- “Ở ta cứ hễ rảnh rỗi là đàn ông đàn bà hay tán chuyện, trong chuyện tán đó người ta hay lấy sex ra làm chủ đề đùa cợt, trêu chọc, vô thưởng vô phạt. Nói chuyện nhảm nhí thế thì chấp nhận, nhưng khi đề cập đến chuyện đó một cách nghiêm túc bằng nghệ thuật, công khai, tử tế lại không”, họa sĩ Thành Chương nói.

{keywords}

Họa sĩ Thành Chương

Liên quan tới việc triển lãm mỹ thuật Gặp Gỡ tại Bảo tàng Hải Phòng bị tạm dừng tạm thời (hiện đã mở trở lại) vì hai bức tranh ‘nhạy cảm’, VietNamNet đã có buổi trò chuyện với tác giả, họa sĩ Thành Chương – người đã có tác phẩm ‘Trâu’- bức tranh gây ‘sốc’ cho người xem bởi độ táo bạo khi đề cập tới chuyện tình dục.

Tôi vẽ cả trăm bức "Trâu" như thế

- Là một họa sĩ lớn, các tác phẩm của ông mỗi lần xuất hiện trước công chúng đều được đón nhận. Tuy nhiên, lần này ở Hải Phòng, tác phẩm ‘Trâu’ mới trưng bày bị cất kho. Cảm giác của ông?

Cuộc triển lãm mang tên ‘Gặp gỡ’ (từ ngày 12-20/4) lần này do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng tổ chức diễn ra tại Bảo tàng Hải Phòng mà tôi và anh em trong giới đánh giá rất cao. Trong những năm gần đây, Hải Phòng tổ chức được nhiều triển lãm có chất lượng nghệ thuật tốt quy tụ được nhiều họa sĩ tên tuổi tham gia. Khi được mời gửi tác phẩm để trưng bày trong ‘Gặp gỡ’, đọc qua danh sách họa sĩ tham dự toàn những tên tuổi rất nổi tiếng nên tôi đồng ý ngay.

Trong thời buổi này, để quy tụ được những tên tuổi lớn cùng tham gia một triển lãm là rất khó bởi họ hầu như không thiết tha triển lãm lắm. Danh và lợi ở triển lãm này không một họa sĩ nào nghĩ tới. Cái mà họ nghĩ là sự đón nhận của công chúng, của các nhà chuyên nghiệp trân trọng những sáng tạo nghệ thuật với đứa con tinh thần của mình.

Tôi cũng không ngoài tinh thần đó. Tôi đã chọn bức ‘Trâu’- bức mà tôi tâm đắc, tốt cả về giá trị nghệ thuật, cả về trách nhiệm xã hội xuống Hải Phòng.

Triển lãm được khai mạc công khai, nhiều người tới dự và đã đón nhận tác phẩm của tôi cũng như của mọi họa sĩ. Tôi không cảm thấy tác phẩm của mình bị vùi dập hay vô duyên. Cần phải nói rõ đó là sự đánh lận con đen. Một vài người cố tình đánh đồng giữa hai triển lãm diễn ra gần thời điểm (triển lãm ‘Gặp gỡ’ diễn ra từ 12-20/4; triển lãm Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu từ 25/4). Khi triển lãm Gặp Gỡ khai mạc thì triển lãm kia chưa hề khai mạc.

Hai triển lãm hoàn toàn không liên quan. Tuy nhiên cái ngẫu nhiên là cùng địa điểm. Bình thường thì sẽ không sao, nhưng đang có sự hiểu lầm này nên các cấp lãnh đạo đã xử lý mềm mỏng để yên dư luận. Việc tác phẩm bị cất kho, bị phản ứng với tôi là chuyện bình thường. Một tác phẩm nghệ thuật khi ra mắt công chúng có người khen, chê, thậm chí phê phán kịch liệt, là nghệ sĩ phải chấp nhận hết, nhưng cần phải xem bình luận đó xuất phát từ một trình độ và văn hóa nào.

- Sự kiểm duyệt những tác phẩm về đề tài nude, sex…là vô cùng khó khăn ở Việt Nam. Làm thế nào mà tác phẩm ‘Trâu’ của anh lại 'thoát' vòng kiểm duyệt để trưng bày công khai?

