽ viết về những xu hướng mà bản thân cảm thấy thú vị và mong rằng các độc giả cũng có chung cảm nghĩ. Thêm vào đó, tôi sẽ phân tích cả những sự kiện diễn ra ngoài khu vực nhưng có sức ảnh hưởng lên Asean.

Tuy Ceritalah là một cuốn sổ ghi chép về những gì tôi làm, quan sát, suy nghĩ và cảm nhận, tôi thực sự mong rằng nó sẽ dần dần trở thành chuyên mục được chia sẻ, giàu tính tương tác và có sức lan tỏa.

Vì sao lại như vậy?

Do tựu chung lại, đây chính là những cerita, những câu chuyện của chúng ta, mang chúng ta tới gần nhau hơn và làm nên con người chúng ta.

Karim Raslan