Hình hài Khu đô thị sáng tạo của TP.HCM ra sao trong hình dung và phác thảo của các chuyên gia?   

LTS: Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng nhấn mạnh: “Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.” 

Theo đó, thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo TPHCM tích hợp các quận 9 (Khu công nghệ cao), quận 2 (Khu đô thị mới với trung tâm tài chính Thủ Thiêm), quận Thủ Đức (12 trường đại học với trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên). 

Chỉ còn ít ngày nữa TP.HCM sẽ kỷ niệm 43 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những kỳ vọng về một thành phố đầu tàu ngày càng năng động, tiên phong sẽ được gửi gắm thế nào vào dự án này?  

{keywords}
Hình ảnh năng động của TP.HCM

Khu đô thị sáng tạo (Innovation District) là một ý tưởng tổ chức đô thị mới xuất hiện trong những năm gần đây, trước tiên từ những thảo luận trong giới nghiên cứu chính sách tại Mỹ. Những khu đô thị này, theo nghiên cứu tiên phong của Viện Brookings, “là những khu vực địa lý (trong đó) bao gồm các trường - viện hàng đầu cùng với các doanh nghiệp kết nối với các khởi nghiệp, các vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp. Những khu đô thị này thường có quy mô nhỏ, giao thông thuận tiện với cơ sở hạ tầng kết nối hiện đại cung cấp không gian văn phòng, nhà ở, lẫn mua sắm”. 

Mô hình này đã được nhân rộng và triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Đông Nam Á, tháng 11/2016, Chính phủ Singapore công bố đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo Jurong (Jurong Innovation District) với mục tiêu kết nối các nhà nghiên cứu, sinh viên, các nhà sáng tạo và doanh nghiệp cùng nghiên cứu các sản phẩm - dịch vụ cho tương lai. 

Tháng 1/2018, Đại học Chulalongkorn danh giá của Thái Lan cũng công bố dự án Khu đô thị sáng tạo Siam (Siam Innovation District) nằm trong lòng thủ đô Bangkok nhằm tạo một hệ sinh thái đa dạng cho công tác đổi mới sáng tạo, bao gồm cả các sáng kiến phục vụ dân sinh và nông nghiệp. 

Hình hài của khu đô thị này ra sao trong hình dung và phác thảo của các chuyên gia? 

Muốn thành công, cần sự hỗ trợ về thể chế

- PGS. TS. Võ Trí Hảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM:

Đô thị sáng tạo (ĐTST) cần một không gian sáng tạo, và một quy trình thúc đẩy những ý tưởng mới, cũng như khả năng đưa các ý tưởng đó vào cuộc sống. Với hai đặc điểm trên, ĐTST muốn thành công, cần sự hỗ trợ về mặt thể chế. 

Thứ nhất, quy chế cấp phép tổ chức các hội thảo khoa học cần phải được giải phóng khỏi các thủ tục hành chính dài dòng. Theo đó, trưởng khu ĐTST đồng ý là đủ; tương tự như vậy đối với vấn đề Visa và lưu trú đối với các nhà khoa học nước ngoài khi đến dự hội thảo, nghiên cứu, hợp tác tại ĐTST. 

Thứ hai, chính quyền của ĐTST cần trở thành khách hàng đầu tiên ứng dụng các sản phẩm của những con người sáng tạo trong ĐTST, để tạo cú hích thị trường và cho thấy chính quyền ĐTST sẵn lòng tự nguyện trở thành “phòng thí nghiệm” cho các ý tưởng sáng tạo mới. Ví dụ như muốn thử nghiệm xe tự hành cấp độ 5 thì với quy định của pháp luật giao thông đường bộ là không thể; nhưng nếu cho phép ngoại lệ, thì lại có thể dễ dàng được cấp phép trong ĐTST. 

Thứ ba, trong bối cảnh TPHCM đi sau Singapore, Thẩm Quyến trong khu vực và quan trọng hơn, nếu ĐTST tại TPHCM thành công sẽ có tác động lan tỏa, thì chính quyền TPHCM cần xin Quốc hội cho phép miễn giảm thuế đối với việc nhập khẩu một số thiết bị công nghệ cao trong 20 năm đầu phát triển ĐTST. 

Thứ tư, để tạo nên một không gian đáng sống cho không chỉ các kỹ sư mà cả gia đình kỹ sư tài năng, cần có cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, xã hội như bệnh viện cao cấp, trường học cao cấp, khu vực vui chơi giải trí cao cấp... 

Vì nếu có ĐTST nhưng các kỹ sư sáng tạo không mang gia đình đến sống, mà họ đến Singapore, Thẩm Quyến hay đi xa hơn nữa - sang Silicon Valley... là chúng ta thất bại và lãng phí lớn vì sự đầu tư không đồng bộ; giống như tốn tiền xây nhà yến, chỉ còn mỗi công đoạn cuối cùng trục trặc mà yến không về, thì cả nhà yến đó trở thành phế thải, hoang phí.

{keywords}
 

Bốn cách tiếp cận để thiết kế hình hài 

- TS. Trương Minh Huy Vũ (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM: 

Trên căn bản, có ít nhất bốn cách tiếp cận khác nhau, nhưng bổ sung lẫn nhau, để thiết kế nên hình hài của khu ĐTST phía Đông TPHCM: 

Thứ nhất, tiếp cận liên hợp: Các dự án phức tạp đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa nhiều bên liên quan khác nhau, cả từ các chuyên gia trong lĩnh vực công, lẫn các nhà nghiên cứu, khu vực tư nhân, cộng đồng, các hội đoàn, và những sáng kiến cá nhân. Lồng ghép chuyên môn và các nguồn lực từ mọi thành phần để hình thành nên một liên hợp có thể giúp đạt được các mục tiêu của địa phương và khu vực. 

