Vài năm trước, khi những ca khúc được gọi là “thảm hoạ Vpop” tràn ngập trên YouTube rồi loang đi với vận tốc chóng mặt, bên cạnh dư luận chào đón nó cũng không thiếu ý kiến lo ngại: âm nhạc đích thực sẽ đi về đâu?

Hãy cứ bình tĩnh nghe, quan sát và thử tìm câu lý giải cho những hiện tượng này đã. Hầu như 100% tác giả, ca sĩ của loại ca khúc ấy đều còn rất trẻ. Mà tuổi trẻ nào chẳng thích quậy phá, nghịch ngợm một chút. Những thế hệ trước cũng vậy thôi. Chưa có internet, chưa có YouTube thì quậy cho vui bằng cách đổi lời nhạc, nôm na là biên soạn lời hai, kiểu “bà già lấy le ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông…” hay “mây che trên đầu và nắng trên vai… đôi chân ra đi đôi giày ở lại”… Hàng chục ca khúc nổi tiếng đã được đổi lời khó thể kể hết tên. Cho vui, đùa một chút cho buổi tiệc tưng bừng hơn, nhiều tiếng cười hơn. Cũng có những ca khúc bị đổi lời thô tục nhưng rồi cũng chìm dần, chỉ còn lại những “dị bản” hài hước, dí dỏm, sạch sẽ hơn.

Thì hôm nay cũng thế. Những “thảm hoạ” Vpop kiểu “em có một khát khao… em có một ước ao… làn da nâu… làn da nâu…” không tồn tại quá một năm. Nó lặng lẽ trở về kho phế thải, tự hoại. Nhưng khi ca khúc lồng vọng cổ của cô ca sĩ miền Tây Vĩnh Thuyên Kim đột ngột trở thành cơn sốt suốt một thời gian dài, và đến hôm nay nó mang lại tiền tỉ tác quyền cho cô từ nhiều nguồn mà chủ yếu là trên mạng và dịch vụ chuông điện thoại, ta buộc phải hỏi “vì sao?” Có lẽ vì vui trước đã. Vui – và cũng sạch sẽ, không bậy bạ tục tĩu. Và rồi đến là lạ, ngồ ngộ, mà hoá ra đâu chỉ giới trẻ mê nó. Trên xe hơi của những người trung niên cũng đã nghe vang lên bài hát này. Vậy cái công thức nghịch ngợm, vui, là lạ, ngồ ngộ và không tục tĩu phải chăng là kết luận cho sự thành công ghê gớm ấy?


Tác giả của Vọng cổ teen Vĩnh Thuyên Kim (giữa) từng nhận giải thưởng về ca khúc sáng tác. Ảnh: Khải Trí

Rồi thì ca khúc lồng vọng cổ cũng hạ nhiệt để xuất hiện hình thái khác. Nhóm nhạc hát nhái giọng, giả giọng những ca sĩ nổi tiếng hay đọc rap bằng giọng địa phương miền Trung lại đột ngột ăn khách. Vẫn công thức hài hước, là lạ đấy thôi. Cái lạ mới thay cho cái lạ cũ đã cũ, đã quen. Không chỉ là hiện tượng ở Việt Nam. Jack Black, tay rocker, diễn viên điện ảnh và chuyên gia lồng tiếng (người lồng tiếng cho gấu Panda của bộ phim hoạt hình bom tấn Kungfu Panda phần 3) cũng từng có những bài hát nhái mà trong ấy không thiếu từ tục tĩu xen kẽ gây hấn hài hước. Trò quậy phá kiểu Mỹ thời nào cũng có. Jack Black ghi âm những ca khúc ấy khi còn rất trẻ và chưa mấy tên tuổi.

Những ca khúc pop hay rap đang gây chú ý trên mạng công cộng hay xã hội là hiện tượng bình thường của một giai đoạn sống. Đừng quá lo ngại nếu ta hình dung một ca khúc ngộ nghĩnh thu hút người nghe. Nó như một cụm lục bình nho nhỏ nở hoa tím trôi trên sông. Nó xinh xắn và vô hại, nhưng cả một mảng lớn lục bình sẽ làm dòng sông tắc nghẽn.

Cũng đừng quá lo ngại. Không trôi được thì dừng lại và tự huỷ.

Đỗ Trung Quân (Theo SGTT)