-"Khi người dân có đủ sự thông tuệ thì họ sẽ là người quyết định giữ hay không lễ hội này", TS Đinh Hồng Hải

Trong thời gian qua, dư luận Việt Nam đã “dậy sóng” với vấn đề giữ hay không lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh)? Trước đó, Tổ chức Bảo vệ Động vật Châu Á đã kêu gọi và có công văn đề nghị hủy bỏ tục lệ này. Với câu hỏi trên, tôi xin có một số ý kiến từ góc nhìn “nghiên cứu hành vi và xã hội” (cũng là tên một môn học mà tôi đang giảng dạy tại ĐHQG Hà Nội) như sau:

Thứ nhất, đứng ở vai trò của nhà nghiên cứu hay nhà quản lý, chúng ta không nhất thiết phải trả lời hoặc Có hoặc Không, mà còn có quyền Không trả lời vì giữ hay bỏ một tục lệ như trên đã tồn tại từ lâu trong văn hóa dân tộc là cực kỳ khó. Thay vì đồng ý hay phản đối, chúng ta nên làm nhẹ bớt vấn đề và cũng cần có thời gian để tìm một cách ứng xử có văn hóa nhất với một tục lệ cổ truyền.

{keywords}

Thứ hai, khi một vấn đề xã hội đã trót nổ ra thì cần tìm một hành vi ứng xử có trí tuệ nhất chứ không phải là đi tìm tỉ lệ ủng hộ hay phản đối cao nhất. Không ai giong buồm lên cao nhất giữa lúc bão tố cả! Khi người dân có đủ sự thông tuệ thì họ sẽ là người quyết định giữ hay không lễ hội này. Thực tế cho thấy, tục hiến sinh người xa xưa, tới nay đã hoàn toàn bị bãi bỏ. Tôi tin rằng, con người luôn hướng đến trí tuệ và hướng thiện.

Thứ ba, việc hành chính hóa hay luật hóa những tục lệ cổ truyền cần hết sức thận trọng vì suy cho cùng thì luật pháp hay hiến pháp cũng đều dựa trên các thành tố văn hóa đã có. Theo cá nhân tôi, thay vì tranh cãi nóng bỏng về một tục lệ cổ, chúng ta còn nhiều việc nóng bỏng hơn phải làm (chẳng hạn, trong mấy ngày tết vừa qua có tới hơn 3.500 người nhập viện vì đánh nhau, hơn 800 người chết vì đánh nhau và tai nạn).

TS. Đinh Hồng Hải

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam