Xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre là nơi Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định (người dân miền Nam còn gọi bà là nữ tướng Ba Định) khởi phát phong trào Đồng Khởi. Nơi đây có một ngôi đình cổ mang nhiều giai thoại nên mang tên rất lạ: Đình Rắn.

Theo tín ngưỡng xưa ở Nam Bộ, không ai có quyền đặt tên ngôi đình. Bởi tên đình chính là tên vị thần mà người dân tín ngưỡng thờ phụng. Điều đó có nghĩa là người xưa chốn này đã tôn rắn làm vị thần phù trợ, bảo hộ, độ mạng.

Ngôi đền nằm cách đền thờ nữ tướng Ba Định khoảng 500 mét đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tìm hiểu sâu về ngôi đình thờ rắn này, PV phát hiện nhiều chi tiết thú vị và ly kỳ.

Huyền tích rắn thần độ mạng dân làng

Để vào được ngôi đình, chúng tôi phải đi xuyên qua những hàng cây bạch đàn vắng lạnh, âm u. Quang cảnh trầm mặc và hương nhang thoang thoảng trong không khí khiến chúng tôi có cảm giác lạc vào cõi vô ưu. Đang phiêu diêu bỗng chúng tôi rơi tõm vào thực tại. Trái ngược với kỳ vọng được chiêm ngưỡng nét cổ kính rêu phong của ngôi đình xưa, trước mắt chúng tôi, ngôi đình mới toanh.

Hình như chúng tôi đang chiêm ngưỡng một ông tiên hàng trăm tuổi vừa mới cạo trụi bộ râu và tóc bạc, đang ngạo nghễ đứng nghếch chân, chống nạnh trong một bộ quần áo mới toanh, là xếp ly thẳng thớm. Mười năm trước, ngôi đình trải qua cuộc đại trùng tu đầu tiên kể từ khi xây dựng. Giống như trải qua một cuộc giải phẫu thẩm mỹ toàn diện, bây giờ ngôi đình trông trẻ trung và đỏm dáng, dù nét cổ xưa vẫn còn phảng phất.

Tiếp chúng tôi là bà Võ Thị Năm. Trông và hom hem già nua và khắc khổ hơn cái tuổi 79 của mình. Bà cho biết mình được ban Khánh tiết cử trông coi đình Rắn hơn hai chục năm nay. Bằng giọng từ tốn, bà kể cho chúng tôi nghe về lai lịch đậm màu sắc huyễn hoặc của một ngôi đình.

Bà nhớ lại lời kể của những bô lão tiền nhiệm rằng, ngôi đình Rắn được xây dựng cách nay hơn 150 năm, từ thưở mới khai đất rừng hoang. Vào thời điểm hoang sơ đó, dân làng thường bắt gặp một cặp rắn to bằng khạp năm cân, dài trên 20 mét khắc ẩn khắc hiện. Người ta xem cặp rắn là “thần hoàng bổn cảnh” và chỉ dám gọi bằng đại từ “ông”. Mỗi khi “ông” về, lối đi rạp lúa thành một đường dài có bề ngang hơn 1 sải tay người lớn.

Một góc Đình Rắn (Ảnh: Đồng Khởi Online)

Tuy to lớn như thế nhưng “ông” chưa bao giờ hại người, chỉ ăn thịt những con ác thú như hùm, beo. Người ta cho rằng, “ông” giết những loài thú dữ để hộ độ dân lành. Lời đồn rằng, có người đi làm đồng khuya ngang khu vực gặp “thần rắn” trú ngụ, bất thần gặp một con beo đứng chắn đường.

Biết không thể chạy thoát, người đó chỉ còn biết nhắm mắt cầu khẩn “ông” độ mạng rồi chờ chết. Bỗng một cơn gió lốc thổi ào lên. Người đó mở mắt. Hóa ra cơn gió lốc ấy là do “ông” xuất hiện. Trong chớp mắt, “ông” ngoạm lấy con beo rồi biến mất. Người ấy sụp lạy vào hư không để tạ ơn “ông” cứu mạng.

Không chỉ một người được “ông” cứu nạn bất thần như thế. Những người được “ông” độ mạng đã hùn tiền của cất ngôi đình thờ trên gò đất cao để tạ ơn. Kể từ khi có ngôi đình, không hiểu từ đâu, rắn ông, rắn bà, rắn cháu, rắn chắt lũ lượt kéo về trú dưới nền đình thành ổ. Nhiều lần người ta bắt gặp hàng trăm “ông” rắn quấn nhau thành cục to bằng cái thúng lủng lẳng trên xà mái đình.

