-Trước những bất cập của mô hình đầu tư xây dựng – chuyển giao (BT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu nâng cấp lên thành Luật Đầu theo hình thức đối tác công tư (PPP) từ cấp nghị định hiện nay.

Bài 1: Câu hỏi khó: Nhà nước được lợi không, dân được lợi không?

Vào trung tuần tháng Sáu, khi Hà Nội công bố những dự án BT quy mô lớn, trên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lặng lẽ xuất hiện một đề án tham vọng nhằm xây dựng Luật đầu tư PPP.

Dự luật này sẽ được nâng cấp lên từ các nghị định liên quan do Bộ này phát hiện được những lỗ hổng “chết người” trong các văn bản dưới luật. Một quan chức của Bộ này thổ lộ: “Khi chúng tôi soạn thảo về Nghị định 15 thì vướng một số rào cản, ví dụ giá đất bị ém xẹp xuống tối đa trong khi giá công trình thì thổi phồng  lên”.

Quan chức này nói thêm: “Tình trạng chỉ định thầu đối với các dự án BT là tràn lan trong thời gian qua. Nó dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án”.

Theo Bộ này, bất cập chủ yếu trong mô hình đầu tư BT là việc xác định tổng mức đầu tư công trình và giá trị quỹ đất chưa chính xác dẫn đến sự chênh lệch quá lớn giữa 2 giá trị đất đai và công trình.

{keywords}
"Chúng ta có thể lựa chọn đấu giá đất để thực hiện dự án như thông thường để mang lại tính kinh tế và hiệu quả cao hơn". Ảnh: Huy Hùng

Thật đáng tiếc, trong khi khuôn khổ luật pháp còn mù mờ, thì hình thức đầu tư này đã trở nên lấn át toàn bộ các hình thức đầu tư đối tác công tư khác.

Tính trên địa bàn cả nước, số dự án BT vẫn vượt trội với 256 dự án, cao hơn rất nhiều so với 87 dự án BOT, 6 dự án BLT, 11 dự án BTO và 1 dự án BOO.

Từ số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xuất hiện câu hỏi, vì sao mô hình BT lại lấn át tất cả các mô hình đầu tư PPP khác?

Kiểm toán Nhà nước là nơi có câu trả lời tương đối rõ ràng.

Một báo cáo của cơ quan này cho biết, một số dự án BT được thanh toán bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Ngay sau khi dự án được phê duyệt và phân bổ, chinh quyền địa phương nhanh chóng dùng tiền này chi trả cho các nhà đầu tư ngay trong quá trình đang thi công.

Chẳng hạn, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Phủ Lý – Mỹ Lộc có giá trị nghiệm thu là hơn 1.415 tỷ đồng, trong khi giá trị giải ngân vốn từ ngân sách nhà nước là hơn 1.459 tỷ đồng.

Dự án cái tạo nâng cấp đường 38B đoạn từ thị trấn Thanh Nê huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điến huyện Thái Thụy (năm 2016) có giá trị nghiệm thu hơn 1.359 tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách đã chiếm tới 1.332 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (năm 2017) có giá trị nghiệm thu là 4.280 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 1.492 tỷ đồng.

Trong các trường hợp trên, hình thức thanh toán rõ ràng là đầu tư công nhưng lại dưới mác hợp đồng BT.

Chuyên gia Trần Minh Tiến, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đặt câu hỏi: “Phải chăng đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công - tư đã bị biến tướng thành công – công?”

Ông nói: “Thay vì phải kiểm soát quản lý chặt chẽ như đầu tư công, cơ quan chức năng lại nới lỏng, phó mặc cho nhà đầu tư”.

Lỗi không chỉ xảy ra ở những dự án BT được thanh toán bằng trái phiếu chính phủ hay ngân sách nhà nước mà còn xảy ra ở hàng loạt các công trình BT đổi đất lấy hạ tầng.

Dự án BT xử lý nước thải Yên Sở sau khi kiểm toán bị Kiểm toán Nhà nước đề nghị ghi giảm quyết toán tương đương 61,9 triệu USD.

Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Nội đã phát hiện và kiến nghị giảm trừ 18 tỷ đồng trên tổng số chi phí đầu tư được kiểm toán 1.664 tỷ đồng.

PGS.TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V cho biết, việc thanh toán bằng đất cũng thường chỉ chiếm một phần, không quá 50% vốn Nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án, phần còn lại chủ yếu vẫn từ NSNN hoặc Trái phiếu chính phủ.

“Chúng ta có thể lựa chọn đấu giá đất để thực hiện dự án như thông thường để mang lại tính kinh tế và hiệu quả cao hơn“, ông khuyến nghị trong một hội nghị về đầu tư BT do cơ quan kiểm toán tổ chức.

