Hy vọng sự mẫu mực, thành quả cải cách tư pháp của phiên tòa Phương Nga – Toàn Mỹ sẽ không còn là “trường hợp cá biệt” trong thời gian không xa.

Những ngày qua, dư luận xã hội với đủ mọi thành phần đều dồn sự quan tâm vào từng nhịp điệu diễn biến của phiên tòa Trương Hồ Phương Nga – Cao Toàn Mỹ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng dưới góc nhìn của người viết, thỏi nam châm mạnh nhất khiến dư luận dõi theo vụ án đến từ sự hấp dẫn vốn có một phiên tòa tranh tụng văn minh và mẫu mực.

Điển hình cho thành quả cải cách tư pháp

Đã từ lâu rồi, người dân dường như hờ hững với không khí của các phiên tòa hình sự tại Việt Nam. “Án tại hồ sơ” hay “án bỏ túi” là điều mà người ta luôn nghĩ về các phiên tòa chốn công đường. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong vài ngày qua tại phiên tòa xét xử bị cáo Trương Hồ Phương Nga lại khiến dư luận có những cái nhìn khác đi theo chiều hướng tích cực hơn.

Theo dõi xuyên suốt những phiên xét xử, ai cũng phải thừa nhận rằng đây quả thật là một phiên tòa mà tất cả các bên liên quan đều giữ đúng vai trò mà luật pháp trao cho họ. Quyền uy nhà nước được thể hiện đúng mực và vừa vặn.

Chủ tọa đã có những phiên điều hành phiên tòa rất khách quan, tỉnh táo và tạo được bầu không khí dân chủ trong xét hỏi, tranh luận. Cách làm việc của Hội đồng xét xử (HĐXX) thể hiện rõ tâm thế chủ động lắng nghe. Chính vì thế mà các bị cáo, luật sư đã có cơ hội nêu được trọn vẹn những luận cứ, luận chứng để bảo vệ quan điểm.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Đại diện Viện kiểm sát thực hiện đúng vai trò công tố buộc tội và thể hiện quyền uy kiểm sát hoạt động tư pháp rất chừng mực. Bởi đa phần trong những phiên tòa hình sự, kiểm sát viên mang nhận thức và tư duy mình có quyền năng cao hơn, đứng trên các chủ thể khác trong phiên tòa.

Điểm trọng tâm của phiên tòa lại được tập trung vào vai trò của những người bào chữa, các bị cáo và nhân chứng. Điều này là một tín hiệu chuyển biến mạnh mẽ về tính chất đáo tụng đình tại Việt Nam, chuyển từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng. Với mô hình tranh tụng, các luật sư, bị cáo, nhân chứng được biểu đạt tối đa quan điểm, ý chí của mình trong phạm vi quyền được luật định.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã được HĐXX chấp nhận và tôn trọng quyền im lặng và quyền bào chữa. Quyền im lặng là một thành tựu của nền tư pháp nhân loại và đã được ghi nhận tại Việt Nam vào Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015.

Dẫu còn nhiều tranh cãi về việc áp dụng quyền này của bị cáo Phương Nga tại phiên tòa, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc HĐXX chấp nhận quyền này của bị cáo tại phiên tòa là một sự thay đổi tư duy rất mạnh mẽ. Bị cáo hoàn toàn được tôn trọng và đã không bị đối xử như một người đã có tội. Ở đây, nguyên tắc suy đoán vô tội trong hình luật đã thể hiện rất rõ.

Không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của những người bào chữa và các nhân chứng tại tòa. Thời lượng chính của những phiên xét xử những ngày qua thuộc về luật sư của các bên. Những phiên xét hỏi được tiến hành đến nơi đến chốn, không bị ngắt lời và được điều tiết hợp lý bởi chủ tọa. Quyền tranh tụng được phát huy tối đa giữa các luật sư lẫn bị cáo. Rõ ràng nguyên tắc hiến định về tranh tụng trong xét xử đã được bảo đảm.

