- Từng giây từng khắc, vợ chồng ông Diệm bà Bình sốt ruột nhìn chiếc điện thoại. Mỗi lần chuông reo, hai ông bà thấp thỏm nhìn nhau rồi nhấc máy. Sự ngóng đợi diễn ra trong cảnh nặng trĩu lo âu.

Không dám cho cháu nội biết tin

Hơn 2 ngày qua, căn nhà nhỏ nơi xã miền núi Cát Văn xa hun hút của huyện Thanh Chương (Nghệ An) trở nên im lìm. Giữa đêm, khi người viết tìm về đến ngõ, ông Phạm Văn Diệm (SN 1946) lật đật chạy ra ghé sát vào tai “Chú là phóng viên à, đừng nói gì để cháu tôi biết!”.

Trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, có 3 công nhân là người thân của vợ chồng ông Diệm, gồm con trai cả Phạm Viết Nam (SN 1973), con dâu Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, em dâu anh Nam) và người cháu họ Phạm Viết Lành.

{keywords}
 Ông Phạm Văn Diệm cùng vợ thấp thỏm ngóng đợi thông tin từ lực lượng cứu hộ. Con trai và con dâu của ông bà bị vùi lấp xuống đất, đang từng giờ chống chọi, giành giật sự sống.

Trong gian nhà bếp, bà Hoàng Thị Bình (vợ ông Diệm) đang dỗ đứa cháu nội Phạm Viết An (5 tuổi). Cháu An là con trai đầu lòng của chị Ngọc, cứ nắm chặt điện thoại nhờ bà gọi vào cho bố. Hai ông bà phải nhờ người thân dỗ cháu đi chơi mới dám trò chuyện với khách.

Ông bà có 7 người con thì có 2 đứa chuyên đi làm công nhân tại các công trình thủy điện. Anh Phạm Viết Nam vốn có hơn 15 năm đi theo các công trình, từ thủy điện Yaly đến những công trình ở Con Cuông (Nghệ An).

Đang làm việc ở công trình thủy điện Đạ Dâng, về nhà thấy vợ chồng em trai Phạm Viết Bắc và Đặng Thị Hồng Ngọc không có việc làm, anh Nam đã đưa cả hai vào Lâm Đồng cùng làm công nhân. Nào ngờ tai họa ập xuống, vụ sập hầm khiến cả anh Nam và em dâu bị vùi xuống lòng đất.

{keywords}
 Không dám xem tivi vì sợ cháu nhỏ biết tin, hai ông bà thường trực điện thoại trên tay để cập nhật tình hình từ hiện trường. Mỗi lần nhấc máy, ông Diệm lại thấp thỏm hi vọng.

“Sáng 16/12, tôi nghe có điện thoại của một người bạn con trai tôi ở Con Cuông gọi xuống, thông báo hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập. Cả con trai và con dâu tôi đều bị vùi lấp. Chúng tôi như rụng rời chân tay!”, ông Diệm sụt sùi kể.

Ngồi kề bên chồng, bà Bình bưng mặt òa khóc. “Con cái chúng nó kéo nhau đi làm ăn xa những mong có thêm ít tiền về kiếm kế sinh nhai ai ngờ gặp phải tai họa thế này. Nghĩ đến cảnh con trai, con dâu đang sống cầm hơi từng phút trong lòng đất mà tôi đau như xé ruột”, bà Bình khóc rấm rứt.

Hai ngày qua, đứa cháu nội 5 tuổi Phạm Viết An cứ nằng nặc đòi ông bà điện thoại vào gặp bố. Sợ cháu biết tin, ông bà giấu là do bác Nam kẹt dưới hầm, bố mẹ phải xuống đưa lên nên không có sóng điện thoại.

“Chúng tôi không dám xem thời sự vì sợ cháu nó biết. Thường ngày vợ chồng thằng Bắc đều gọi về nói chuyện với con nên nó quen rồi! Lo cho con mà thương cháu quá!”, ông Diệm nói vẻ nặng trĩu âu lo.

Thắt ruột ngóng tin từ lòng đất

Hai ngày qua, vợ chồng ông Diệm nhận hàng chục cuộc điện thoại từ Lâm Đồng gọi về. Đó là cuộc gọi của con trai Phạm Viết Bắc và đứa cháu Phạm Viết Dũng (18 tuổi, con trai đầu của anh Nam). Hay tin bố và mợ gặp nạn, Dũng đã bắt xe đò vào ngay Lạc Dương.

Từng giây từng khắc ông bà đều cầm chặt điện thoại trên tay. Mỗi lần máy đổ chuông, ông bà lại sốt ruột nhìn nhau, thấp thỏm nhấc máy. Mỗi phút trôi qua, hai ông bà lại càng như thêm lửa đốt trong gan ruột.

{keywords}
Bà con xóm giềng đến động viên, chia sẻ với hai ông bà.

“Nghĩ đến cảnh con mình mắc kẹt dưới lòng đất thì chẳng bố mẹ nào ngồi yên. Con báo về nói đội cứu hộ đã bơm được ô xy, sữa và cháo vào hầm chúng tôi có thêm chút hi vọng.

Mong cho các con cùng những công nhân khác bình an. Nếu các con có mệnh hệ gì thì chúng tôi chắc không sống nổi!”, bà Bình òa khóc.

Ông bà buồn bã kể, vài hôm trước, anh Bắc có gọi về với ông bà, nói cố gắng làm cho đến cận tết rồi anh em mới về quê. Con cái làm ăn xa vất vả, ông bà chỉ biết động viên cháu nhỏ ngoan ngoãn đợi tết về nhận quà của bố mẹ. Nào ngờ tai họa lại ập đến gia đình chóng vánh đến thế!

“Chúng tôi rất biết ơn lực lượng cứu hộ đang cật lực ngày đêm tìm mọi cách cứu các nạn nhân, trong đó có các con tôi. Mong sao cả 12 người được đưa ra ngoài bình an để cháu tôi còn được nhìn mặt bố mẹ! Rồi tôi sẽ không để chúng đi làm công trình xa nhà thế này nữa”, ông Diệm sụt sùi nói.

Giữa đêm khuya giá rét, nhiều bà con hàng xóm ở xóm 10 Cát Văn kéo đến nhà ông Diệm. Bên ấm nước nước chè nóng, họ động viên ông bà vững tinh thần, tin tưởng vào đội cứu hộ.

Ở xã miền núi này, người thân sống thắt chặt với nhau bằng tình làng nghĩa xóm. Không chỉ 2 ông bà mà hàng xóm cũng đang thấp thỏm ngóng chờ thông tin, trông đợi một phép màu để lực lượng chức năng có thể đưa được những công nhân ra ngoài an toàn.

Xem video:

Cao Thái