- Cá chết không dày đặc nhưng trải rộng khắp chiều dài mặt kênh, bốc lên mùi hôi tanh nồng nặc…

Mặc cá chết, người câu vẫn cứ câu

Suốt mấy ngày qua, trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cá chết hàng loạt. Đi từ cầu Thị Nghè đến cuối con kênh ở điểm giao với đường Lê Bình, trên mặt nước xác cá nổi lềnh bềnh.

{keywords}
Cá nổi dày trên kênh.

Có mặt trên bờ kênh phía đường Trường Sa (P. 2 Q. Phú Nhuận), chúng tôi ghi nhận, dù tình trạng cá chết chạy dọc bờ kênh, nhưng vẫn có rất nhiều người buông câu. Những người câu cá ở bờ kênh dường như không quan tâm đến những con cá chết nổi lên giữa dòng. Họ có mặt từ sáng sớm mang theo những dụng cụ cần thiết và túi mồi đầy ắp…

Chúng tôi tiếp cận một “cần thủ” trung niên. “Cá chết còn đâu nữa mà anh câu ?” Chúng tôi hỏi anh. Anh cho biết chỉ câu loại cá da trơn như cá trê cá tra, nên loại cá chết giữa dòng không ảnh hưởng gì...

Theo người này, con kênh này trước đây ô nhiễm, không có sinh vật nào sống được. Từ ngày được cải tạo, nước cũng sạch hơn nhưng không phải hết ô nhiễm. Những người thả câu nhắm vào loài cá từ cửa sông Sài Gòn theo dòng nước đi vào. Thỉnh thoảng cũng câu được cá tra lên đến 3 – 4kg. Cá tra thì có thể từ các ao nuôi thoát ra sông, mỗi lần nước cạn chúng lội ngược dòng đi sâu bên trong.

{keywords}
   Cá chết trên kênh

“Chuyện cá chết thì hôm nay không phải lần đầu tiên. Đã xảy ra nhiều lần nhưng thường nhất là cứ mỗi lần lễ lạt hay sau ngày rằm hoặc mồng 1. Đó là những con cá được phóng sinh đổ thẳng xuống kênh. Anh nghĩ xem, chúng đang sống trong môi trường trong sạch giờ phải ngụp lặn trong dòng nước quá nhiều tanh hôi làm sao chúng sống được...” – người đi câu giải thích.  

Thì ra, cá chết hàng loạt không làm những người câu cá thối chí. Dưới con kênh còn nhiều loại cá khác đang sinh sống. Do tiếp cận với thiên nhiên nhiều và đã từng qua nhiều môi trường khác nhau những con cá này vẫn sống, vẫn bơi lượn.

Những người câu cá dọc theo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đa số không vì cuộc mưu sinh. Có ngày họ vác cần không trở về nhưng hôm sau họ cũng lại đến để ngồi hàng giờ chờ mặt nước. Có người bỏ ra hàng trăm ngàn mỗi ngày để sắm mồi để rồi khi câu được, họ lại gỡ ra thả cá về với con kênh…

{keywords}
Xác cá lẫn với rác

Mặc dù dọc theo hai bên bờ biển cấm câu cá được giăng đầy. Mới đây, 700 người câu đã được chính quyền các địa phương mời lên nhắc nhở nhưng rồi mật độ người câu cá dọc bờ kênh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.    

Cá còn chết nếu tiếp tục thả…

Trở lại chuyện cá chết, chúng tôi quan sát xác những con cá nổi trên mặt nước. Hầu hết là cá nhỏ. Có nhiều loại như cá chép, cá tai tượng, cá điêu hồng thậm chí có cả cá cảnh thường gặp ở những cửa hàng trên phố…

Trao đổi với PGS.TS Vũ Cẩm Lương - khoa Thủy sản trường đại học Nông Lâm, ông cho biết: “cá giống nhỏ bị chết trong kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè có thể là cá mới được phóng thả. Nguyên nhân cá chết, ngoài khả năng kênh bị ô nhiễm cục bộ, phải kể đến khâu kỹ thuật thả và lựa chọn thành phần loài cá thả cho phù hợp.

Để thả cá hiệu quả, cá giống nhỏ cần được nuôi đến cỡ phù hợp và phải trải qua khâu luyện cá thích nghi với môi trường mới, điều này đặc biệt có ý nghĩa với những môi trường mới có tính khác biệt cao như ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

{keywords}
Cá câu được trên dòng kênh... 

Sau khi cá đã được tôi luyện bằng nguồn nước tại chỗ của kênh, kỹ thuật phóng thả cá cũng phải lưu ý về thời điểm và kỹ thuật thả, tránh thả cá vào lúc nắng nóng, khi thả phải mở túi ni lông từ từ cho cá quen với nguồn nước mới và tự bơi ra, thay vì mở túi thả thẳng xuống kênh…

Hiện nay, theo TS Lương, một nhóm nghiên cứu của trường đại học Nông Lâm đã hình thành và chuẩn bị nghiên cứu khả năng thả cá ở kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè. Sức tải thủy vực của kênh cho phép thả bao nhiêu cá, thả cá gì, nguồn thức ăn ra sao và kỹ thuật thả thế nào sẽ được nhóm nghiên cứu này thực hiện trong thời gian 2 năm. Sau đó sẽ đưa ra các khuyến cáo thả cá nhằm tái tạo nguồn lợi cá trong kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè theo hướng bền vững.

Như vậy, cá trên kênh sẽ còn tiếp tục chết nếu như vẫn còn người thả cá mà không quan tâm đến những yếu tố cần thiết để con cá có thể sống được trong môi trường ô nhiễm.

Trần Chánh Nghĩa