- Chúng tôi trở lại Bàn Long (H.Châu Thành, Tiền Giang) vào những ngày cuối năm âm lịch để thăm những gia đình góa phụ có chồng tử nạn trên núi Cấm dạo nào…

Sống bằng đôi tay

Ngày 5/5/2012, chuyến xe định mệnh chở 7 người lên núi Cấm (An Giang) hành hương. Trên đường xuống núi, một tảng đá nặng hàng trăm tấn từ trên đỉnh lăn xuống đè bẹp chiếc xe khiến 6 người chết, 2 người bị thương nặng. Trong 6 người chết đó, ở ấp Hòa A xã Bàn Long có đến 3 người.
 
Ngày đại tang ở xã Bàn Long đã diễn ra trong sự thương tiếc của bà con chòm xóm và đồng bào cả nước. Mọi người đều quan tâm lo lắng cho 3 góa phụ và những đứa trẻ trong phút chốc mất cha.

Chị Ngô Thị Bích Nga đang may gia công túi xách.

Gần 9 tháng trôi qua. Nỗi buồn của họ rồi cũng vơi đi. Nhưng thêm vào đó là những nhọc nhằn lo toan đã khiến cho những mảnh đời vốn đã chịu nhiều thua thiệt giờ phải gánh thêm gánh nặng áo cơm.
 
Ông Tám Tí, một người dân trong vùng tình nguyện đưa chúng tôi đến thăm từng gia đình. Vừa đi ông vừa nói : “Những gia đình ấy bây giờ khó khăn lắm anh ạ. Ở nông thôn, chẳng có việc gì nhiều để họ làm trong khi bà con ở đây ai cũng nghèo nên cũng chẳng cưu mang được bao nhiêu”.
 
Tại nhà chị Ngô Thị Bích Nga. Căn nhà 4 vách được che bằng những miếng ván bìa trống huơ trống hoác. Không còn mấy ngày nữa là đến tết, nhưng dường như không khí tết không về đến nơi này. Ở một góc nhà, bàn thờ anh Võ Hoài Phương hương tàn, khói lạnh. Phía trái bếp, một phụ nữ còn trẻ đang cặm cụi từng đường kim mũi chỉ…
 
“Con Nga vợ thằng Phương đó”, ông Tám Tí nói Chúng tôi nhìn chị. Tiều tụy quá. Chị cho biết căn bệnh khớp và tim đã hành hạ chị từ nhiều năm nay. Lúc anh Phương còn, công việc của chị chỉ là phụ thêm. Giờ đây chị trở thành lao động chính trong nhà nuôi cháu Võ Thị Thiên Ngân tiếp tục đến trường. 

Chị Nga và con gái Thiên Ngân trước ngôi nhà còn nợ 20 triệu

Chị kể tiếp, sau khi xong tang lễ, bé Ngân có ý định nghỉ học vì chị không có khả năng. Nhờ sự động viên và trợ giúp của bà con, của nhà trường cháu cố gắng hoàn tất chương trình lớp 12. Còn tương lai ra sao thì chưa biết được.

Nói đến đây đôi mắt chị đỏ hoe. Nghề của chị là may gia công túi xách. Từ ngày xảy ra biến cố gia đình, chủ cơ sở cho mượn máy đem về nhà làm, thu nhập hàng tháng chỉ được từ 3 – 400 ngàn đồng.

“Với thu nhập như thế này làm sao 2 mẹ con chị sống đủ ?” Chúng tôi hỏi chị. “Cũng may còn gần một công đất vườn với vài chục gốc dừa. Số dừa này mỗi tháng cũng cho tôi được chừng 500 ngàn phụ với tiền may gia công cũng tằn tiện qua ngày” – chị nói.

Anh biết không, sau tai nạn gia đình tôi được bảo hiểm đền cho số tiền 57 triệu đồng. Tiền chưa kịp đến tay thì chủ nợ đã chặn lấy hết. Món nợ này tôi không biết anh Phương vay từ lúc nào. Chỉ biết hiện vẫn còn nợ 20 triệu đồng là số tiền mà hai chợ chồng vay để dựng ngôi nhà này.

Hiện nay, cái ăn còn không lo nổi nói chi đến trả nợ, thuốc thang chữa bệnh. Mỗi lần bị căn bệnh khớp và tim hành hạ, tôi không dám đi đi viện vì lấy tiền đâu mà chữa trị? Chỉ biết mua vài viên thuốc uống qua loa” - chị Nga kể trong nước mắt.