Đúng là sự kiểm duyệt những tác phẩm mang đề tài nude, sex là rất khó. Tác phẩm được duyệt vì nó không có vấn đề gì. Nếu làm một triển lãm riêng với toàn bộ các tác phẩm kiểu này thì chắc vẫn không được cấp phép. Tuy nhiên, một, hai tác phẩm đơn lẻ nhưng không quá khó hài hòa với tổng thể triển lãm thì vẫn được trưng bày.

{keywords}
Một tác phẩm của Thành Chương

Hầu hết các họa sĩ đều vẽ nude, sex

- Lùm xùm lần này khiến người ngỡ ngàng bởi một Thành Chương hoàn toàn khác, Thành Chương cũng vẽ nude, sex?

Đúng vậy, có rất nhiều người ngỡ ngàng, vì thực ra người hiểu về Thành Chương ít quá. Mọi người đóng đinh trong đầu là tôi phải thế này thế kia chứ không phải thế này thế khác. Vẽ về tình dục một đề tài mới mà tôi đã làm việc hàng năm nay. Bức tranh được trưng bày trên chỉ là một trong số hàng trăm bức tôi vẽ trong hai năm vừa qua.

Hầu hết các họa sĩ đều vẽ nude, sex chỉ có điều để sáng tác thành một chuỗi tác phẩm xuyên suốt thì hiếm có. Tôi có thể tự tin lại là người tiên phong khi làm mảng đề tài này. Với bộ tranh này tôi muốn đẩy nghệ thuật tới hết tầm, không né tránh bất cứ điều gì cả.

Không chỉ ở Việt Nam, mà đối với  quốc tế cũng hiếm hoi. Một giám tuyển người Nhật khi gặp tôi nói nếu ông ấy không chủ quan thì có lẽ rằng tôi là người duy nhất trên thế giới vẽ nhiều tranh về mảng này mà lại trực diện, cụ thể, nghệ thuật đến như thế. 

- Anh có tư tưởng gì khi ở tuổi này đi vào đề tài tình dục mạnh mẽ như thế?

Tình yêu là cảm xúc đẹp đẽ nhất của con người và đỉnh cao của tình yêu con người là sự thăng hoa tình dục. Tại sao chúng ta lại né tránh đề tài này, lại cho là bậy bạ. Tôi muốn là người tiên phong khai phá và góp phần thay đổi tư tưởng này. Đó là một trách nhiệm. Tất nhiên tiên phong thì sẽ gặp khó khăn. Tôi không ngại điều đó. Mỹ thuật lâu nay không còn dám vẽ về đề tài này. Hãy xem nắp thạp đồng Đào Thịnh, hình ảnh con người đang phối ngẫu trực tiếp đến thế nào. Mà đó là báu vật quốc gia.

Tôi chuẩn bị cho một triển lãm nghiêm cẩn, xuất sắc về đề tài này và mong muốn nó xuất hiện một cách chính thống. Tình yêu thăng hoa đẹp như vậy sao phải giấu giếm, sao lại nghĩ nó xấu?

Bạn thử nghĩ mà xem ở ta cứ hễ rảnh rỗi là đàn ông đàn bà hay tán chuyện, trong chuyện tán đó người ta hay lấy sex ra làm chủ đề đùa cợt, trêu chọc, vô thưởng vô phạt. Nói chuyện nhảm nhí thế thì chấp nhận, nhưng khi đề cập đến chuyện đó một cách nghiêm túc bằng nghệ thuật, công khai, tử tế lại không. Đó là một hạn chế.

- Tác phẩm thể hiện trực diện cảnh ân ái, lãng mạn nhưng tiêu đề lại cụt – ‘Trâu’. Sao anh lại lấy tiêu đề này?

Tôi vẽ cảnh ân ái của đôi Trâu. Ban đầu tôi đặt tên tranh là 'Tình yêu'.  nhưng bạn bè bảo nên cụ thể hơn, nên tôi đặt lại là ‘Trâu với Trâu’. Rồi lại có người kêu dài nên tôi rút ngắn lại còn ‘Trâu’. 

- Thông điệp tác phẩm ‘Trâu’ anh muốn gửi gắm tới công chúng?

