Sự chuyển dịch của dòng chảy thương mại toàn cầu do TPP tạo ra đang đặt lại các tính toán kinh tế lẫn chiến lược trên bàn cân.

Quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi đến hồi kết từ đầu tháng 10 tại Atlanta. Toàn văn hiệp định cũng đã được công bố rộng rãi.

Đối với các quốc gia ngoài cuộc, đặc biệt những nền kinh tế lớn như nhóm nước thuộc khối BRICS, sự chuyển dịch của dòng chảy thương mại toàn cầu do TPP tạo ra đang đặt lại các tính toán kinh tế lẫn chiến lược trên bàn cân. Chưa kể một hiệp định tự do khổng lồ khác đang đàm phán rất khẩn trương hai bờ Đại Tây Dương mà Mỹ và EU đang xúc tiến mang tên Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Cả hai siêu dự án đều “thiếu chân” các thị trường mới nổi.

Trước tiên là Trung Quốc (TQ). Khi TPP mới được công bố, giới phân tích và quan sát TQ tỏ ra nghi ngờ đây là một công cụ địa chính trị mang tính loại trừ của Mỹ nhằm kiềm chế TQ. Dù vậy, Bắc Kinh không có bất kì bình luận chính thức nào cho thấy tâm lý nghi ngờ. Trái lại, TQ từng ngỏ ý muốn tham gia TPP vào khoảng tháng 10/2014.

Khi đàm phán TPP chính thức kết thúc về mặt kĩ thuật đầu tháng 10, phản ứng của TQ với sự kiện tỏ ra vẫn nhất quán, nghĩa là trung lập và cẩn trọng. Theo Xinhua, phát ngôn viên Bộ Thương mại TQ cho biết “TQ luôn giữ một thái độ cởi mở với việc hình thành các thiết chế mới tuân thủ các luật lệ của WTO và hữu ích với thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập ở châu Á-Thái Bình Dương.”

Xinhua cũng nhận định nước này có thể chịu một số ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn do tác động của TPP. Và lập luận, về lâu dài, không có thiết chế thương mại đa phương nào có thể “loại trừ” một số chủ thể mà không cản trở chính tiềm năng của mình.

Cũng theo nguồn tin này, “TQ hi vọng TPP và các hiệp định thương mại khác có thể thúc đẩy và đóng góp cho tăng trưởng thương mại, đầu tư và kinh tế trong khu vực.”

{keywords}
TQ không có mặt trong "siêu dự án" TPP. Ảnh minh họa: EPA

Quyết không chịu thua thiệt

Những “hiệp định thương mại khác” mà Bộ Thương mại TQ đề cập chắc chắn không nằm ngoài các sáng kiến của chính Bắc Kinh.

Khởi động từ năm 2012, RCEP được đánh giá là câu trả lời của Bắc Kinh trước TPP. Sự chồng chéo về mặt thành viên giữa RCEP và TPP được cho là sẽ giảm thiểu các tác động tiêu cực của TPP đối với TQ.

TQ vẫn còn một con bài nữa, đó là FTAAP. Về chủ thể, FTAAP còn tham vọng hơn TPP, bao gồm toàn bộ các quốc gia APEC, nghĩa là bao hàm các quốc gia TPP hiện tại, cộng thêm Nga và TQ. Sáng kiến này được đưa ra tại APEC ở Hà Nội từ năm 2006. Tuy nhiên, cũng ít có khả năng Bắc Kinh tự dẫm chân mình với thêm một sáng kiến FTA nữa.

Với TQ, FTA đa phương không phải là tất cả. Ngay trong năm 2015, TQ đã hoàn tất BTA lần lượt với Hàn Quốc và Australia.

Đối tác đáng chú ý nhất của TQ trong chuỗi phản ứng này phải kể đến EU–một đối tượng chịu ảnh hưởng khác từ TPP. Giữa hai chủ thể này chưa diễn ra đàm phán FTA, nhưng một hiệp định đầu tư song phương (BIA) hiện đã đang trong quá trình đàm phán, dự định kết thúc vào cuối năm 2016. Trước đó, Bắc Kinh đã bày tỏ mong muốn đàm phán FTA với EU khi ông Tập Cận Bình thăm châu Âu hồi tháng 3/2014.

Với việc TPP hoàn tất đàm phán, các xu hướng này được dự đoán sẽ được đẩy mạnh.

Cũng phải kể đến những đòn bẩy phi thương mại đang được TQ thúc đẩy mạnh mẽ là: Siêu dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặt dưới tên Một vành đai-Một con đường đang được cụ thể hóa, với các mảng miếng ngày càng rõ nét, như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Cơ sở hạ tầng (AIIB); Quỹ Con đường Tơ lụa và Hành lang kinh tế TQ-Pakistan…

Gần đây, TQ cũng thuyết phục được Nga là một phần của đại dự án này, thông qua việc lồng ghép vào hai kênh đáng chú ý là Liên minh kinh tế Á-Âu và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Một số các sáng kiến thuộc siêu dự án này thậm chí đã nhận được sự ủng hộ của một số đồng minh của Mỹ và EU.

Các đáp trả của TQ không phải đợi đến khi TPP hoàn tất mới bắt đầu diễn ra. Thực tế, đại chiến lược cơ sở hạ tầng của TQ đã có những diễn biến thực chất, trong khi TPP vẫn còn phải chờ phê duyệt của nhánh lập pháp ở tất cả các nước thành viên.

TQ vẫn để ngỏ khả năng tham gia TPP. Dù vậy với sự chủ động hiện có, TQ hoàn toàn có đủ thời gian để chờ đợi cho đến khi họ tự tin đáp ứng các tiêu chuẩn của TPP mà không lo phải chịu phần thiệt của kẻ đến sau.

Nguyễn Vũ Nhật Anh

·        Tác giả Nguyễn Vũ Nhật Anh là nghiên cứu viên, cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.