Điều lạ là các “ông” rắn không bao giờ tấn công người ngay ở hiền mà chỉ trừng trị những kẻ gian. Tin vào điều đó, khi có chuyện tranh chấp, thưa kiện người ta không gửi đơn kiện đến quan toà Pháp mà kéo nhau ra đình Rắn thề. Người gian tà thế nào cũng bị rắn cắn. Nhờ đó, dân trong làng luôn sống ngay thẳng.

Trong quyển “Địa chí Bến Tre” xuất bản vào năm 1995 đã xác nhận: “…Vào thời đó, đất đai ở đây còn hoang hóa mênh mông, đình lại nằm trên một khoảnh đất cao ráo nên rắn hội tụ rất nhiều, hang ăn sâu vào giữa đình. Mỗi khi có lễ hội hoặc cúng đình, các chức việc trong đình phải bán lấy hàng chục tấm ván bao quanh miệng hang để tránh sự cố xảy ra, từ đấy đình có tên là đình Rắn”.

Chức hương cả ngôi đình Rắn dành cho “ông Hổ”

Một truyền thuyết khác gắn liền với di tích của đình Rắn khiến ngôi đình có thêm một nét đặc biệt: Đó là, Ban Khánh tiết của ngôi đình này chưa bao giờ có hương cả mà chỉ có chức phó hương cả.

Một trong những người cố cựu cửa đình là ông Nguyễn Văn Trọng, còn gọi là cụ Mười, 92 tuổi, hiện là Phó ban Khánh tiết của đình Rắn, kể: “Vào những năm đầu thế kỷ XVIII, bốn tộc họ Nguyễn, Phan, Trịnh và Võ được coi là những người có công khai phá vùng đất này. Hồi ấy, ông bà mình đàng ngoài bị chiến tranh liên miên, mất mùa, đói kém nên dong thuyền vào Nam để mưu sinh.

Trong lúc vượt con sông Hàm Luông để đến với vùng đất trù phú nhưng còn hoang sơ của xứ sở Cù Lao Minh (bao gồm huyện Mỏ Cày, Thạnh Phú và Chợ Lách của tỉnh Bến Tre ngày nay) họ gặp phải sóng gió to gió lớn, thuyền bè chao đảo. Bất ngờ một con rắn lớn xuất hiện nâng thuyền qua sông cập bến an toàn. Cảm ơn rắn cứu mạng nên sau này khi lập đình xong người dân liền thỉnh ông rắn về thờ”.

Cụ Mười cho biết, trước khi lập đình, đất đai hoang hóa, rắn, cọp, cá sấu nhiều vô kể. Ngay khi đặt chân lên vùng đất này, các lưu dân bắt tay dựng lều hạ trại khởi đầu cho công cuộc mưu sinh. Theo tín ngưỡng dân gian, các lưu dân này đã chọn ra một mô đất cao, thoáng dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ chúa sơn lâm (ông Hổ) để trấn an các loài thú dữ khác. Miếu lập lên, bà con trong vùng đến vùng đến cúng bái mỗi ngày càng đông. Để dễ bề cai quản dân làng, các chức sắc xin quan trên cho thành lập làng và lấy tên là làng Định Phước vào năm 1790.

Đã có tên làng nhưng lại thiếu một mái đình. Lúc bấy giờ trong dân gian có quan niệm làng nào không có đình là làng kém cỏi, thua thiệt làng bên, nên ít lâu sau các cụ xin cất một ngôi đình để bà con có nơi sinh hoạt hội hè. Do nền đất có nhiều rắn xuất hiện, cộng với 2 truyền thuyết rắn độ mạng, dân làng bàn với nhau “suy tôn rắn làm thần hoàng bổn cảnh”.

Thế là một ngôi đình thờ rắn lớn có ba gian làm bằng gỗ, mái lợp lá dừa nước, quay mặt về hướng Đông ra đời. Khi đình dựng xong, chức sắc của đình mới gửi sớ về triều đình xin phong sắc thần. Đến năm Minh Mạng thứ 5 thì đình Định Phước nhận được sắc phong “Trung Trực Vi Thần” cho “thần Rắn”. Ngôi miếu thờ ông Hổ trở nên lẻ loi, u buồn bên cạnh.

Sau khi đình nhận được sắc phong, các bô lão trong làng tiến hành bầu Ban Khánh tiết của đình. Đứng đầu Ban Khánh tiết lúc bấy giờ là chức hương cả. Điều lạ là 3 ông hương cả đầu tiên của đình (trong đó có ông nội cảu cụ Mười là ông Nguyễn Văn Khả), sau này khi được bầu lên đều lần lượt qua đời một cách đột ngột và bí ẩn. Thấy vậy không ai dám nhận chức hương cả nữa.