{keywords}
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho bị cáo Phương Nga) thẩm vấn người làm chứng Lữ Minh Nghĩa. Ảnh: VietNamNet

Điều này thật sự có ý nghĩa. Bởi lẽ tranh tụng trong xét xử đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động tư pháp. Tranh tụng là một phương tiện hữu hiệu và văn minh để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Mặt khác, tranh tụng còn là cách thức nâng cao nhận thức của các bên về quyền và nghĩa vụ, tạo ra môi trường dân chủ bình đẳng trong quan hệ tố tụng. Thêm vào đó, tranh tụng buộc các chủ thể có thẩm quyền từ điều tra viên, kiểm sát viên, HĐXX phải nâng cao năng lực, trình độ để hạn chế sự chủ quan, duy ý chí, tùy tiện trong việc thực hiện công vụ tư pháp, phòng chống tội phạm.

Điểm nổi bật cần phải kể đến đó là những chứng cứ và vấn đề chứng minh tại tòa. Ngay tại công đường, hàng loạt tài liệu, dữ liệu mới đã được trình nộp bởi nhân chứng và luật sư các bên. Những nhân chứng lần lượt được triệu tập đến tòa và đưa ra nhiều lời khai quan trọng.

Nhiều thông tin được cung cấp khác biệt thậm chí trái ngược với kết luận điều tra. Tất cả đều được HĐXX tiếp nhận và xem xét. Kết quả của việc này đó là kết luận của HĐXX được tuyên vào cuối phiên xét xử ngày 29/6 vừa qua. Với kết quả xét hỏi, tranh tụng cũng như thông tin, dữ liệu các bên cung cấp, HĐXX đã không tuyên bị cáo có tội và trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Bởi lẽ còn quá nhiều điều chưa rõ ràng trong tình tiết, nội dung vụ án.

Nhận định của HĐXX được đánh giá là rất hợp lý, hợp tình. Chỉ cần còn một điểm nghi ngờ được cho là hợp lý về hành vi phạm tội của bị cáo thì vẫn chưa thể kết tội kẻ tình nghi là một tinh thần nhân văn và tiến bộ trong nguyên tắc suy đoán vô tội.

Điều cuối cùng người viết muốn hướng đến đó là tính minh bạch của phiên tòa. Cửa công đường đã mở để sự uy nghiêm và công lý được lan tỏa. Phòng xét xử lúc nào cũng kín người tham dự. Hàng loạt phóng viên báo đài đã có mặt đưa tin từng diễn biến của phiên tòa. Dường như phiên tòa được đặt dưới sự giám sát của hàng triệu người trên khắp đất nước. Nguyên tắc xét xử công khai cũng như tính uy nghiêm cần có của HĐXX đều được đảm bảo.

{keywords}
Phương Nga được HĐXX cho đọc lại lời khai tại cơ quan điều tra. Ảnh: VietNamNet

Que diêm và ánh sáng

Không ai có thể phủ nhận được những điều tích cực của phiên tòa vừa diễn ra dẫu nó vẫn còn tiếp diễn và kết quả ra sao sẽ còn là ẩn số. Tuy nhiên, chỉ riêng một phiên tòa mẫu mực không đủ sức làm cho một nền tư pháp trở nên văn minh và tiến bộ.

Hàng ngày vẫn có hàng chục, hàng trăm phiên tòa hình sự diễn ra, nhưng có bao nhiêu vụ việc không có báo đài đưa tin, không có dư luận giám sát, bình luận? Liệu những gì tích cực của “phiên tòa Nga – Mỹ” được tái tái hiện đến mức nào ở những phiên tòa đó? Có bao nhiêu bị cáo biết và được sử dụng quyền im lặng của mình trước cơ quan điều tra? Có bao nhiêu luật sư được thể hiện năng lực để bảo vệ thân chủ? Có bao nhiêu HĐXX lắng nghe tiếng nói của các bên? Hàng loạt câu hỏi này vẫn còn đang bỏ ngỏ!

Ánh sáng của que diêm sẽ sớm lụi tàn nếu như không được truyền đi và tạo nên nguồn sáng lớn hơn. Người viết hy vọng, sự mẫu mực của phiên tòa này sẽ không còn là “trường hợp cá biệt” trong thời gian không xa.

Lưu Minh Sang, Giảng viên Đại học Kinh tế - Luật, TP.HCM