TQ là thành viên chính thức của UNCLOS, nhưng đồng thời không có quốc gia nào khác vi phạm các quy định và điều khoản của Công ước trên quy mô lớn như vậy, và tự cho mình quyền tự do giải thích các điều cơ bản của nó.

Vi phạm UNCLOS “quy mô nhất”

Trung Quốc được biết như là một thành viên chính thức của Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật biển 1982, UNCLOS. Bắc Kinh đã ký Công ước trên vào ngày 10/12/1982 và phê chuẩn sau khi có hiệu lực ngày 07/6/19961. Ngoài ra, Trung Quốc tham gia cả hai hiệp định bổ sung cho Công ước UNCLOS[1].

Nhưng đồng thời, không có quốc gia nào khác vi phạm các quy định và điều khoản của Công ước trên quy mô lớn như vậy, và tự cho mình quyền tự do giải thích các điều cơ bản của nó.

Các vi phạm chính của Trung Quốc gắn liền với quyền đi qua không gây hại của tàu quân sự nước ngoài qua lãnh hải; tự do hàng hải và hàng không ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Bắc Kinh cũng có tham vọng mở rộng quyền của mình trong lĩnh vực an ninh tại vùng tiếp giáp lãnh hải 24 hải lý, không công nhận vùng trời thuộc EEZ là không phận quốc tế, nhằm mục đích hạn chế các chuyến bay do thám của Mỹ, và việc tạo ra vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông là một bước đi thực tế.

Ngoài ra, Trung Quốc có quy định rất chặt chẽ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển (MSR), mà trên nhiều phương diện trái với các quy định do UNCLOS 1982 đặt ra.

Rõ ràng, phần chính của những vi phạm này liên quan chặt chẽ với những tham vọng của Trung Quốc nhằm duy trì mức độ ưu tiên an ninh quốc gia ở cấp độ khu vực, đặc biệt là để hạn chế các hoạt động hải quân và trinh sát của Mỹ gần bờ biển của Trung Quốc.

Từ quan điểm này, chúng ta có thể giả sử rằng, sự phát triển của Trung Quốc từ cường quốc khu vực đến quốc gia có quan tâm đến đại dương trên toàn thế giới sẽ dẫn đến những thay đổi về hành vi của Bắc Kinh liên quan đến UNCLOS 1982. Sự biến đổi của sức mạnh hải quân Trung Quốc từ cấp khu vực đối với sự hình thành lực lượng Hải quân Đại dương Xanh sẽ đòi hỏi thái độ có trách nhiệm hơn của Bắc Kinh đối với các quy định và điều khoản của Luật biển.

{keywords}

Ảnh chụp vệ tinh của CSIS cho thấy, những công trình này có khả năng chứa bất kỳ chiến đấu cơ nào trong lực lượng không quân Trung Quốc. Ảnh: CSIS/ AMTI/ VOV

Thái độ hoài nghi của Trung Quốc về các quy định và điều khoản của Luật Biển dựa trên bối cảnh lịch sử. Có thể thấy, từ quan điểm của Trung Quốc, Luật biển quốc tế là sản phẩm của một nền văn minh phương Tây, được tạo ra để phục vụ cho lợi ích của các quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới.

Quan điểm này đã được củng cố trực tiếp trong tâm trí của cộng đồng giới tinh hoa và chuyên gia chính trị Trung Quốc trong Hội nghị lần III của LHQ về Luật biển (1973-1982). Theo họ, Mỹ, Liên Xô và các cường quốc hàng hải khác của thời kỳ Chiến tranh lạnh - Pháp và Anh – hoàn toàn bỏ qua quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề khác nhau, chỉ quan tâm đến lợi ích toàn cầu và lợi ích quốc gia của họ. Cách ra quyết định thông qua cái gọi là hợp đồng trọn gói và phương pháp đồng thuận cho phép không cần quan tâm đến việc bất kỳ quốc gia nào lên tiếng phản đối.

Cần nhớ rằng, lập trường của Trung Quốc trong yêu cầu về việc thông báo hoặc cấp phép của quyền đi qua không gây hại cho các tàu chiến nước ngoài đã chính thức thành lập trong các buổi thảo luận tại Hội nghị lần III của LHQ về Luật biển. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tại thời điểm phê chuẩn UNCLOS vào ngày 07/6/1996 Trung Quốc đưa ra tuyên bố, trong đó nói rằng:

“Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tái khẳng định rằng các điều khoản của Công ước LHQ về Luật biển liên quan đến quyền đi qua không gây hại trên lãnh hải sẽ không phương hại đến các quyền của một quốc gia ven biển để yêu cầu, phù hợp với luật pháp và quy định của mình, một quốc gia nước ngoài phải được sự chấp thuận trước hoặc phải thông báo trước cho các quốc gia ven biển đối với sự di chuyển của các tàu chiến của mình thông qua lãnh hải của quốc gia ven biển”.