Nợ chồng, vợ trả

Tới nhà chị Lê Thúy Hằng vợ của anh Trần Văn Lèo. Anh Lèo là người đứng ra tổ chức chuyến đi định mệnh lên núi Cấm. Căn nhà cao ráo nằm trên một khuôn viên đất khá rộng. Vườn tược có cây có trái đang mùa thu hoạch. Thế nhưng…

Người dân ở đây cho biết, anh Lèo là người hiền lành chịu thương chịu khó, nhưng vận may không mỉm cười với anh. Chuyến đi lên núi Cấm viếng bà Chúa Xứ với mục đích cầu xin một ân sủng nào đó phù hộ cho anh trong công việc làm ăn. Điềm lành chưa thấy đâu, anh đã vĩnh viễn ra đi.

Chị Lê Thúy Hằng và đứa con mồ côi cha chưa tròn 3 tuổi

Ôm đứa con chưa tròn 3 tuổi, chị Hằng buồn rầu kể lại : “Căn nhà, khu vườn này vài tháng nữa là giao cho chủ khác”. Chị giải thích, khi anh Lèo nằm xuống, chủ nợ đến đòi nợ, những món nợ mà lúc sinh thời anh Lèo vay mượn mà chị không hề hay biết.

Số tiền lên đến 1 tỉ đồng khiến cả gia đình choáng váng. Thế là ngay sau khi chôn cất xong, chị đã phải bán đi ngôi nhà và mảnh vườn này để thanh toán nợ nhưng cũng chỉ được một nửa.

Suốt mấy tháng nay, chị cáng đáng việc nhà và nuôi con dại. Mỗi ngày, chị làm cỏ mướn, thu hoạch hoa quả với mức thù lao 60.000đ/ngày. Tuy ít nhưng không phải ngày nào cũng có việc.

Chỉ còn vài tháng nữa là đầy năm, mãn tang chồng. Lúc ấy, chị mới chuyển được bàn thờ đi nơi khác và người chủ mới phá bỏ căn nhà. Về đâu trong lúc này ?

Nói đến đây, chị rưng rưng nước mắt. Đứa bé ngồi trong lòng chị giương đôi mắt ngơ ngác. Không cảnh nào xót xa cho bằng. Một góa phụ khi tuổi đời mới 30 giờ đây phải giải quyết những dở dang của người chồng vắn số để lại.

Số nợ 20 triệu chị Nga phải gánh và số nợ 500 triệu đang đè nặng trên vai chị Hằng quả là quá sức đối với những người phụ nữ nông thôn. Với thu nhập hiện nay của cả hai, biết đến bao giờ họ mới tìm được sự thanh thản trong cuộc sống.

Mong chờ những bàn tay nhân ái

Trong ngày đại tang ở xã Bàn Long, theo nhận định ban đầu của chúng tôi, gia cảnh anh Võ Văn Nhẹ là xót xa hơn hết. Anh mất đi để lại vợ và 3 con nheo nhóc cùng một mái nhà lup xụp. Thế nhưng khi chúng tôi trở lại, cũng trên mảnh đất ấy, mái nhà tồi tàn ẩm mốc đã không còn. Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết Tiền Giang đã xây cho 4 mẹ con một ngôi nhà khang trang xinh xắn.

Sau khi mãn tang ngôi nhà này sẽ giao lại cho chủ mới 

Ghé vào để thăm lại gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, vợ anh Nhẹ và các cháu nhưng cả nhà đi vắng. Bà con chòm xóm cho biết chị đang đi làm công cho một chủ vườn để thu hoạch vú sữa. May mắn hơn hai người bạn cùng cảnh ngộ, chồng chị khi nằm xuống không vương vấn một món nợ nào. Có lẽ cũng nhờ thế mà chị còn đủ sức để vươn lên để đưa ba đứa con mồ côi cha đến bến bờ.

Năm đã tận, tháng đã cùng. Nhìn lại những nhọc nhằn của những góa phụ đơn thân ở Bàn Long trong lòng không khỏi ngậm ngùi. Chỉ mong trong lúc này có những bàn tay nhân ái đến với những mảnh đời không còn lối thoát này…
 
Trần Chánh Nghĩa