Họ cho rằng, đã có điều gì thất thố nên thần đình phạt vạ(?). Ban Khánh tiết mà không có hương cả thì không thể được. Có người sực nhớ ra rằng, mọi người đã quên lãng linh thần miếu “ông Hổ” ở bên cạnh đình. Nâng miếu ông Hổ lên thành đình thì không thể. Vì một làng không thể có 2 thần hoàng. Túng thế, các cụ họp lại “tương kế tựu kế” bầu luôn chức hương cả cho “ông Hổ”. Kể từ đó, chức hương cả chỉ dành cho “ông Hổ”.

Khi bầu xong chức hương cả cho “ông Hổ”, các cụ đặt một chiếc ghế bành sơn son thiếp vàng trước cửa đình. Trên ghế để một cái đầu heo sống và tờ cử (xem như công văn đính kèm hiện vật) cúng cho “ông Hổ”. Lạ kỳ là, rạng sang hôm sau, các chức việc của đình phát hiện đầu heo và tờ cử biến mất một cách bí ẩn.

Đến khi mãn nhiệm kỳ bốn năm, dân làng bầu lại Ban Khánh tiết cũng làm giống như lần trước, tức là chức hương cả dành cho “ông Hổ”. Như lần trước, đầu heo và từ cử trình cúng biến mất sau một đêm cúng. Thay vào đó là tờ cử trình cũng biến mất sau một đêm cúng.

Thay vào đó là tờ cử cũ của nhiệm kỳ trước (đã biến mất cùng cái đầu heo) lại xuất hiện nằm ngay ngắn trên ghế. Mãi đến nhiều nhiệm kỳ tiếp theo cũng còn giữ tục lệ này và hiện tượng lạ như thế vẫn tiếp tục xảy ra. Nhiều người xác nhận, từ thời điểm năm 1938 kéo dài đến năm 1954, hiện tượng kỳ bì này vẫn còn xảy ra.

Thế rồi, trong một lần “bầu” nhiệm kỳ mới vào năm 1954, chiếu đầu heo và tờ cúng đêm hôm trước, sáng hôm sau vẫn còn nguyên. Tờ cử cửa nhiệm kỳ trước cũng không xuất hiện. Mọi người suy đoán rằng chắc ông “Cả Hổ” đã đi xa.

Kể từ lần ấy đến nay, việc bầu bán không còn cúng đầu heo và tờ cử nữa mà thay vào đó các cụ phải xin keo. Dù “Cả Hổ” không về, tuyệt nhiên dân làng cũng chỉ bầu chức “phó hương cả” mà thôi (ngày nay gọi là phó ban Khánh tiết của đỉnh). Tập tục đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Cũng từ năm đình chiến 1954, cặp rắn thần cũng biến mất. Nhưng đến năm 1958, khi chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp phong trào cộng sản yêu nước, bất ngờ rắn thần quay trở lại.

Rắn thần trừng trị việt gian

Lúc bấy giờ trong dân chúng đồn rằng cặp rắn thần ngày xưa, dài hơn 20 mét, mình to như khạp năm cân đã trở về. Nhiều người trong số họ còn quả quyết đã trông thấy cặp rắn này.

Chuyện rắn thần đã về làng Định Thủy, ban đầu được đồn thổi râm ran trong dân chúng, sau lan nhanh trong các đơn vị lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Lúc đầu người ta cho là chuyện đồn thổi là tào lao. Nhưng dần dà nhiều người tin chuyện rắn thần là có thật. Không chỉ vậy, có người còn thêu dệt thêm rằng chính mình tận mắt chứng kiến rắn thần nuốt con bê con, rồi nào là trong một lần đi chợ sớm họ thấy rắn thần nằm vắt ngang đường như khúc cậy.

Đầu năm 1960, qua tin mật báo, quân lính VNCH biết các cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre, trong đó có bà Nguyễn Thị Định về đình Rắn họp (Đó là một buổi họp bàn triển khai kế hoạch đồng khởi). Một lính trung úy Bảo an được lệnh chỉ huy một đại đội phục kích bắt cán bộ cách mạng. Nhiều người lính e sợ rắn thần, không dám đi. Viên trung úy Bảo an cho rằng, chuyện rắn thần ở đình là chuyện hoang đường nên tuyển một trung đội lính gan lì đi bắt “cán bộ Việt cộng”.

Tuy không tin nhưng viên trung úy cũng trang bị cho lính thật nhiều lựu đạn để khi gặp rắn sẽ diệt luôn. Khi toán lính mò mẫm đến gần đình bỗng xuất hiện nhiều tiếng lào xào lớn dần thành chuỗi âm thanh ghê rợn như tiếng gió lốc.

Bất chợt, trong màn đêm nhập nhoạng, xuất hiện một cặp rắn to lớn cùng với hàng trăm con rắn nhỏ khác bò lổn nhổn trước mặt. Hoảng sợ, một tên lính ném lựu đạn vào đám rắn. Do run rẩy, hắn ném lựu đạn ngược vào đồng bọn. Viên trung úy Bảo an về đến đồn với thân hình bê bết máu và gương mặt ngơ ngác vì sợ hãi. Mấy ngày sau thì chết vì… nọc rắn.

Chiếu theo những nhân chứng là cán bộ cách mạng hưu trí tại địa phương thì sự việc này hoàn toàn có thật. Sự việc đó xảy ra vào ngày 14-1-1960. Ngày nay, bà Nguyễn Thị Định (Phó bí thư Tỉnh ủy) và ông Hai Thủy (Tỉnh Ủy viên) về đình rắn chỉ huy chiến dịch Đồng Khởi. Lê Xuân Khánh – Trưởng ty Công an Kiến Hòa (chính quyền Diệm) đánh hơi được đã chỉ thị cho trung úy Bảo an tên Minh tuyển một trung đội đi phục kích.

Lê Minh Đào (sau này là đại tá, chỉ huy phó Quân khu 8) – lúc đó là Chánh văn phòng tỉnh ủy vừa được điều sang chỉ huy Tỉnh ủy vừa được điều sang chỉ huy Tỉnh đội Bến Tre đã tổ chức đánh nhóm Bảo An này. Do lúc đó, súng ống, đạn dược còn thiếu, đồng chí Đào đã cho du kích dùng rắn độc làm bẫy đặt trên đường tiến quân của toán lính Bảo An. Quân du kích đã không tốn 1 viên đạn vẫn khiến đám lính Bảo An thua chạy tán loạn.

Nắm được “bí quyết đánh du kích kiểu mới”, sau này, mỗi khi bọn lính bén mảng đến khu vực đình là quân ta sử dụng rắn độc có sẵn ở đình gài bẫy. Lính VNCH cứ càn vào đó là chỉ có chết. Chết vì thấy rắn sợ quá bỏ chạy nên vướng mìn, rồi bị bắn tỉa, bị sập hầm chông…

Sau nhiều lần như vậy, chúng đâm ra tin rằng trong ngôi đình huyền bí kia có rắn thật. Quân địch trở nên e dè, né tránh mỗi khi buộc phải hành quân qua chốn này. Không dám tiến vào, địch đã tổ chức dội bọm, pháo rất nhiều lần vào đình Rắn hòng dủy diệt nhưng ngôi đình vẫn hiên ngang tồn tại.

Còn chuyện “cặp rắn trở về đình” thì tác giả là bà Nguyễn Thị Định và ông Hai Thủy. Đó là cách tuyên truyền “ám ngữ” trong lực lượng kháng chiến hòng che tai mắt địch. Bởi ngôi đình Rắn chính là nơi nữ tướng Nguyễn Thị Định lập kế hoạch và chỉ đạo cuộc Đồng Khởi lịch sử. Nơi đây, vào ngày 17/1/1960, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã phát lệnh nổ phát súng đầu tiên, mở màn cho phong trào Đồng Khởi. Có lẽ vì vậy đình Rắn có những huyền thoại như từ bà Võ Thị Năm đã kể.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), một lần nữa người ta đồn cặp rắn thần về rừng sâu, núi hiểm vì cuộc sống dân làng đã thanh bình. Người ta không còn thấy rắn xuất hiện trong đình nữa. Các bô lão địa phương bắt tay tôn tạo lại ngôi đình bằng cây lá đơn sơ để thờ cúng và cũng để tưởng nhớ đến những ngày hoạt động bí mật gian khổ của cách mạng.

Đến năm 1993, Bộ trưởng Bộ văn hóa Trần Hoàn ký quyết định công nhận ngôi đình là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2003, Tỉnh ủy Bến Tre trực tiếp chỉ đạo đầu tư, phục dựng lại ngôi đình thật khang trang trên nền đất cũ ở ấp Định Nhơn. Vào các ngày 14, 15, 16 tháng 5 âm lịch mỗi năm, hàng ngàn người từ các nơi về viếng, tham quan hội đình.

(Theo An ninh thế giới số Tết)