Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin tại Nagato cuối tuần trước, đã gọi cuộc gặp này là “đáng để chờ đợi trong suốt ba năm”.

Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của lãnh đạo Nga tới Nhật Bản kể từ năm 2005, nhưng không phải là lần đầu tiên hai ông Abe và Putin gặp nhau. Hai nhà lãnh đạo đã tiếp xúc chính thức tổng cộng 16 lần (theo thống kê của The Washington Post), kể từ khi cả hai ông cùng quay lại nắm quyền năm 2012. Nhưng mấy năm gần đây, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đã phai nhạt, do ảnh hưởng bởi sự suy yếu trong quan hệ Nga - Mỹ (đồng minh quan trọng của Nhật Bản).

Ngay trước khi ông Putin đến Nhật, Tổng thống Mỹ B.Obama vẫn tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả Nga về những hành động mà Mỹ cáo buộc là Nga dùng tin tặc tác động vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Sự thắng cử của ông Donald Trump, người công khai ca ngợi Tổng thống Nga Putin và hứa sẽ cải thiện quan hệ Nga - Mỹ, đã bật đèn xanh để Thủ tướng Abe trở lại bắt tay chặt chẽ hơn với Moscow.

Sau cuộc hội đàm khá ngắn ngủi ở Nagato, thị trấn quê nhà của Thủ tướng Abe, ông Putin đã ca ngợi rượu sake và suối nước nóng của địa phương. Còn lãnh đạo Nhật Bản gây bất ngờ khi gọi Tổng thống Nga là “Vladimir” - một cử chỉ thân mật đáng ngạc nhiên ở Nhật Bản.

Với Tổng thống Putin, chuyến đi tới Tokyo rõ ràng là một thành công lớn. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, lãnh đạo của Nga tới thăm một trong số các quốc gia thuộc Nhóm công nghiệp phát triển (G7), sau khi G7 “tẩy chay” Nga vì cuộc khủng hoảng ở Crimea. Ông Putin đang rất quan tâm tới đầu tư của nước ngoài để đối phó với tình trạng giá dầu giảm mạnh và sự cô lập quốc tế với Nga vì những cáo buộc về sự can thiệp của Nga ở Ukraine và Syria.

Tại cuộc họp báo sau hội đàm, theo tường thuật của The Washington Post, hai nhà lãnh đạo nhất trí thành lập một quỹ chung trị giá 1 tỉ đô la. Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga và ngân hàng Nhật Bản về hợp tác quốc tế sẽ đóng góp mỗi bên 500 triệu đô la để hỗ trợ đầu tư của hai bên trong các lĩnh vực như năng lượng, quy hoạch đô thị và dịch vụ y tế. Quỹ này cũng sẽ giúp đỡ các công ty Nhật Bản hoạt động tại Nga.

Với Thủ tướng Shinzo Abe, mặc dù ông gọi cuộc gặp là “đáng để chờ đợi suốt ba năm”, nhưng điều mà ông mong muốn nhất là những đột phá trong đàm phán về tranh chấp lãnh thổ trên biển đã không đạt được.

Gặp Tổng thống Putin lần này, ông Abe đã chọn chiếc cà vạt màu vàng mà ông vẫn dùng vào những dịp quan trọng, và hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Putin sẽ mở đường cho việc Nga trả lại ít nhất hai trong số bốn hòn đảo đang tranh chấp phía Đông Bắc của Hokkaido, được hai bên gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc Nhật Bản và quần đảo nam Kuril của Nga.

Trong Thế chiến thứ 2, quân đội Liên Xô đã chiếm giữ các hòn đảo này chỉ vài ngày trước khi Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945 - và những tranh chấp liên quan đến chủ quyền của nhóm đảo là một vướng mắc trong quan hệ hai nước suốt hơn 70 năm qua.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí bắt đầu các cuộc thảo luận về những hoạt động kinh tế chung trên các đảo, mà đang thuộc quyền quản lý của Nga. “Các hoạt động kinh tế chung ở quần đảo Nam Kuril sẽ nuôi dưỡng niềm tin cho việc hướng tới ký kết một hiệp ước hòa bình”, ông Putin nói. Nhưng khi phía Nhật đề nghị các hoạt động kinh tế chung được tiến hành trong khuôn khổ một hệ thống pháp lý “đặc biệt” thì phía Nga khăng khăng rằng đây là lãnh thổ của họ và sẽ áp dụng luật pháp của Nga lên mọi hoạt động kinh tế diễn ra trên đó.

“Cả hai bên cần phải linh hoạt” - Thủ tướng Abe nói, được The Washington Post trích lời. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải làm việc hướng tới một bước đột phá để không khiến cho các thế hệ sau thất vọng”.

Đáp lại, ông Putin nói rất ngoại giao: “Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề này trong một giờ, nhưng không nghi ngờ gì nữa, chúng ta cần phải tìm ra một giải pháp”.

Theo Chiến Thắng/TBKTSG