Thời kỳ tăng trưởng kỳ diệu của Trung Quốc đã chấm dứt. Trong những chuyến đi đến Trung Quốc gần đây, tôi luôn trông chờ Bắc Kinh quay trở về thực tại, nhưng điều đó không xảy ra.

Kỳ 1: Donald J.Trump: Trung Quốc đang “ăn vụng” bữa trưa của Mỹ

Bất chấp các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm hướng dòng tiền vào các ngành công nghiệp, họ không bao giờ hoàn toàn dồn sức vào việc ngăn chặn các ngân hàng ngầm cung cấp vốn cho những khoản vay ngày càng đáng nghi ngờ để đầu cơ bất động sản.

Khi tôi (tức tác giả Ruchir Sharma - TVN) thăm Thượng Hải vào tháng 8/2010, tôi đã rất bất ngờ khi thấy những dãy chung cư hai, ba lớp dọc đoạn đường dài 110 dặm (176 km) đến Hàng Châu. Đa phần những con nợ lớn nhất là những công ty vỏ bọc do các chính quyền địa phương dựng lên để lách các quy định của quốc gia. Các thành phố nhỏ đang vay mượn để xây dựng những bảo tàng hiện đại, cung thể thao dưới nước, và những khu chung cư vốn vượt quá nhu cầu địa phương và thường trống rỗng như các thành phố ma.

Những nghiên cứu của tôi cho thấy rằng trong 30 cơn sốt nợ tồi tệ nhất trong 50 năm vừa qua, nợ tư nhân, phần lớn được nắm bởi các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, đã tăng trong năm năm trước đó ở mức ít nhất là 40% GDP. Trong cả 30 trường hợp, nền kinh tế giảm tốc rất nhanh, thường là hơn một nửa, trong năm năm tiếp theo.

{keywords}

Cơn sốt nợ của Trung Quốc hiện tại đang ở mức lớn nhất trong các quốc gia mới trỗi dậy từ sau Thế chiến II. Ảnh minh họa: KT&ĐT

Cơn sốt nợ của Trung Quốc hiện tại đang ở mức lớn nhất trong các quốc gia mới trỗi dậy từ sau Thế chiến II. Sau khi giữ vững ở mức 150% GDP trong phần lớn giai đoạn tăng trưởng, nợ công và tư bắt đầu tăng từ khi ông Ôn đổi hướng vào năm 2008, chạm mức 230% GDP vào năm 2014. Mức tăng 80% vượt mức tăng của Mỹ trước khi bong bóng vỡ vào năm 2008 gấp 3 lần. Kể từ đó, tỉ lệ nợ của Mỹ trên GDP đã đứng vững. Cho dù nhiều người Mỹ vẫn nghĩ rằng đất nước vẫn bị nhấn chìm trong nợ, gánh nặng của Mỹ không đáng lo như của Trung Quốc bởi vì nó đã ngừng tăng.

Trớ trêu thay, chính bộ máy đã giúp dẫn dắt Trung Quốc trong những năm kinh tế tăng trưởng giờ có thể là tác nhân gây xói mòn sự ổn định của nền kinh tế.

Trong các giai đoạn bùng nổ đầu tiên dưới thời Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh làm điều tốt nhất, đó là thuyết phục được sự ủng hộ thúc đẩy phát triển nhanh, hướng tiền tiết kiệm của người dân vào việc xây dựng các nhà máy phục vụ xuất khẩu và lấy đất để xây cầu đường nhằm vận chuyển hàng sản xuất đến thị trường. Nhưng quá trình ra quyết định trên, tập trung vào một nhóm nhỏ ở Bắc Kinh, cho phép chính quyền đổi hướng một cách thiếu chín chắn vào năm 2008 và thông qua chiến dịch cho vay vốn đang đưa Trung Quốc đi vào con đường ngày càng bấp bênh của nợ cao và tăng trưởng thấp.

Trong những chuyến đi đến Trung Quốc gần đây, tôi luôn trông chờ Bắc Kinh quay trở về thực tại, nhưng điều đó không xảy ra.

Khi nền kinh tế ngày càng tăng trưởng không ổn định, giới chức trách đã cố quản lý chu kỳ kinh tế một cách cứng rắn hơn và điều này đã lan qua thị trường tài chính.

Vào cuối năm 2014, với hy vọng giúp các công ty khó khăn có một cú hích, Bắc Kinh bắt đầu ca ngợi việc mua chứng khoán như một hành động yêu nước. Hàng triệu người Trung Quốc đăng ký để chơi chứng khoán lần đầu tiên, nhiều người chỉ mới tốt nghiệp cấp ba, và bắt đầu vay mượn để mua chứng khoán khi giá tăng. Khi bong bóng vỡ vào tháng 6 năm ngoái, Bắc Kinh đã không cho phép thị trường sụp đổ như năm 2008. Họ buộc người dân không được bán hay là phê phán chứng khoán. Nhưng thị trường vẫn sụp đổ như chúng ta đã thấy.

Sau đó, hội nghị Davos cuối cùng cũng đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh có thể ra lệnh cho nền kinh tế phải tăng trưởng trở lại hay không. Dường như bài học sẽ được tiếp thu ở Trung Quốc, nhưng khi tôi đến thăm vào tháng Tư, các nhà chức trách lại bắt đầu một chiến dịch kích cầu mới, và nợ vẫn tăng nhanh gấp ba lần tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, người dân vẫn kể về mức giá bất động sản tăng chóng mặt ở Thượng Hải và Bắc Kinh và thậm chí ở các thị trường không nhiều người biết đến như giá hợp đồng tương lai của xà thép. Mục đích của họ là tiếp tục nhảy theo thị trường cho đến khi dòng tiền vay ngừng chảy.

Nền kinh tế thế giới bây giờ chỉ cách suy thoái một cú sốc.

Trong thời kỳ hậu Thế chiến II, tất cả các đợt suy thoái trước kia đều được khởi nguồn bởi một cuộc lao dốc ở Mỹ, nhưng đợt suy thoái tiếp theo chắc chắn sẽ bắt đầu bằng một cú sốc ở Trung Quốc. Bằng việc kích thích kinh tế mạnh tay, Trung Quốc là nhân tố lớn nhất đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu trong thập niên qua, nhưng nó cũng rất mong manh. Thời kỳ tăng trưởng kỳ diệu của Trung Quốc đã chấm dứt, và giờ đây họ đối diện với lời nguyền của nợ nần.

Ruchir Sharma, The New York Times

Ruchir Sharma là trưởng phòng chiến lược toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management. Bài viết này được trích từ cuốn sách sắp xuất bản “The Rise and Fall of Nations”

Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề.

Bài viết thuộc chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org)