- Bà Sáu Chanh là người trị rắn độc cắn nổi tiếng cả một vùng sông nước ĐBSCL. Kế tục nghề gia truyền 5 đời trị rắn độc cắn, sống gần hết cả đời người, bà thề trước bàn thờ tổ tiên rằng, ‘chưa lấy một cắc đồng bạc nào của người bệnh…’.

Người phụ nữ này có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Chanh (71 tuổi, tự Sáu Chanh hay Sáu Mía là một), trú tại Khu vực Thới Bình, (phường Thới An, Q.Ô Môn, TP. Cần Thơ), cùng với chồng là ông Nguyễn Văn Long (73 tuổi), trợ thủ đắc lực giúp bà hành nghề trị rắn cắn miễn phí, cứu người hơn 40 năm qua.

Nghề gia truyền 5 đời

Dù bà Sáu Chanh đã bước vào tuổi ‘xưa nay hiếm’, nhưng đôi mắt của bà vẫn sáng quắc, kể chuyện vanh vách từ thuở nhỏ đến khi lớn lên có thói quen ham học hỏi, giúp mẹ tập tành nhổ cây thuốc cứu người trị rắn cắn.

Bà Sáu Chanh nhổ cây cỏ ống, loài cây này có thể sơ cứu khi bị rắn cắn. Ảnh: Quốc Huy

Trước khi đề cập đến nghề gia truyền trị rắn cắn, bà kể, cách đây hơn 20 năm, hai vợ chồng bà ra mua đất ở khu vực Thới Bình, vùng đất hoang sơ, lau sậy um tùm, rắn rít nhiều vô kể, không ai dám đến tiếp cận. 

Vậy mà, ông bà Sáu Chanh mua hẳn 6 công đất (6.000 m2), thuở đầu chuyên trồng mía khai hoang đất mới, và bây giờ người đời gọi bà là Sáu Mía.

Bà Sáu Chanh bảo, gia đình có rất nhiều con, nên mỗi đứa đều được bố mẹ đặt tên các loại trái cây để dễ nhớ và dễ gọi.

Bà Sáu Chanh có 8 người con (5 gái và 3 trai), đều được học hành đến nơi đến chốn, trong đó có 4 người con làm giáo viên.

Người truyền nghề trị rắn cắn cho bà Sáu Chanh là mẹ ruột bà - bà Nguyễn Thị Mọt - mẹ Việt Nam Anh hùng, có 3 người con hy sinh trong chiến tranh.

Bà nói với rất nhiều người rằng: “Đất nước mình hết chiến tranh, không còn cảnh bom đạn như ngày trước, người người, nhà nhà đều được Đảng và Nhà nước quan tâm… Cứu người bị rắn cắn là chuyện phải làm hàng ngày, không được phép lấy bất cứ một đồng nào của người bệnh”.

Chữa trị miễn phí

Lên 8 tuổi, bà Sáu Chanh bắt đầu được mẹ cho học cách nhổ cỏ, rửa lá thuốc và giã vắt thuốc để trị rắn độc cắn.

Bà tâm sự, học nghề trị rắn cắn không phải ai cũng được truyền dạy, người phải “có căn, có quả” hay nói cách khác là phải có “tâm”.

Hai vợ chồng bên cây thuốc. Ảnh: Quốc Huy

"Mẹ dạy không được lấy tiền, cho bao nhiêu cũng không được phép lấy. Ai có tấm lòng thành thì chỉ nhận trái cây, đốt nhang thắp cho cụ Tổ" - bà Sáu Chanh nhớ lại lời dặn của mẹ.

Đến năm 42 tuổi, bà chính thức được truyền nghề và từ đó đến nay chữa trị miễn phí cho hàng ngàn người dân bị rắn cắn.

Trong số hàng ngàn người bị rắn cắn, bà bảo, trường hợp nào bà cũng cứu chữa kịp thời. Dù đó là rắn độc loại gì, rơi vào thời khắc ngày hay đêm.

