Bất chấp nỗi lo nguy cơ khủng bố, những lo ngại về các bất ổn kinh tế và xã hội đang trực chờ, hàng tỷ người trên khắp thế giới, từ nơi năm mới đến sớm ở Nam Thái Bình Dương đến Bắc Bán Cầu phủ đầy tuyết trắng, từ vùng Trung Phi nắng cháy hay tại Syria hoang tàn vì nội chiến, đều mong năm 2017 đến sớm cùng những điều tốt đẹp.

Dĩ nhiên, nước Mỹ và vị Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đang ở trong tâm điểm của sự chú ý trong những ngày đầu năm mới. Bằng lời nói và hành động, Trump đã thể hiện quyết tâm sắt đá đánh bật “sức ỳ” của hệ thống chính trị, kinh tế Mỹ, xác lập lại luật chơi và định vị lại vị thế của Mỹ trên bàn cờ quốc tế.

Người Mỹ và thế giới, dù thích hay không, buộc phải thích ứng và sống chung với một nước Mỹ mới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump – một vị Tổng thống bạo tay và bạo miệng nhất kể từ thời Ronald Reagan. 

Tuy chưa bước chân vào Nhà trắng, nhưng chỉ với vài dòng Tweet về một số vấn đề kinh tế quốc nội, ông Trump đã khiến giới kinh doanh phấn chấn, người tiêu dung hồ hởi dốc hầu bao, còn ông chủ của những đại công ty quen bán hàng với giá trên trời như Boeing, Lockheed Martin… phải bật ngửa. Trong vòng 1 tháng sau bầu cử, chỉ số chứng khoán hai sàn Dow Johns và S&P tăng 10% - cao nhất trong lịch sử Mỹ, còn người tiêu dung lạc quan dốc “hầu bao” hơn 1000 tỷ USD cho mùa mua sắm cuối năm 2016. 

{keywords}

Một loạt các quan hệ đối ngoại quan trọng của Mỹ sẽ được “cài đặt lại”.


Vậy câu chuyện phản ứng “ngược dòng” từ hiện tượng Trump, cùng các diễn biến trái chiều từ chiến trường Aleppo (Syria), tấn công khủng bố tại Istambun (Thổ Nhĩ Kỳ) hay các tín hiệu mới đến từ thị trường, quan hệ các nước lớn hay các điểm nóng trên thế giới báo hiệu điều gì cho năm 2017?

Thứ nhất, các nước sẽ phải thích nghi với một nước Mỹ mới đầy quyết đoán, chủ động đơn phương áp đặt luật chơi. Về đối ngoại, cách tiếp cận kiểu thời Bush con “đơn phương khi có thể, đa phương khi cần thiết” và chủ nghĩa thực dụng đặt lợi ích quốc gia lên đầu, đặc biệt là lợi ích kinh tế, dường như sẽ thay thế cho cách tiếp cận đa phương của chính quyền Obama.

Thứ hai, một loạt các quan hệ đối ngoại quan trọng của Mỹ sẽ được “cài đặt lại”, như quan hệ với Israel sẽ trở nên nóng ấm, với Nga sẽ chuyển dịch sang quan hệ đối tác, với Cuba và Iran thậm chí bị đảo ngược, còn với Trung Quốc nhiều khả năng quan hệ sẽ chuyển dịch theo chiều hướng cạnh tranh, thậm chí không loại trừ việc Mỹ, Trung coi nhau như “địch thủ”. Trong quan hệ với các đồng minh chủ chốt trong NATO, Nhật Bản hay Hàn Quốc, Mỹ sẽ yêu cầu các nước này có chia sẻ và đóng góp nhiều hơn để bảo vệ an ninh của chính mình.

Thứ ba, trong khi kinh tế thế giới không có nhiều khởi sắc do các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ thì nước Mỹ dưới thời Trump sẽ làm cho mình “vĩ đại trở lại” bằng đôi chân và thực lực của mình, kết hợp với sức mạnh bên ngoài thông qua việc duy trì đồng USD mạnh, thu hút việc làm và đầu tư quay trở lại Mỹ – tương tự như cách Reagan đã làm với chính sách kinh tế Reaganomics trong những năm 1980.

{keywords}

Chiến trường Aleppo (Syria).


Thứ tư, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đang đứng trước sức ép tan rã từ bên ngoài lẫn bên trong. Nhưng điều này không có nghĩa chủ nghĩa khủng bố và Hồi giáo cực đoan sẽ suy yếu, mà nó sẽ tìm cách chuyển hướng hoạt động ra bên ngoài với hàng loạt âm mưu và hoạt động khủng bố diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới.

Và cuối cùng, bất chấp sự bất ổn trong suốt một năm năm qua, tín hiệu lạc quan hơn đến từ số liệu của tổ chức ourworldindata.org vào những ngày cuối năm 2016 đã đưa ra con số “biết nói” về tuổi thọ, tỷ lệ người biết chữ, mức sống, tuổi thọ, số người chết vì chiến tranh… đều có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn so với trước đó.

Điều này, cùng với sự phát triển như vũ bão của Cuộc cách mạng công nghiêp lần thứ tư, mà tâm điểm là sự phát triển của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, tự động hóa, năng lượng tái tạo… đang nâng cao chất lượng và giá trị cuộc sống của con người hơn bao giờ hết.

Nhìn từ góc độ như vậy, thế giới năm 2017 đâu chỉ có thách thức và màu xám?

TS Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao

Theo Báo Thế giới và Việt Nam. Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt.