- Nhà văn Phan Thị Vàng Anh có lần nói với tôi rằng, bảo mạng xã hội là thế giới ảo không đúng; ngược lại, phải gọi đó là thế giới thật, thậm chí rất thật vì nhiều người khi lên mạng đã bộc lộ những điều khác hẳn con người thực lúc đời thường mà họ không thể hiện ra hoặc cố tình giấu đi...

Trong tuần qua trên nhiều tờ báo và diễn đàn mạng xã hội nóng hừng hực các vụ việc: Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân gặp rắc rối với người bán cà phê khi đi ăn trưa đã đỗ xe ô tô ở chỗ không phù hợp; Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu chậm làm thủ tục chứng tử cho người dân khiến đám tang bị chậm một ngày; và tổ công tác kiểm tra an ninh, trật tự khu vực đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm bị cho là đã nạt nộ khiến nghệ sĩ vi-ô-lông nhí (có nhận tiền của khách qua đường) phát khóc… 

 

{keywords}
Bảo mạng xã hội là thế giới ảo không đúng; ngược lại, phải gọi đó là thế giới thật, thậm chí rất thật vì nhiều người khi lên mạng đã bộc lộ những điều khác hẳn con người thực lúc đời thường mà họ không thể hiện ra hoặc cố tình giấu đi...

 

Ai đúng ai sai, đến bây giờ gần như đã sáng tỏ, nhưng những sự việc này có một điểm chung đều do “nạn nhân” (xin tạm gọi như vậy) đưa thông tin lên facebook, rồi từ đó chúng lan truyền với tốc độ chóng mặt. Cả ba trường hợp đều thuộc tình huống “nhạy cảm”, phải chăng vì thế đã gây những dư luận trái chiều, đa số chỉ trích, phê phán hành vi của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Hai trường hợp đầu, thái độ của những người cầm cân nảy mực khi giao tiếp với người dân rất đáng lên án. Chỉ đáng tiếc là những xung đột vốn không lớn, nếu các bên biết kiềm chế, bình tĩnh xử lý thì sẽ được giải quyết ấm êm, vậy mà khi "lên mạng" đã thành to chuyện với nhiều nghi ngờ, suy diễn khiến lãnh đạo thành phố Hà Nội phải vào cuộc chỉ đạo giải quyết. Trường hợp thứ ba, tốn nhiều thời gian, nước mắt và "màn hình" (chứ không phải giấy mực nhé) hơn cả hoá ra chỉ vì người mẹ bức xúc, bênh con thái quá mà thông tin sai lệch. Tuy sau đó chị đã xin lỗi nhưng hành động nóng vội này không phải ai cũng dễ thông cảm. Hậu quả là, những tờ báo vội vàng đưa tin sai đã phải gỡ bài. Nhiều facebooker mau nước mắt đã phải xin lỗi cộng đồng mạng. 

Gần đây người ta hay nói đến một thực tế là mạng xã hội đang ngày càng "dẫn dắt" thông tin báo chí và dư luận. Khá nhiều phóng viên, toà báo coi facebook là nguồn tin khai thác hằng ngày. Điều đó không sai, có thể coi là sự ưu việt của mạng xã hội, nhưng nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ... sai. Thông tin đưa lên mạng là của "cha chung", ai cũng có thể tiếp cận. Nếu thận trọng quá, dễ thành kẻ chậm chân nhưng vội vàng quá sẽ có thể bị hố, bởi đó là thông tin chưa kiểm chứng. 

Thực tế thời gian qua nhiều tờ báo đã phải nếm quả đắng khi quá tin vào các facebooker, vội vã khai thác và truyền đi những thông tin sai lạc. Có thể kể ra những vụ việc nhãn tiền như siêu xe hạng sang ở thành phố Cần Thơ, thực ra chỉ là xe đồ chơi; vụ tung tin máy bay rơi ở sân bay Nội Bài để câu like v.v... Kết quả là buộc phải gỡ bài, thậm chí xin lỗi, đền bù thiệt hại cho đương sự; những người dọn bữa tiệc đắng cho phóng viên chuyên săn tin trên mạng cũng bị xử lý hành chính, phạt tiền. Mới nhất là vụ việc có người bị phạt 5 triệu đồng vì tung tin "sờ ngực từ thiện"...

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh có lần nói với tôi rằng, bảo mạng xã hội là thế giới ảo không đúng; ngược lại, phải gọi đó là thế giới thật, thậm chí rất thật vì nhiều người khi lên mạng đã bộc lộ những điều khác hẳn con người thực lúc đời thường mà họ không thể hiện ra hoặc cố tình giấu đi...

 

{keywords}
 

Cháu V.D.H.N. chơi đàn ngoài phố. Ảnh: nld

 

Quan sát trên mạng và so sánh với đời thực thì thấy nhận xét của nhà văn quả rất tinh. Một số người vốn được cho là khiêm tốn, nhã nhặn bất ngờ bộc lộ cách hành xử kiêu căng, hợm hĩnh, mục hạ vô nhân. Người hiền lành, khôn ngoan, cẩn trọng trong mắt hàng xóm, đồng nghiệp bỗng trở nên ngoa ngoắt, bồng bột, cảm tính. Thậm chí có những kẻ thường rao giảng đạo lý nhưng lời nói, thái độ trên facebook cá nhân vô cùng phản cảm, khó lường. Gặp điều không ưng ý, khi đưa thông tin lên mạng, họ cố tình lược bớt cái sai của mình, chỉ tập trung vào cái sai của người khác, hướng người đọc tới cách nhìn có lợi cho bản thân. Từ vị trí “nạn nhân”, họ đã đẩy “thủ phạm” vào vị trí của mình, thành nạn nhân của dư luận. Thành ngữ có câu: chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết!

Điều đã từng được dư luận nhiều lần đề cập đến, nhưng qua các vụ việc vừa xảy ra chúng ta nhắc lại một cách nghiêm khắc cũng không thừa, đó là thái độ và trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội. Đây là một thế giới ảo... rất thật, như cuộc đời này vậy. Ở đó có cả chính – tà cũng như ranh giới mong manh giữa chính và tà; có cả sự thật và giả dối, ánh sáng và bóng đêm, điều thiện lương và sự tăm tối... Không phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội, nhưng cần có nhận thức đầy đủ về những mặt trái của nó. 

Facebook không phải là “nhà riêng của tôi, tôi muốn nói gì thì nói” như ai đó từng ngụy biện mà đích thực là địa chỉ liên thông mang tính toàn cầu. Nếu sử dụng đúng, mạng xã hội có thể trở thành “tai mắt” của người dân với chức năng thông tin, giám sát, cảnh báo cái sai, cái xấu và làm lan tỏa những điều có ích, tốt đẹp trong xã hội. Nhưng nếu thiếu sự tỉnh táo, khách quan để cho sự cảm tính, chủ quan, nông cạn lấn át sẽ đẩy những chuyện bé xé ra to, đưa dư luận đi quá xa, dẫn đến những hậu quả khó lường cho xã hội, trong đó chính những cư dân mạng cũng phải gánh chịu hậu quả.

Hoàng Hường - Mỹ Hòa