Liên quan đến trách nhiệm bồi thường gần 4.000 tỷ đồng trong "đại án" Huyền Như, các luật sư đã tranh cãi nảy lửa về nghĩa vụ bồi thường.


Tranh cãi trách nhiện bồi thường cho khách hàng

Ngày 15/1, luật sư đầu tiên tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự trong vụ án, luật sư Nguyễn Minh Tâm - người bảo vệ quyền lợi cho Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya(SBBS) tái khẳng định trong vụ án, Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường cho SBBS toàn bộ số tiền 210 tỷ đồng.

Luật sư Tâm phân tích: cáo trạng nêu bằng các thủ đoạn gian dối, từ ngày 18/5/2011 đến 31/8/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Sau khi SBBS chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank - chi nhánh TP.HCM, Như đã giả lệnh chi để chuyển tiền từ tài khoản này đi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân đã vay trước đó, chiếm đoạt của SBBS 210 tỷ đồng.

Chứng minh cho lập luận trên, vị luật sư phân tích: tài khoản của SBBS mở tại Vietinbank - chi nhánh TP.HCM là hoàn toàn hợp pháp, giấy đề nghị mở tài khoản do đích thân Tổng giám đốc SBBS ký, được ông Trương Minh Hoàng - đại diện Vietinbank chi nhánh TP.HCM duyệt. Như vậy, tài khoản được mở hợp pháp thì đương nhiên phát sinh giá trị thực hiện giao dịch giữa chủ tài khoản là SBBS và Vietinbank.

Từ đó, Huyền Như làm giả lệnh chi để chiếm đoạt tiền là chiếm đoạt tài sản của Vietinbank chứ không phải của khách hàng. Việc Viện kiểm sát cho rằng hành vi phạm tội của Như đã hoàn thành ngay sau khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản Vietinbank là không đúng. Nếu đã hoàn thành, đã chiếm đoạt được tiền thì tại sao bị cáo Như lại phải làm giả lệnh chi và gian dối trong các công đoạn tiếp theo?

{keywords}

Luật sư Tâm viện dẫn tại khoản 8, điều 12 Quyết định 1284 quy định rõ, ngân hàng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình. Trong phần phát biểu quan điểm, chính VKS cũng nhận định chính sự lỏng lẻo trong quản lý của Vietinbank tạo điều kiện để Như chiếm đoạt tiền. Như vậy, lỗi do Vietinbank nên ngân hàng này phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.

Tương tự, luật sư bảo vệ quyền lợi cho 3 công ty gồm Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên cũng đề nghị tòa tuyên buộc Vietinbank phải bồi thường tổng cộng hơn 1.598 tỷ đồng cho các công ty trên.

Luật sư của Công ty Thái Bình Dương cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường 80 tỷ đồng cho công ty Thái Bình Dương bởi Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn đều là người của pháp nhân Vietinbank, do Vietinbank bổ nhiệm và quản lý, giao trách nhiệm vụ...Luật đã quy định rõ pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.

Hành vi của Huyền Như có dấu hiệu tham ô?

Trong phần trình bày quan điểm bảo vệ cho ngân hàng ACB, luât sư Lưu Văn Tám cho rằng hành vi của Huyền Như có dấu hiệu của tội tham ô tài sản.

Vị luât sư Tám phân tích: "Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Huỳnh Thị Huyền Như đang là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Như là người có trách nhiệm trực tiếp quản lý tài sản của Vietinbank và Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình đang quản lý.

Đây chính là chủ thể đặc biệt, chỉ có đối với tội Tham ô tài sản. Không hiểu vì lý do gì mà Huyền Như lại bị truy tố tội lừa đảo. Như vậy là không đúng với bản chất và hành vi phạm tội".

Thế nhưng, theo luật sư Tám dù bị cáo Như có bị truy tố tội danh nào thì Vietinbank cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ACB hơn 718 tỷ đồng chưa kể tiền lãi suất theo quy định.

Hi vọng Vietinbank sẽ nhìn thẳng vào sự thật, hạn chế rủi ro thì mới đem lại niềm tin, sự hồi phục tốt đẹp. Khi ngân hàng không còn được coi là nơi "trú ẩn" an toàn cho tiền gửi thì sẽ mất niềm tin của khách hàng và chỉ còn cách duy nhất là phải "đội nón" ra đi, vị luật sư chia sẻ.

Trong phần bảo vệ quyền lợi cho công ty CP Chứng khoán Phương Đông, luật sư Trần Đức Hải cho rằng công ty Phương Đông không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án vì chủ sở hữu thực sự của số tiền 380 tỷ đồng Như chiếm đoạt là Ngân hàng Tiên Phong.

Lý giải về điều này, luật sư Hải cho biết trên danh nghĩa đứng ra gửi tiền vào Vietinbank nhưng thực chất Công ty Phương Đông không đứng ra đặt vấn đề với Huyền Như. Người đứng ra trao đổi, thỏa thuận là người của Ngân hàng Tiên Phong, khối tài sản trên toàn thuộc quyền sở hữu của Tiên Phong.

Công ty Phương Đông là đơn vị được Ngân hàng Tiên Phong ký hợp đồng ủy thác đầu tư nhưng trên thực tế ngân hàng có toàn quyền sở hữu khối tài sản trên. Luật sư Hải cũng đề nghị tòa buộc Vietinbank phải bồi thường.

Sếp bị đề nghị xử lý, ngân hàng Tiên Phong lên tiếng

Trong phần phát biểu quan điểm, VKSND TP.HCM đã kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo ngân hàng có liên quan trong đó có ngân hàng Tiên Phong đã thông qua một số công ty gửi tiền vào Vietinbank nhằm hưởng lãi suất chênh lệch.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 15/1, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đã ra thông cáo báo chí cho biết các lãnh đạo TBBank liên quan trực tiếp đến vụ việc hiện đều không còn làm việc tại đây. Cũng sau sự việc trên, TBBank đã chủ động tái cơ cấu và đang hoạt động ổn định. Ngân hàng này cũng cho rằng việc Huyền Như chiếm đoạt tiền do Công ty Phương Đông gửi vào Vietinbank không liên quan đến TPBank. Việc thu hồi lại số tiền trên là quyền lợi và trách nhiệm của các chủ tài khoản mở tại Vietinbank.

M.Phượng