Hội nghị Công tác kinh tế trung ương của Trung Quốc vừa kết thúc hôm 16/12. Hội nghị thường niên này đặt ra các mục tiêu kinh tế cho năm tới và thường cả các gói giải pháp chính sách khác nhau về triển khai công tác kinh tế 2013.

Theo tinh thần của báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 18 về điều chỉnh hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, tuyên bố chính thức từ hội nghị cũng khẳng định Trung Quốc sẽ tập trung vào chất lượng và hiệu quả tăng trưởng trong năm 2013, thúc đẩy sâu sắc các cải cách kinh tế, mở rộng đô thị hóa và duy trì kiểm soát tài sản chặt chẽ. Hội nghị không công bố mục tiêu tăng trưởng cho năm tới nhưng đa số các chuyên gia phân tích nhận định chính phủ Trung Quốc muốn duy trì tăng trưởng thấp nhất 7,5%.

Nhiều người quả quyết Trung Quốc đang cho thấy những tín hiệu cải cách kinh tế mạnh mẽ, nhưng không phải ai cũng tin tưởng như vậy. Nhà báo Alphaville của tờ Financial Time viết:

Xin đừng bị đánh lừa bởi các tuyên bố "cải cách" hay "tăng trưởng chất lượng" của  Hội nghị Công tác kinh tế trung ương của Trung Quốc cuối tuần qua. Sẽ vẫn như trước thôi, ít nhất là trong thời gian tới.

Nền kinh tế Trung Quốc có vẻ đã qua thời kỳ khó khăn nhất, bằng chứng là các dữ liệu và thông số mới đây cho thấy, trong tháng 11, mức tiêu thụ điện của Trung Quốc đã tăng cao nhất so với 9 tháng trước đó. Nhưng tăng trưởng vẫn đang phụ thuộc nặng nề vào đầu tư hơn là tiêu dùng và tuần trước, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc vừa công bố một báo cáo cảnh báo rằng mất cân bằng kinh tế đang xấu đi nghiêm trọng trong 10 năm trở lại đây.

Chính phủ Trung Quốc đã nắm bắt được vấn đề và nhiều lần cam kết thay đổi mô hình tăng trưởng. Tập Cận Bình, người vừa lên nắm quyền lãnh đạo Đảng được chưa đầy một tháng, đã mở ra hy vọng cải cách, như tin bài Tân Hoa Xã đưa, "Trung Quốc chờ đợi nhiều hơn sau các động thái mới của Tập Cận Bình":

Do kỳ vọng của người dẫn đã tăng lên, nên việc đáp ứng các kỳ vọng đó sẽ là một thách thức.

Người dân cũng  quan tâm liệu các cơ chế độc quyền sẽ bị phá vỡ hay ít nhất là hạn chế hơn, hay liệu cơ hội sẽ được trao nhiều hơn cho khu vực tư nhân, hay khoảng cách giữa các ngành và giữa các công ty nhà nước với tư nhân có được thu hẹp.

Một trong những chìa khóa để hạn chế độc quyền và thúc đẩy khu vực tư nhân có thể là đề án cải cách phân phối thu nhập vốn được chờ đợi từ lâu. Thủ tướng Ông Gia Bảo đã nói về kế hoạch này từ năm 2004, và trong vài tháng qua báo chí cũng liên tục đưa tin chính phủ Trung Quốc muốn triển khai kế hoạch trước khi kết thúc năm.

Tuần trước, tờ Wall Street Journal có bài viết "Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn gia tăng khoảng cách thu nhập" cho biết:

Hiện tại, đề án dự kiến sẽ được triển khai trong tháng này sau sự thúc đẩy của ông Ôn. Nhưng các nhà nghiên cứu tham gia đề án này cho biết, sau ít nhất hơn chục lần soạn thảo, một vài trong các kiến nghị quan trọng nhất đã bị điều chỉnh, hoặc loại bỏ hoàn toàn, sau khi bị các doanh nghiệp nhà nước phản đối. Kết quả là một bộ quy tắc chung thay cho một lộ trình thực tế với các chi tiết cụ thể về cách thức tái phân phối của cải.

Caijing, một trong những tạp chí kinh doanh hàng đầu của Trung Quốc, thì đưa tin, kế hoạch sẽ bị hoãn lại qua năm nay do sự phản đối của một số nhóm lợi ích.

Đây là điều rất không tốt, mặc dù đề án cải cách phân phối thu nhập là sáng kiến của Ông Gia Bảo và ông thì đã sắp mãn nhiệm. Có thể Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường muốn đưa ra kế hoạch riêng của mình vào năm 2013, nên sự trì hoãn này cũng có nghĩa là một tín hiệu đáng lo ngại về quyền lực cũng như sự ngoan cố của các nhóm lợi ích Trung Quốc và là rủi ro đối với Tập Cận Bình bởi kỳ vọng cao có thể rất nguy hiểm nếu không được đáp ứng.

Người dân Trung Quốc cũng đang đặt nhiều kỳ vọng hơn vào tranh chấp nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản. Tuần trước, Trung Quốc đã tiến hành cuộc trinh sát trên không tại các đảo tranh chấp nay, một động thái khiến Washington phải "đặt ra quan ngại" đối với Bắc Kinh. Tờ New York Time viết, việc bay trên vùng trời nước khác là một phần của chiến lược nhằm giành quyền kiểm soát hiệu quả các đảo vừa được thiết lập và giám sát bởi Tập Cận Bình cách đây 3 tháng, trước Đại hội đảng 18.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định các đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc và bất cứ sự nhượng bộ nào trong quan điểm ngày một quả quyết trong mấy tháng qua đó có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của chính phủ.

Hôm 16/12, Nhật Bản đã bầu Shinzo Abe lên nắm giữ chức vị Thủ tướng trong một chiến thắng áp đảo của Đảng Dân chủ Tự do, trong đó, tuyên ngôn của đảng này nhấn mạnh "Nhật Bản sẽ tăng cường kiểm soát các đảo tranh chấp này và xem xét việc bố trí các quan chức thường trực tại đây".

Việc chiếm giữ các đảo tranh chấp từ bất kỳ bên nào cũng sẽ là một động thái dễ gây kích động. Tại một hội nghị ở Sanya, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc ký thỏa thuận "không chiếm giữ" các đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Mỹ, với hai nước nắm giữ các khoản nợ chính phủ lớn nhất là Nhật Bản và Trung Quốc, đang ở trong một tình thế rất khó xử. Tuần trước, ông Carter đã ở thăm Bắc Kinh và các cuộc gặp của ông với Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới truyền thông. Trong cuộc gặp, Tập Cận Bình đã kêu gọi "thúc đẩy tích cực hơn" quan hệ đối tác Mỹ-Trung. Có vẻ như Tập Cận Bình đang bắn đi tín hiệu muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, bất chấp tranh chấp gia tăng với Nhật Bản.

Tuy nhiên, trước sự quyết đoán công khai trong những tháng vừa qua, Trung Quốc sẽ không bỏ qua các động thái nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết tranh cử về đẩy mạnh kiểm soát các đảo tranh chấp của ông Abe. Xung đột khó diễn ra, nhưng căng thẳng tiếp diễn và gia tăng chạy đua vũ trang trong khu vực có lẽ là điều khó tránh khỏi.

Trâm Anh theo Nytimes