“Việt Nam (VN) cần nhập khẩu nhiều từ phía  Trung Quốc (TQ), nhưng liệu VN có đủ hàng hóa để xuất khẩu sang TQ hay không. Vừa rồi, hai bên đã bàn bạc với VN cụ thể hơn về các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương. Họ cam kết sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa VN có thể xuất khẩu sang TQ. Họ cử hẳn một trợ lý bộ trưởng thương mại tập trung vào việc phối hợp với VN nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM) của VN”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

LTS: Cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn nhanh với Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải về việc thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc.

Thưa ông Đỗ Thắng Hải, theo báo chí đưa tin, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương. Vậy hai bên đã bàn thảo những biện pháp nào để hạn chế nhập siêu của VN từ phía TQ đã tăng cao, ví dụ nhập siêu từ Trung Quốc (năm 2015) là 32,3 tỉ USD, tăng 12,5% so với 2014?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: VN cần nhập khẩu nhiều từ phía TQ, nhưng liệu VN có đủ hàng hóa để xuất khẩu sang TQ hay không, có đáp ứng được nhu cầu của thị trường TQ hay không là một vấn đề khác. Trong chuyến đi này kể cả lãnh đạo cấp cao lẫn Bộ Thương mại TQ đã bàn bạc với VN cụ thể hơn về các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương. Họ cam kết sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa VN có thể xuất khẩu sang TQ:

Thứ nhất, tạo điều kiện để VN tiếp tục mở các văn phòng XTTM tại các địa phương. Hiện nay VN mới mở văn phòng XTTM ở Trùng Khánh, và sẽ tiếp tục mở thêm ở Tứ Xuyên, Chiết Giang hay Giang Tô. Đó là cách tốt nhất để VN tiếp cận với thị trường TQ.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải

Thứ hai, thúc đẩy các điều kiện cho hàng hóa của VN vào TQ. Từ năm 2013 VN đã ký với TQ bản ghi nhớ về hợp tác thương mại trong nông sản. Về biên mậu TQ sẽ giúp VN trong việc thỏa mãn các điều kiện để nông sản VN có thể vào TQ như kiểm định hàng hóa… Điều này rất có lợi trong việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi như lợn sữa, lợn sống…, bởi các mặt hàng này cho tới nay chưa có trong danh mục an toàn thực phẩm ở thị trường TQ.

Hai bên tiếp tục triển khai ngay Hiệp định Thương mại Biên giới sửa đổi mà Bộ trưởng Công thương của VN và Bộ trưởng Thương mại của TQ đã ký trong chuyến thăm. Hiệp định này được nâng cấp lên trên cơ sở những điều đã ký trong lần trước.

Một điều rất quan trọng nữa là hai bên thúc đẩy các điều kiện pháp lý về mở cửa thị trường và tháo gỡ các rào cản đối với nông sản và thủy sản xuất khẩu của VN vào TQ, nhất là gạo, sữa, thịt lợn, hoa quả… là thế mạnh của VN. 

Tóm lại, hai bên nhất trí đẩy mạnh xuất khẩu hàng VN qua cả kênh chính ngạch và đường biên mậu.

Họ cử hẳn một trợ lý bộ trưởng thương mại tập trung vào việc phối hợp với VN nhằm đẩy mạnh XTTM của VN. Không chỉ là việc thành lập văn phòng XTTM đâu, mà cả hội chợ triển lãm, phía TQ cũng rất quan tâm. Ví dụ Đông Hưng ở cạnh Quảng Ninh, Hà Khẩu ở cạnh Lào Cai, hoặc Bằng Tường ở cạnh Lạng Sơn… Hội chợ TQ – ASEAN ở Quảng Tây vừa rồi phía VN làm rất tốt, mang lại thành công chung cho phía tổ chức là TQ, mà cũng tăng cơ hội cho hàng hóa VN vào TQ.

Họ cũng hứa giúp VN trong việc XTTM thông qua phương tiện thương mại điện tử, và giúp VN trong việc lập chính sách xuất khẩu sang TQ.