Thứ hai, hình thành một kế hoạch tổng thể và đưa kế hoạch đó vào chương trình nghị sự. TPHCM có thể dẫn dắt bằng việc tập hợp các chương trình nghị sự xoay xung quanh khu ĐTST phía Đông, đặt nó vào trọng tâm của các nguồn lực. Chẳng hạn như các chương trình về thành phố thông minh, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; khởi nghiệp sáng tạo; phát triển du lịch. Phương thức này cùng thực hiện song song với cách tiếp cận thứ nhất qua việc đặt ra các đầu bài cho giới nghiên cứu, doanh nghiệp, hội đoàn và các sở ban ngành trực tiếp. 

Thứ 3, phân tích các trường hợp nghiên cứu điển hình của các thành phố tương tự. Các bên liên quan có thể tiến hành một phân tích các khu sáng tạo đã thành công trên thế giới, hay đang tiến hành. Ở Mỹ có khu sáng tạo thành phố Boston hay khu thành phố đại học Philadelphia. Ở châu Âu có khu 22@Barcelona tại Tây Ban Nha hay khu Imperial West tại London. Ở Đông Nam Á có khu Jurong (Jurong Innovation District) của Singapore hay dự án Khu đô thị sáng tạo Siam (Siam Innovation District) tại Bangkok, Thái Lan. Bài học hay - dở của bạn đều là kinh nghiệm cho khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM. 

Thứ tư, thí điểm để triển khai dự án. Tìm kiếm các cơ hội để thí điểm các mô hình hoạt động ở nhiều mức độ khác nhau, không những ở mức quy mô lớn, mà còn ở mức quy mô nhỏ có tính chất sáng kiến. Cần tính toán đến một cơ chế tiếp cận những sáng kiến này đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, giới khởi nghiệp và cả cơ quan nhà nước để các bên có thể cùng tham gia xây dựng một chiến lược phát triển chung.

Là môi trường thúc đẩy khởi nghiệp 

- Ông Nguyễn Đỗ Dũng, nhà quy hoạch chính, tư vấn viên CPG và Sáng kiến Việt Nam, Singapore:

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp thì cần nhất là chi phí thấp (chi phí thuê văn phòng và thuế) và hỗ trợ khởi nghiệp (bản quyền trí tuệ, vốn, dịch vụ doanh nghiệp). Điều này nghĩa là văn phòng cho doanh nghiệp khởi nghiệp thuê phải có chi phí đầu tư thấp và các doanh nghiệp này cần được tương tác thường xuyên với các doanh nghiệp hỗ trợ hoặc các doanh nghiệp đã thành công. Các khu khởi nghiệp của đô thị phía Đông TPHCM cần đa dạng hình thức cho thuê và sử dụng đất. 

Làm khởi nghiệp và công nghệ có rủi ro lớn và khả năng thành công thấp hơn các loại hình khác, nên cần sự ưu đãi và linh động về chính sách của Nhà nước. Như trong trường hợp Singapore làm Khu công nghệ cao One north (giáp NUS), họ cho phép nhà đầu tư (doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu) có “hạng mục” nhà ở để bán nhằm cân bằng tài chính. Ngoài ra, có thể xin chính sách cho phép có sự ưu đãi với doanh nghiệp nội khu trong các hoạt động đấu thầu của Đại học Quốc gia TPHCM hoặc chính quyền thành phố về cung cấp giải pháp công nghệ. 

Trên căn bản là cần có các quy định về loại hình doanh nghiệp được đặt văn phòng trong các khu vực sáng tạo đã được thiết kế và quy hoạch. Để thu hút đầu tư thì cần có chính sách/ưu đãi hấp dẫn và chứng minh rằng mình đã có một hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan tại chỗ và trong vùng. Việc thu hút các tổ chức đào tạo cũng rất phù hợp vì Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có thể sử dụng Anh ngữ, trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Nguyễn Thắng

"Lên tàu từ TP Hồ Chí Minh, ngủ một đêm và tỉnh dậy ở Yangon"

"Lên tàu từ TP Hồ Chí Minh, ngủ một đêm và tỉnh dậy ở Yangon"

“Hãy tưởng tượng bạn lên tàu từ Thành phố Hồ Chí Minh, ngủ một đêm và tỉnh dậy đã ở Bangkok, hay ở Yangon”.

Nhiều người giàu cực nhanh sau khi vào Sài Gòn sinh sống

Nhiều người giàu cực nhanh sau khi vào Sài Gòn sinh sống

TPHCM là một hệ sinh thái sống động có sức khuyến tạo đặc sắc. Tôi có nhiều người bạn đã gặt hái nhiều thành công sau khi chuyển vào sinh sống tại TPHCM.

Một Sài Gòn cũ đang lột xác mạnh mẽ

Một Sài Gòn cũ đang lột xác mạnh mẽ

 Mình phải làm gì để 40 năm sau, đổi thay mình mang đến phải để lại một ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ? Câu hỏi, tôi được phép dành cho riêng tôi? Hay hy vọng chạm đến mọi người?