- Từ chuyện đụng chạm "người Bắc lười đọc sách hơn người Nam", độc giả Nguyễn Thị Kim Hạ bày tỏ những băn khoăn và hi vọng một tinh thần mới cho văn hóa đọc, khi vẫn còn cái nhìn khắt khe của những con mắt "đọc sách chân chính".

Dưới đây là bài viết phản hồi mà độc giả Nguyễn Thị Kim Hạ gửi về cho VietNamNet, xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả.

Cá nhân tôi rất thích bài viết "Người Bắc lười đọc sách hơn người Nam?" của các anh chị. Mới đọc tiêu đề, tôi nghĩ lại là một chiêu trò lên gân gì nữa đây khi cho một câu quá "đụng chạm" như vậy (dù tôi là người Nam và theo tiêu đề có vẻ người Nam đang được khen chăm chỉ) nhưng sau khi đọc thì tôi rất hài lòng vì bài viết cung cấp đầy đủ những số liệu thực tế, chứng minh cho luận điểm đưa ra. 

Bài viết này như tiếp thêm nước cho cơn khát sục sôi về tình hình đọc của nước ta, nhất là sau khi Hội sách TP.HCM vừa kết thúc cuối tháng trước. Best-seller là gì? Giới trẻ nói riêng đọc gì? Người đọc nói chung đọc gì? Và lượng thống kê như vậy có phải là nỗi vui mừng cho văn hóa đọc của một quốc gia hay chưa? Vui thì cũng có đấy, cho tình hình xuất bản, nhưng nhìn kĩ lại hẳn những cái nhìn khắt khe với quan điểm "đọc sách chân chính" sẽ vẫn còn chưa ưng ý.

{keywords}

4/10 tựa sách bán chạy nhất tại Hội sách Tp.HCM lần này là của các tác giả trẻ, 1/10 là một tựa truyện tranh. Sách của tác giả trẻ chủ yếu viết về những cảm xúc mênh mang của lòng người, của tuổi trẻ vừa va vấp và biến chút nhói lòng thành nên thơ. Truyện tranh là về cậu thám tử lừng danh phá án. Điều này gây "bức xúc". 

Nhưng tôi nghĩ, người cảm thấy "bức xúc" đó dựa vào quy chuẩn nào để đánh giá thế nào mới gọi là sách đáng đọc? Việc này phiến diện và phi lý như một chú chim sẻ lên án rằng chim cánh cụt cần phải biết bay thì mới được gọi là chim! Giới trẻ nói chung và những tâm hồn sảng khoái, trong sáng, giản đơn nói riêng thường hay tìm đến những điều nhẹ nhàng, thơ mộng nhưng có thể thấy ít nhiều vẫn mang một ý nghĩa cần thiết nào đó cho tâm hồn họ. 

Giữa con đường trưởng thành thật ra vô cùng cô độc của mỗi cá nhân này đây thì việc tìm thấy một giai điệu đồng cảm với mình, viết ra những điều mình vẫn nghĩ đến, vẫn cảm thấy mà không thể diễn đạt rành mạch chẳng phải cứ như tìm được một người bạn đáng quý hay sao? Sao lại trách khi người trẻ đọc chuyện của người trẻ? Sao lại trách khi họ không thể "hàn lâm"? Sao lại bức xúc khi họ chưa cùng vị đọc với mình?

Cá nhân tôi tin rằng một khi đã xây được lòng tin với người bạn đồng hành là sách, người trẻ sẽ từ từ khám phá ra vị đọc của chính mình. Nếu các bạn biết rằng mình tìm được một nguồn động viên, những định hướng và sự cảm thông từ việc đọc thì sau những quyển sách khởi đầu này sẽ dẫn đến những quyển cao hơn với nhiều chiêm nghiệm không chỉ về bản thân mình mà còn về thế giới xung quanh, con người và vạn vật. Vị đọc sẽ được định hướng theo thời gian và những nhu cầu tâm lý của mỗi người, không ai có quyền phán xét và chỉ ra thế nào mới tốt. 

Xin hãy nhớ đến cậu chăn cừu và anh chàng người Anh trong "Nhà giả kim" của Paulo Coelho: cậu chăn cừu học qua quan sát xung quanh, chàng người Anh học chăm chăm từ sách vở; họ nghĩ cách của mình mới tốt nhưng kì thực dù có thuyết phục được người kia làm theo cách mình thì người kia cũng không tìm thấy hiệu quả. 

"Cách của anh ta không phải cách của mình, còn cách của mình không giống cách anh ta. Song cả hai đều đang đi tìm con đường sống của mình, nên mình coi trọng anh ta." (Nhà giả kim)

Vậy "bức xúc" kia thực chất là về gì? Về vị đọc của người trẻ hay vì những tác giả trẻ? Nếu tác giả trẻ viết ra và không được đón nhận nồng nhiệt, có lẽ họ sẽ "được yên" cho tới khi họ thành... tác giả già. Còn bởi vì họ được tung hê, được marketing khắp chốn nên phần nào gây khó chịu? Và từ đó mà người đọc sách họ cũng thành "nỗi bức xúc nhức nhối"? Câu chuyện không khác chi khi một diễn viên nổi tiếng liền bị bới móc đời tư và những vấn đề có thể gây xấu hình ảnh! Nhưng dù là diễn viên hay người viết, tác phẩm và con người họ tách bạch với nhau. Tác phẩm của họ gây được đồng cảm thì chúng được chào đón. 

Người trẻ đọc cũng được bình phẩm và "chỉ bảo" đọc thế nào mới "đúng", người trẻ viết cũng được dèm pha viết thế nào cho đáng hay cư xử sao cho mẫu mực. Tôi tự hỏi nếu Murakami Haruki mà tôi yêu thích cũng bị vùi dập, soi xét đến nhường ấy thì ông có còn muốn sẻ chia những câu chuyện văn của mình nữa hay không?! 

Nguyễn Thị Kim Hạ