Một trong những tinh thần cốt lõi nhất của văn hóa Việt chính là tinh thần dân gian. Văn minh của VN là văn minh lúa nước. Những sản phẩm đều từ bàn tay khối óc của những người nông dân chân lấm tay bùn mà ra. Thế nên nó dân gian, mà đã dân gian thì lúc nào cũng giản dị, đơn sơ, giản dị, hồn nhiên, mộc mạc, thậm chí vụng về. Muốn thể hiện tinh thần đó rõ nét qua tác phẩm không phải ai cũng làm được.

Trong toàn bộ sáng tác của tôi, tôi quan niệm con trâu cũng như con người. Dù công nhận hay không con trâu vẫn là một con vật biểu tượng, một linh vật bởi sự gắn bó của con trâu với người nông dân Việt Nam hàng nghìn năm đời này qua đời khác. Bao vòng quay của đời người gắn liền với con trâu.

Những ai đã từng sống ở nông thôn đều chứng kiến những buổi chiều tà, khi những vệt nắng quái chiều, nắng xiên khoai hắt vào chuồng trâu. Chuồng trâu mờ tối,  một vệt nắng chiếu vào. Cái ánh sáng đó rất đẹp, rất quý về tạo hình. Tôi miêu tả ánh sáng đó bằng vàng ròng, để toát lên cái rực rỡ của ánh sáng đó.

Trong ánh sáng mờ ảo của cuộc sống tối tăm, cực nhọc của con trâu, con trâu vẫn tồn tại được, vẫn sống được vì vẫn có hạnh phúc, vẫn có cái quyền thăng hoa trong tình yêu. Nó bình đẳng về cái quyền đó. Đó là tính nhân văn của tác phẩm. Tại sao lại không? Đó thông điệp lớn lao mà tôi gửi gắm vào tác phẩm ‘Trâu”.

- Tương lai, anh sẽ có triển lãm về đề tài này của riêng mình?

Nói thật là tôi rất hy vọng. Đã nhiều lần tôi và vợ cùng đề cập tới, cũng đã tới Cục này Cục khác, Bảo tàng này Bảo tàng khác. Xin nói với bạn là những người đã được tôi cho xem thì rất tâm đắc. Nhưng khen thế thôi chứ để quyết định ra một triển lãm riêng thì cơ quan quản lý lại e dè. An toàn cho lành để tránh dư luận phức tạp.

Cũng đã có 2 tổ chức nước ngoài muốn triển lãm bộ tranh mới này của tôi nhưng tôi chưa đồng ý. Tôi muốn tác phẩm của mình đàng hoàng ra mắt ở Việt Nam trước rồi mới trưng bày tại nước ngoài.

Nếu quá trình cấp phép lâu quá, có thể tôi sẽ triển lãm ở nước ngoài trước, được nước ngoài công nhận thì Việt Nam sẽ công nhận dễ hơn. Nghịch lý ở chỗ đó, nhiều tác phẩm của Việt Nam được nước ngoài công nhận thì về Việt Nam nó mới được đón nhận.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Cái bậy nằm trong đầu người xem

Tranh của họa sĩ Nguyễn Hà vẽ những cô gái khỏa thân hoàn toàn không có vấn đề gì. Ai coi tranh đó là bậy bạ thì tôi sợ cái bậy nằm trong đầu người xem chứ không phải trong tranh.

Còn bức ‘Trâu’ của họa sĩ Thành Chương với đề tài sex, sex trâu chứ không phải sex người nên nó nằm ở lằn ranh giữa nghệ thuật và nghệ thuật tính dục. Vì nó nửa sai nửa đúng nên người ta bắt bẻ bằng cách hoãn lại cũng là nửa sai nửa đúng.

Nếu nhìn bằng con mắt nghệ thuật, tác phẩm ‘Trâu’ là bình thường. Nếu ‘Trâu’ được trưng bày trong một nhà triển lãm như triển lãm của Hội mỹ thuật Việt Nam, hay phòng trưng bày dành cho các họa sĩ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì nó lại khác.

Đằng này, ‘Trâu’ được treo ở Bảo tàng Hải Phòng- bảo tàng lịch sử của thành phố- nơi đây là phòng trưng bày chung cho tất cả các thể loại. Lượng khách tới triển lãm không phải là khách chọn lọc nên không phải ai cũng hiểu hết và họ có quyền thắc mắc. Điều này không sai nhưng bảo tranh của anh Chương sai, phản cảm thì cũng không phải.

Tình Lê