Tuyên bố này của Trung Quốc đã được thực hiện 7 năm sau khi Hoa Kỳ và Liên Xô ký Quy tắc Giải thích thống nhất về luật quốc tế về quyền đi qua không gây hại (Hiệp định Jackson Hole) năm 1989. Liên Xô đồng ý với lập trường của Mỹ rằng tất cả các tàu, bao gồm tàu chiến, bất kể hàng hóa, vũ khí trang bị, phương tiện động cơ, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại ở lãnh hải theo luật quốc tế, mà không phải thông báo trước và cũng không cần sự cho phép trước”. Các bên cũng đồng ý, ngoài những điều khác, rằng Điều 19 của UNCLOS có chứa một “danh sách đầy đủ các hoạt động theo đó hành vi đi qua được cho là gây hại cho quốc gia ven biển”.

Cả hai siêu cường quốc cũng công nhận sự cần thiết để khuyến khích tất cả các quốc gia hài hòa pháp luật trong nước, các quy định và thực tiễn của nó với các quy định của UNCLOS, nhưng thỏa thuận này đã không có tác dụng đến lập trường của Trung Quốc. Mức độ hiểu lầm giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề này vẫn còn rất nghiêm trọng và tiềm năng xung đột - rất cao.

Thích thì “song phương”, thích thì “quốc tế hóa”?

Nguyện vọng của TQ duy trì cao nhất mức độ ưu tiên an ninh quốc gia trong khu vực hàng hải tiếp giáp dẫn đến việc không thỏa thuận giải quyết tất cả các cuộc xung đột và tranh chấp thông qua sự quốc tế hóa của nó – tranh luận trên một cấp độ quốc tế rộng lớn và với sự tham gia của các nước khác ngoài khu vực. Lập trường giải quyết bất kỳ cuộc xung đột ở vùng Biển Đông và Nam Trung Hoa chỉ trên cơ sở song phương này của Trung Quốc rất mâu thuẫn với mong muốn của nước này trong việc khởi động quá trình quốc tế hóa vấn đề tại khu vực Bắc cực.

Trong các bài viết, các bài giảng và tuyên bố công khai của các chuyên gia và các chính trị gia Trung Quốc, chúng ta thường có thể đọc và nghe thấy rằng khu vực Bắc cực là một “không gian chung”, chung cư thế giới hay “miền chung”, thậm chí “di sản chung” thuộc về toàn thể nhân loại, và các định nghĩa khác với thuật ngữ “chung”.

Tuy nhiên, các phân tích chỉ ra, không tồn tại khả năng pháp lý cho việc áp dụng các khái niệm khác nhau do các chuyên gia Trung Quốc đề xuất, xem vùng hàng hải Bắc cực như là bất cứ không gian quốc tế nào, cố gán quy chế Di sản chung của nhân loại cho các vùng nước ở Bắc cực, áp dụng mô hình Hiệp ước Nam cực 1959 cho Bắc Băng Dương. Do Bắc cực có đặc thù tách biệt về mặt địa lý và do chỉ có 5 quốc gia ven Bắc cực có bờ sát Bắc Băng Dương, các nước này có quyền hưởng các lợi ích quốc gia trong khu vực cao hơn các nước ngoài Bắc cực.

(Còn tiếp)

Pavel Gudev, TS, Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Primakov, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMEMO)

*Bài viết lược trích nghiên cứu của Pavel Gudev. Các tiêu đề chính, tiêu đề phụ do Tuần Việt Nam đặt.

--------

[1] 1) Hiệp định liên quan đến việc thực hiện phần XI của Công ước LHQ về Luật biển ngày 10/12/19822; 2) Hiệp định LHQ về việc thực hiện các quy định của Công ước LHQ về Luật biển ngày 10/12/1982 liên quan đến việc Bảo tồn và quản lý các đàn cá sinh sống trên cả vùng đặc quyền kinh tế và trên biển cả (Straddling Fish Stocks) và các đàn cá di cư xa (Highly Fish Stocks) (có hiệu lực kể từ ngày 11/12/2001).