Bà nhớ, trường hợp anh Thành (22 tuổi, làm tại Nông trường Sông Hậu), đi bắt rắn về làm thịt. Tuy rắn đã chết, nhưng trong quá trình làm, răng rắn làm xước tay, một lúc thì hôn mê và chuyển vào bệnh viện Q.Ô Môn.

Khi đến là người đã bất tỉnh, toàn thân tím ngắt. Lập tức toàn bộ thuốc lá tươi có trong vườn nhà được hái vào và giã cho bệnh nhân uống. Trường hợp này chỉ đến chậm 10 phút là tử vong” – bà Sáu Chanh nhớ lại.

Người được bà chữa trị rắn cắn nhiều nhất trong đời là bà Châu Thị Định (80 tuổi), người gần nhà bà Sáu Chanh với 7 lần và đều thoát chết.

Bà kể, hôm bà Đinh dắt con heo ra trói tại cây tre, bà bị một con răn hổ tre cắn vào tay. Loạng choạng chạy sang đến sân nhà thì bà ngất xỉu, phèo bọt miếng, tay chân run bần bật.

Biết ngay là bị rắn độc cắn, bà Sáu chỉ nhìn vết thương là biết loài rắn độc nào.

Bản thân bà Sáu Chanh cũng 3 lần bị rắn độc cắn với 2 lần rắn hổ lác và 1 lần rắn lục xanh đuôi dẹt. Ngoài ra, cô con dâu của bà cũng 2 lần bị rắn cắn đều được kịp thời cứu chữa.

Hơn 30 năm làm nghề chữa trị rắn cắn, bà không thể nhớ nổi đã giúp được bao nhiêu người thoát chết. Chỉ nhớ, có ngày 3-4 người, trong mấy tháng mùa lũ cuối năm 2012, có khoảng 60 người bị rắn cắn được chữa trị, chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ cắn.

Nhiều người dân nơi đây xem bà Sáu Chanh là vị ‘hắc tinh’ đối với tất cả các loài rắn độc.

Nhìn vết thương biết loài rắn

Bà Sáu không giấu nghề và sẵn sàng tiết lộ ngón nghề cho bất cứ ai ‘muốn giúp người trị rắn cắn’.

Bà Sáu Chanh rửa sạch các lá thuốc, đem giã cho người bệnh uống. Ảnh: Quốc Huy

Với bà, các loài rắn độc ở vùng sông nước Cửu Long bà đều hiểu vanh vách mức độ độc tố của từng loài. Rắn hổ lác khi cắn để lại vết thương hình răng khít; rắn lục để lại vết thương hơi thưa, rắn hổ mang răng khít để lại 2 dấu răng to bầm đen,…

Tất cả các loài rắn độc cắn người, bà Sáu Chanh chỉ dùng một thang thuốc, kết hợp nhiều lá cây sông trong tự nhiên khác nhau.

Các vị thuốc đều được trồng xung quanh vườn, bà chỉ những loài cây thuốc rất gần gũi với con người như: lá hương nhu, cây cỏ ống, cây ráng đồng tiền, cây chó đẻ,…

Những vị thuốc nam này đều được bà Sáu rửa sạch, đem vào giã nhuyển và cho người bị rắn cắn uống 3 lần sẽ giải hết độc tố.

Bà còn bảo, nhiều người đi làm đồng bị rắn cắn và thậm chí là chết trên đống thuốc mà không biết để cứu.

“Lo lắng, hồi hộp là lúc người bệnh co giật, thở thoi thóp giành giật sự sống… mọi cảm giác cứu người tôi đều trải qua. Và, hạnh phúc nhất là khi thấy người bệnh tỉnh dậy, uống được thuốc, ăn được miếng nước cơm và toát mồ hôi. Chỉ thế thôi là tôi vui lắm rồi” - bà Sáu Chanh chia sẻ trước thềm năm mới Quý Tỵ.

Quốc Huy