- Diễn viên len lỏi trong khán phòng, núp sau khán giả, chuyển cảnh sân khấu không cần tắt đèn, kéo rèm. Nghỉ giải lao, bắt đầu diễn cũng không cần thông báo "Vở diễn bắt đầu" như thường lệ. Vở diễn Vòng phấn Kavkaz khiến khán giả thủ đô thích thú bởi mỗi tình huống kịch đều khiến khán giả tự đưa ra câu hỏi cho mình rồi tự trả lời.

{keywords}

NSND Lê Khanh đảm nhận 3 vai trên sân khấu: Mệnh phụ cao tuổi, mẹ chồng, Bà lão

Vòng phấn Kavkaz kể về cô người hầu Grusche Vachnadze nhỏ bé với tấm lòng nhân hậu và sự hy sinh lớn lao. Trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, tổng trấn phu nhân đẩy đứa con trai vào tay cô hầu Grusche Vachnadze rồi biến mất cùng tiền bạc và quần áo quý giá.

Grusche Vachnadze đã hy sinh mối tình với người lính Simon Chachava để nuôi đứa bé lớn lên trong vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Bỗng một ngày, tổng trấn phu nhân xuất hiện và đòi lại đứa con vì cậu bé sẽ được thừa kế một gia tài lớn. Quan tòa Azdak sẽ phải đưa phán quyết cho câu chuyện này. Quan tòa đã cho vẽ một vòng phấn từ đó minh định ai sẽ là người được quyền nuôi đứa bé.

Xem một trích đoạn của vở diễn

Đạo diễn người Đức Dominik Guenther đã đưa rất nhiều yếu tố đương đại vào vở diễn. Trong một cảnh, diễn viên còn thích thú nói muốn xem chương trình Next Top Model, có cả sữa hộp uống bằng ống hút, nền nhạc Pop và cả nhạc đường phố được đưa vào một cách linh hoạt, điện thoại di động gọi 'móc nối' công việc...

Phục trang của vở kịch cũng là điểm khiến khán giả tò mò. Theo đạo diễn Dominik Guenther phục trang của vở diễn là do nhân vật dẫn chuyện tưởng tượng ra, nó không thuộc thời đại nào, thuộc quốc gia nào nên mỗi khán giả sẽ tự đưa ra một đáp án khác nhau.

{keywords}

Một vài hình thức ước lệ của Chèo cũng được đạo diễn lồng ghép vào vở kịch

Vở diễn cũng không theo lối thông thường. Diễn viên diễn và khán giả xem mà trên sân khấu xuất hiện một người dẫn truyện. Đôi khi, trong một vài tình huống, người dẫn truyện lại kiêm luôn vai trò đạo diễn. Anh ta sẽ sắp xếp diễn viên nào vào vai nào và chỉ cần một cái búng tay, khán giả biết rằng diễn viên bắt đầu diễn, hay nhạc sẽ bật lên hoặc tắt đi.

Sân khấu cũng được tối giản hết mức, tận dụng hết những đạo cụ trên sân khấu. Một tấm gỗ khi là giường, khi là chiếc vành móng ngựa, nhưng có lúc nó chính là cây cầu... Đôi khi, vở diễn cũng đưa vào những yếu tố ước lệ của nghệ thuật Chèo Việt Nam như đôi vợ chồng người nông dân cầm khung cửa sổ và coi đó là nhà. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái thì: "Dominik Guenther đã gẩy một vài mảng miếng ước lệ của Chèo vào vở diễn nhưng có thể ông vẫn còn e dè nên nhiều đoạn diễn vẫn chưa ra được ước lệ đó".

Dài hơn 2 tiếng, vở diễn không khiến người xem mệt mỏi với những triết lý giáo điều. Đạo diễn Dominik Guenther đã kéo khán giả tham gia cùng vở diễn khiến họ không có thời gian nghe điện thoại hay nhắn tin... Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, mặc dù các tác phẩm của Bertolt Brecht ra đời đã lâu nhưng thông điệp về tình yêu, tính nhân văn trong đó không bao giờ cũ. "Sự vật sẽ thuộc về ai làm cho nó trở nên tốt hơn.

Xem tiếp trích đoạn vở diễn

Bertolt Brecht (1898-1956) là một nhà thơ, nhà soạn kịch và đạo diễn sân khấu tài hoa người Đức. Ông sinh ra trong một gia đình có người mẹ sùng đạo Tin lành theo truyền thống và một người cha theo đạo Công giáo.

Bertolt Brecht viết “Vòng phấn Kavkaz” ở Santa Monica (Mỹ) vào khoảng năm 1944-1945. Tác phẩm được công diễn lần đầu ở Mỹ vào năm 1948. Tuy nhiên, đến năm 1954 mới ra mắt công chúng Đức bằng tiếng mẹ đẻ.


Bên cạnh “Vòng phấn Kavkaz,” ông còn để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như: “Nhạc kịch ba xu,” “Người tốt ở Tứ Xuyên,” “Cuộc đời Galilei”…

Tình Lê