Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Bắc Kinh vào ngày hôm nay (thứ bảy). Những chuyến viếng thăm lẫn nhau Nga - Trung gần như đã được lập trình thường niên trong những năm trở lại đây.

Bán vũ khí

Nga từ lâu vẫn giữ vững vị trí thứ hai (sau Mỹ) trong tiêu thụ vũ khí quân sự toàn cầu. Tuy nhiên, Pháp với sự bùng nổ trong các thỏa thuận mua bán đang có khả năng thế chỗ Nga để trở thành nhà cung cấp hàng đầu tại châu Á. Cùng lúc đó, TQ lại nỗ lực giảm nhập khẩu, gia tăng chế tạo trong nước.

“Kể từ khi phương Tây áp dụng cấm vận Nga và giá dầu sụt giảm năm 2014, buôn bán vũ khí ngày càng có vai trò quan trọng với ngân sách Nga", Agnia Grigas, của Hội đồng Atlantic cho biết. "Tiếp theo các thỏa thuận vũ khí giữa hai nước năm 2015, dường như sẽ có nhiều hợp đồng tiếp tục trong chuyến thăm lần này", ông này dự đoán.

Thứ hai đầu tuần, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã loan báo về một thỏa thuận giữa Moscow và Bắc Kinh về việc Nga cung cấp các động cơ rocket RD-180. Phó thủ tướng Nga cũng nhấn mạnh, thỏa thuận này chỉ chờ ông Putin tới TQ là ký kết. Lauren Goodrich- chuyên gia phân tích của hãng Stratfor tin rằng, lần mua bán này cho thấy Nga đã tìm được người mua lý tưởng.

{keywords}

 Người ta vẫn dành nhiều thời gian quan sát và không khỏi hồ nghi mối quan hệ Nga - Trung. Ảnh: AP

Với người Nga, TQ luôn là thị trường tiềm năng. Sau một thời gian chững lại do TQ chủ động tự sản xuất vũ khó, giờ đây Nga hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai sáng lại, khi việc buôn bán vũ khí có dấu hiệu tấp nập trở lại.

Bán năng lượng

Nhiều người biết, có một hệ thống ống dẫn khí tự nhiên giữa Nga và TQ đang được xây dựng qua Siberia và một đường ống sắp xây dựng là Altai. Tuy nhiên vì nhiều lý do, hai dự án này chưa tiến triển như kỳ vọng.

Trong chuyến thăm này, có vẻ như hai nhà đồng cấp sẽ dành thời gian thảo luận về các kế hoạch xuất khẩu khí đốt của Nga. Giới quan sát cũng quả quyết rằng, chuyến thăm của ông Putin lần này có thể sẽ có đột phá đáng kể nhằm phá vỡ sự đình trệ của các dự án chiến lược này. 

Không chỉ bàn chuyện năng lượng, tuần trước, Bộ Giao thông Nga đã thông báo về một kế hoạch tham vọng là xây dựng mạng lưới đường sắt giữa cảng Zarubino (phía đông) với TQ. Dự án có giá trị gần 460 triệu USD và Nga cần TQ đầu tư. Xem ra Bắc Kinh lại có những kế hoạch lớn lao liên quan đến tuyến vận tải đường sắt chạy qua Nga.

Còn nhớ thời điểm năm 2014, trong chuyến một thăm Bắc Kinh ông Putin đã chứng kiến vô số lễ ký kết các thỏa thuận trong đó có hợp đồng cung cấp khí tự nhiên 30 năm trị giá 400 tỉ USD.

Đáp lại, TQ dịp đó cũng cũng cam kết cung cấp nhiều khoản vay khổng lồ nhằm giúp Nga gia cố mạng lưới đường sắt cao tốc nối Moscow và thành phố Kazan.

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, chính phủ Nga đã cố gắng làm giảm đi vị trí của phương Tây bằng tuyên bố sẽ thay thế giao thương với châu Âu và Mỹ, hướng tới thị trường Nam Mỹ và Đông Á. Một trong những đối tác quan trọng mà Nga có lẽ tự hào trong suốt hai năm qua chính là TQ. "Nga đang chứng tỏ rằng quan hệ Nga-Trung như bức tường thành chống lại phương Tây", Agnia Grigas, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Atlantic nhận định.

"Trong mối quan hệ ấy, có cả lý do thực dụng lẫn chính trị”, ông Grigas quả quyết.

Cho dù Bắc Kinh và  Moscow luôn tỏ cho thiên hạ thấy rằng quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên nồng ấm, nhưng người ta vẫn dành nhiều thời gian quan sát và không khỏi hồ nghi.

Nhiều thỏa thuận giữa hai bên lúc đầu thì tưng bừng, nhưng rồi chậm dần lại. Một trong những lý do là kinh tế Nga đang lâm vào thế khó, Đồng rúp mất giá. Bên cạnh đó giá dầu thấp thê thảm đã khiến nhiều dự án năng lượng bị đổ bể hoặc dừng vô thời hạn.

Thêm vào đó, dự án tham vọng của Bắc Kinh mang tên Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ở Trung Á - mà Nga coi là sân sau - khiến Moscow cũng có nhiều quan ngại. Cho dù TQ không ngớt hứa hẹn điều phối các dự án với Liên minh kinh tế Á Âu do Nga khởi xướng, nhưng thực chất họ lại tập trung vào nhiều thỏa thuận song phương với Kazakhstan và thành viên khác trong khối, điều này Nga biết thừa.

Đáng chú ý, mới đây Truyền hình nhà nước Nga đã phát một chương trình của đạo diễn nổi tiếng Nikita Mikhalkov mô tả giả định sự xâm lấn của người TQ. Video kết thúc với việc TQ nhanh chóng hiện diện tràn ngập ở vùng Viễn Đông và Siberia của Nga, vẽ ra một đường biên giwois mới dọc dãy Urals - vốn được coi là danh giới Âu và Á.

Minh Tâm (Theo Newsweek, Dailymail)