Nước Nhật thông qua TPP nhằm thể hiện quyết tâm thực hiện những nguyên tắc đã đạt được của một Hiệp định thương mại tự do kiểu mới mà thế giới cần hướng tới, nhắc nhở ông Trump phải xem lại quyết định của mình, không bỏ rơi trận địa kinh tế cho TQ để họ thu hút các nước tập trung vào RCEP mà trong đó vai trò lãnh đạo đương nhiên sẽ rơi vào tay TQ.

Kỳ 1: Để trụ được, chắc ông Trump phải rất linh hoạt

Nước Nhật đã thông qua các điều khoản TPP ngày 8/11, một ngày trước khi nước Mỹ chính thức thông báo kết quả bầu cử tổng thống lần thứ 45 khi mọi người đều biết rõ Trump đã thắng Hillary áp đảo, Quốc hội Nhật sau 1 tháng, ngày 8/12, đã phê chuẩn quyết định tham gia vào TPP với số phiếu cao hầu như không có sự phản ứng của các phe đối lập, cho dù mọi người đều hiểu nếu 6/12 nước tham gia TPP không có GDP đạt tới 85% của cả khối thì TPP vẫn coi như không tồn tại, nghĩa là nếu Mỹ không tham gia thì TPP sẽ không thành.

Biết vậy mà chính quyền của ông Abe vẫn phê chuẩn Hiệp định.  Không rõ ông Abe đích thân sang New York để “chúc mừng” ông Trump trúng cử tổng thống đã nói gì với ông đó, có thể khuyên nhủ ông ta không bỏ mặc TPP, vẫn duy trì chính sách cuả Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, không bỏ mặc các đồng minh ở phương Đông (?)…

{keywords}

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên tiếp xúc với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: japantimes

Nhật thừa biết như vậy nhưng vẫn thông qua TPP để thể hiện quyết tâm thực hiện những nguyên tắc đã đạt được trong TPP, khẳng định đây là những nguyên tắc của một Hiệp định thương mại tự do kiểu mới mà thế giới cần hướng tới trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhắc nhở ông Trump phải xem lại quyết định của mình về vấn đề TPP, không bỏ rơi trận địa kinh tế cho TQ để họ thu hút các nước tập trung vào RCEP mà trong đó vai trò lãnh đạo đương nhiên sẽ rơi vào tay TQ. Cũng có người hiểu, làm như vậy, phải chăng Nhật muốn thay vai trò của Mỹ trong TPP(?) Thiển nghĩ, nước Nhật cũng chưa đủ tiềm lực và chẳng dại gì nhận vai trò này, và trong bối cảnh không có sự tham gia của Mỹ, thì có muốn cũng chẳng được.

Có thể tại thời điểm TPP được ký kết (12/2015), do TQ gia tăng tính hung hăng quá đáng của mình, trong đó có ở Biển Đông, nên Mỹ đã muốn TPP sớm được ký kết mà đã nhượng bộ một vài điểm như rút ngắn thời hạn về sở hữu công nghiệp xuống còn 8 năm, tự do thương mại đối với một số mặt hàng nông sản…, những điểm đã gây phản ứng gay gắt từ phía xã hội Mỹ… Ông Trump có thể, hoặc tiếp tục TPP với yêu cầu xét lại một số điểm “bất lợi” cho Mỹ, hoặc bỏ TPP nhưng vẫn lấy các nguyên tắc của TPP để xem lại các Hiệp định tay đôi (BTA) đã từng hay sắp ký với các nước, đồng thời có giảm nhẹ các yêu cầu về nhân quyền, công đoàn độc lập… tránh can thiệp vào những vấn đề  nội bộ của từng nước...

Trung Quốc đừng vội mừng khi ông Trump nửa kín nửa hở rằng sẽ “bỏ mặc” tranh chấp ở các khu vực để tập trung vào nước Mỹ, hay vài câu khen về việc làm ăn với người TQ, hay vào khoản nợ 950tr USĐ của tập đoàn Trump đối với Bank of China mà mà cho rằng có thể “lái” được ông Trump theo ý mình. Đừng quên quên rằng Trump là bậc thầy trong việc “đảo nợ”, rồi lại  kiếm được nhiều lời trong chính các ap-phe này; Có lẽ người TQ chắc mẩm với chủ trương quay về nước Mỹ, ông Trump sẽ tạo ra “khoảng  trống” để cho TQ có thể mặc sức ở Biển Đông trong cuộc đấu với các nước có tranh chấp trong khu vực này

Kissinger- “lão phù thủy” ngay từ những năm đầu 70 đã gắn với lịch sử khu vực tranh chấp này hiện là tư vấn cho nhiều công ty lớn của cả Mỹ và TQ trong việc làm ăn giữa hai bên. Việc quen biết giới lãnh đạo của hai nước thường là một nhân tố hấp dẫn các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm tư vấn cho những ap-phe. Trước chuyến đi TQ sau khi Trump đã đắc cử tổng thống, Kissinger đã lại gặp Trump, không biết họ đã trao đổi gì với nhau(?)

TQ đã nổi giận vì cuộc điện đàm 10 phút giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài loan, điều mà từ sau những năm 79 đến trước đó chưa từng xảy ra giữa Mỹ và Đài loan. Trong cuộc điện đàm này, ông Trump đã gọi bà Thái là Tổng thống.

Còn ông Trump viết trên Twitter của mình rằng ông có quyền nói chuyện với bất kỳ ai ông muốn và hỏi ngược lại việc TQ tự làm 3 chuyện mà không cần hỏi ý kiến Mỹ thì sao, đó là: phá giá đồng NDT để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, tăng thuế nhập khẩu để đánh vào hàng nhập từ Mỹ, và, xây dựng các đảo nhân tạo thành một khu vực quân sự phức hợp tại  Biển Đông (lần đầu tiên Trump nhắc tới Biển Đông). Những người được ông Trump chọn vào nội các của mình thì nói thẳng tưng: nếu TQ không chịu được ngôn từ của Mỹ thì đi ra chỗ khác mà chơi[2]! Tuy nhiên, cũng có lời khuyên ông Trump, dù sao TQ vẫn là một đối tác lớn của Mỹ nên cần “ngoại giao” hơn một chút, “vuốt mặt cũng cần nể mũi”!  

Trong vận động tranh cử, ông Trump không đả động gì tới chuyện Biển Đông khiến TQ có thể “ấm lòng” mà chỉ nói tới sẽ tăng ngân sách quốc phòng, ưu tiên nhiều cho hải quân, trong đó đáng chú ý là cho đóng thêm nhiều tàu ngầm hiện đại; TQ cũng vậy, mấy năm nay họ tập trung nhiều cho hải quân, họ cũng không giấu diếm đường lối “ ngoại giao hạm thuyền” của họ; có tầu, mà trong chiến tranh tương lai, tầu ngầm có một vị trí quan trọng trong tác chiến, thì cần phải có biển. Biển càng sâu càng “ém” quân kỹ hơn.

Nghe nói, biển Hoa Đông nông, Biển Đông thuộc Việt Nam và một vài quốc gia Đông Nam Á, sâu, trong đó có hai tuyến Bắc- Nam và Đông-Tây mà người Pháp, người Anh và người Mỹ đã khám phá ra từ những năm 50,70 thế kỷ trước rất thuận tiện cho việc di chuyển và ẩn nấp của tầu ngầm…, nước nào có tầu ngầm hoạt động ở vùng Châu Á –Thái bình dương mà chẳng mong được tư do đi lại tại vùng này… Liệu ông Trump có bỏ Biển Đông cho TQ tự do hoành hành không? Đoạn viết trên Twitter của ông Trump như nêu trên chắc cũng giúp chúng ta giải đáp một phần nào (?).

Chuyện NATO cũng vậy. ông Putin có thể sớm vui mừng với việc ông Trump lên làm Tổng thống của Mỹ, hy vọng mối đe dọa từ phía NATO đối với Nga sẽ giảm. Song, với chủ trương gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng thêm số quân… người Nga cũng phải đặt câu hỏi “Để làm gì?” và, ông Trump cũng chưa có ý kiến gì khi ông Obama vẫn tiếp tục chương trình xây dựng “lá chắn” tại các nước thành viên mới của NATO, như Balan, quốc gia có chung biên giới với Nga! Chắc các chuyên gia quốc phòng đang phân tích và sớm đưa ra những lời khuyên sát thực…

{keywords}

Ông Putin có thể sớm vui mừng với việc ông Trump lên làm Tổng thống của Mỹ, hy vọng mối đe dọa từ phía NATO đối với Nga sẽ giảm. Ảnh minh hoạ: nld

Liệu ông Trump có thể “bỏ” thế giới để tập trung vào phát triển nước Mỹ được không? Có thể để mất vị trí số một của mình không? Có thể nhường vị trí này cho ông Tập hay  ông Putin được không? Câu trả lời chắc là: KHÔNG!

Vốn dĩ là dân kinh doanh, chắc chẳng ai lại không cân nhắc giữa “mất” và “được”, mà phải tính toán kỹ thiệt hơn giữa “cho đi” và “lấy lại” vì trên đời này, “chẳng ai cho không ai cái gì”. Kinh tế và chính trị đều gắn chặt với nhau, chớ có mơ hồ để dễ sa vào bẫy khó gỡ ra nổi.

Liệu ông Trump, với lời hứa giảm mạnh thuế[3] cho các doanh nghiệp để khuyến khích được họ “quay đầu” về Mỹ đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người Mỹ? Liệu hàng hóa sản xuất tại Mỹ có rẻ hơn hàng hóa nhập khẩu không? Ai sẽ chịu mua đắt? Người dân Mỹ! Căn cứ vào “lợi thế cạnh tranh” (competitive advantage) nước Mỹ sẽ chọn những ngành công nghệ cao hay quay lại sản xuất giầy dép, may mặc, đồ gỗ… cho dù có áp dụng công nghệ cao trong các ngành này để có năng suất cao, giảm được giá thành? Riêng việc áp dụng công nghệ cao cũng đẩy hơn 4 triệu người Mỹ thành thất nghiệp rồi, trong khi 40% dân số Mỹ chỉ có học vấn tới phổ thông trung học… Đấy là những bài toán khó, không phải “muốn là được”!

Đón đọc kỳ 3: "Gặp thời một tốt cũng thành công"

Tam Anh