Đấy là cố gắng của phía TQ trong việc tiếp nhận hàng xuất khẩu VN. Thế nhưng, về phía VN, muốn giảm nhập siêu VN cần làm những gì?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Có hai cách để giảm nhập siêu: một là thúc đẩy xuất khẩu, hai là giảm nhập khẩu. Vừa rồi VN làm rất tốt việc tăng xuất khẩu, thế nhưng nhập khẩu lại tăng nhiều hơn khiến cho nhập siêu ngày càng tăng.

Tức là khả năng nội địa hóa ở VN đang rất kém, và VN phải nhập nhiều linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu từ TQ, ví dụ Việt Nam phải nhập hơn 60% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Đúng rồi. Thái Lan và Malaysia chẳng hạn, cũng thuộc ASEAN, nhưng họ không phải nhập linh kiện, phụ tùng từ TQ, nên cán cân thương mại có lợi cho họ. Cho nên chúng ta phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, và kêu gọi người VN ưu tiên dùng hàng VN.

Hơn nữa, VN phải đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, VN có thể thay thế một phần hàng hóa nhập khẩu từ TQ bằng hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác, chẳng hạn ASEAN khi cộng đồng kinh tế ASEAN vừa được thành lập.

Kim ngạch của 2 nước năm nay dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD, theo số liệu của phía TQ, tức là cả xuất khẩu và nhập khẩu sẽ cùng tăng lên.

Nghe nói các doanh nghiệp TQ đang cố gắng tận dụng TPP để xuất hàng sang VN nhằm bán sang các nước thành viên của TPP. Liệu điều đó có làm cho nhập siêu từ TQ ngày càng tăng không?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Không chỉ có TQ mà DN nhiều nước khác cũng chờ đón TPP bằng cách thành lập các nhà máy ở VN và xuất đi. Vì vậy, trong thời gian đầu, khi họ đầu tư lập nhà máy thì việc nhập khẩu máy móc sẽ tăng mạnh, và tất nhiên tạo ra nguy cơ nhập siêu ngày càng tăng. Khi họ bắt đầu sản xuất thì chắc chắn xuất khẩu phải lớn hơn nhập khẩu để bảo đảm có lãi.

Cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN cho đến nay đã thành công chưa, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Rất thành công, nhưng không liên tục. Vấn đề này cũng phụ thuộc vào các nhà sản xuất hàng hóa VN, nếu hàng họ tốt, giá cạnh tranh thì người VN sẵn sàng ưu tiên dùng hàng của họ. Nhưng nếu chất lượng kém hơn và giá cả lại cao hơn hàng nước ngoài, đặc biệt là hàng TQ, thì vận động người tiêu dùng rất khó. Đối với nguyên phụ liệu cũng vậy, nếu DN cảm thấy nguyên phụ liệu của TQ rẻ và tốt hơn thì chắc chắn họ phải nhập khẩu để làm hàng xuất khẩu.

Nghe nói phía TQ cũng có đặt điều kiện là quan hệ thương mại sẽ được thúc đẩy, nếu quan hệ nói chung, nhất là biển đảo, được giải quyết ổn thỏa, có đúng không, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Không. Nhưng các lãnh đạo cấp cao TQ đều nhấn mạnh rằng hai nước có thể chế chính trị tương đồng, vì vậy các mối quan hệ kinh tế phải dựa trên quan hệ chính trị tốt đẹp. Không ai đụng đến hai chữ biển đảo cả.

Kể cả Thủ tướng VN cũng nói hai bên có những vấn đề do lịch sử để lại thì hai bên vẫn phải giải quyết bằng con đường thương lượng và sử dụng các biện pháp hòa bình, còn hợp tác kinh tế thì hai bên vẫn tiếp tục để đẩy mạnh quan hệ lên.

Xin cám ơn ông Đỗ Thắng Hải.

Huỳnh Phan thực hiện