Ông nhận xét, trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi phê duyệt và thẩm định không rõ ràng, các dự án được thực hiện không thông qua đấu thầu đã làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch trong thực hiện dự án, quyền sử dụng đất không được xác định chính xác và đầy đủ…

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội thì chỉ có tới 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và cả 15 dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau.

Theo tài liệu của Kiểm toán Nhà nước, dự án BT xây dựng đường trục phía nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư với 41 Km đường từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín); Nhà nước sẽ trả cho nhà đầu tư các khu đất để phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng. Sau 9 năm thực hiện, chủ đầu tư mới chỉ xây dựng được 12 km đường trong  khi họ đã được giao đất để phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng, và rồi bán lại đất Thanh Hà cho chủ đầu tư khác.

{keywords}
Việc thanh toán bằng đất cũng thường chỉ chiếm một phần, không quá 50% vốn Nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án, phần còn lại chủ yếu vẫn từ NSNN hoặc Trái phiếu chính phủ. Ảnh: TTXVN

Tháng 01/2008, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường khởi công xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông dài hơn 5km, tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Cùng năm này, Hà Nội đã bố trí hơn 197ha để nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng là Khu đô thị Dương Nội ở Hà Đông, Hà Nội.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trong một hội nghị về chủ đề BT cho biết thêm, tại thời điểm bàn giao quỹ đất, cơ quan chức năng áp giá đất với nhà đầu tư khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông được hoàn thành, giá đất tại đây đã lên mức 30-40 triệu đồng/m2.

Ở các địa phương khác cũng có tình trạng tương tự. Ở Hạ Long năm 1997, Công ty TNHH Âu Lạc do ông Đào Hồng Tuyển làm Chủ tịch HĐQT đã đầu tư 80 tỷ đồng xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lấy 98 ha đất trên đảo này.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhận xét, nhiều dự án không nằm trong quy hoạch, chưa xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và xã hội mà trước hết nhằm phục vụ “lợi ích của nhà đầu tư”.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỷ đồng đối với 21 dự án BT, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng). “Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao nên dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án, chất lượng dự án kém”, cơ quan này cho biết.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đang xây dựng luật PPP cũng đã nhận thức được vấn đề này trong bối cảnh đất đai ngày càng khan hiếm.

Vị quan chức của Bộ này, người có liên quan đến dự luật đang được soạn thảo cho biết, riêng hình thức BT sẽ được quy định trong một chương riêng và chỉ cho đấu thầu sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

“Nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất lớn và Nhà nước không thể đáp ứng được. Vì thế, Nhà nước phải huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân. Song, hệ thống luật pháp hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Dự luật sẽ phải quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và nhà nước rất rõ ràng, minh bạch”, quan chức này cho biết.

Tư Giang

Cho thuê đất 99 năm: "Đại bàng" ba đời xây ổ

Cho thuê đất 99 năm: "Đại bàng" ba đời xây ổ

Quy định thời hạn cho thuê đất kéo dài lên đến 99 năm, hoàn toàn có thể biến chủ thuê đất trở thành “lãnh chúa” trong địa hạt của mình.

Nếu công chức làm công tâm, đã không thất thoát đất công

Nếu công chức làm công tâm, đã không thất thoát đất công

Tới đây, khi đất công phải lên sàn giao dịch điện tử, mọi cuộc mua bán phải qua đấu giá, con người không thể can thiệp được thì sẽ tránh được những câu chuyện như Vũ Nhôm.

Đất công bắt buộc phải lên sàn giao dịch điện tử

Đất công bắt buộc phải lên sàn giao dịch điện tử

Đất công sẽ lên sàn giao dịch điện tử để minh bạch việc mua bán, chuyển nhượng đất công hiện nay.

Thất thoát lớn nhất ở tài sản quốc gia là đất đai

Thất thoát lớn nhất ở tài sản quốc gia là đất đai

Thất thoát lớn nhất đối với tài sản quốc gia chính là tài sản về đất đai. Đây có thể nói là một tệ nạn quốc gia, sờ đâu sai đó.

Đất công bán rẻ: Cấp nào quản lý, cấp ấy phải chịu trách nhiệm

Đất công bán rẻ: Cấp nào quản lý, cấp ấy phải chịu trách nhiệm

Thất thoát lớn nhất đối với tài sản quốc gia chính là tài sản về đất đai. Theo cơ chế phân cấp hiện nay trong luật định, tài sản do cấp nào quản lý, cấp đó quyết định và phải chịu trách nhiệm về các vấn đề có liên quan.

Trăn trở của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về cải cách đất đai

Trăn trở của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về cải cách đất đai

Chia sẻ về cải cách đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh quá trình tích tụ đất đai trước tiên phải bảo vệ được quyền lợi của người nông dân.