- Dân số Việt Nam đang già hóa kéo theo các gánh nặng về bệnh tật mãn tính, không lây nhiễm, tuy nhiên mạng lưới y tế tuyến cơ sở của Việt Nam chỉ chủ yếu xử lý các tình huống cấp tính.

Đó chính là tồn tại, thách thức được nhấn mạnh trong Hội nghị Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu do Bộ Y tế tổ chức tại Huế, diễn ra vào ngày 24 - 25/3.

Y tế cơ sở vẫn còn nhiều chồng chéo

Theo Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mô hình bệnh tật tại Việt Nam đang thay đổi, tuổi thọ dân số tăng cao kéo theo các loại hình bệnh tật mới nổi, không lây nhiễm, mãn tính, thương tích…

{keywords}
Bộ trưởng Y tế đi kiểm tra y tế tuyến cơ sở
Trong khi đó, mạng lưới y tế cơ sở của ta vẫn còn quá nhiều đầu mối ở tuyến huyện, gây chồng chéo về nhân lực.

Ngoài ra, chất lượng tại các cơ sở y tế ban đầu chưa cao do không thu hút được nguồn nhân lực bởi chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Cơ chế tài chính y tế huyện, xã chưa rõ ràng, làm hạn chế về mọi mặt.

“Điều đáng nói, nhận thức ở các cấp còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến y tế cơ sở. Đầu tư cho y tế cơ sở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân”, Bộ trưởng Tiến nhận định.

Những hạn chế ở tuyến y tế cơ sở đã dẫn tới sự chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng ngày càng cao. Bệnh nhân vượt tuyến gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên (tới 60% trường hợp vượt tuyến là không cần thiết).

Dân số già hóa kéo theo gánh nặng bệnh tật

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng cho rằng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng đa dạng, tốc độ già hóa của dân Việt đang tăng rất nhanh là thách thức lớn đối với ngành y.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế tại hội nghị Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu 

Từ đó, phải có nhìn nhận đúng đắn về vai trò quan trọng của y tế cơ sở để có sự đầu tư tương xứng.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta không thể nhìn vào một trạm y tế xã ít bệnh nhân và nói trạm y tế chẳng làm gì mà quên rằng có những trạm y tế xã mỗi ngày khám tới hàng trăm ca bệnh”.

Theo ông Takeshi, Giám đốc Quản lý Chương trình VP WHO (tổ chức y tế thế giới) khu vực Tây Á Thái Bình Dương, tuổi thọ trug bình của dân Việt Nam tăng lên 8 năm kể từ năm 1980 đến nay.

Khi bắt đầu già hóa mỗi cá nhân sẽ bị cùng lúc nhiều bệnh lý mãn tính. Y tế tuyến cơ sở Việt Nam chủ yếu chỉ xử lý các tình huống cấp tính, chưa đáp ứng, quản lý được những bệnh mãn tính. Trong khi đó, Việt Nam lại đầu tư nhiều cho bệnh viện mà ít đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở.

“Cán bộ y tế cơ sở chỉ tập trung vào các chương trình có ngân sách, họ chưa thực sự chú trọng những dịch vụ hướng tới cộng đồng. Điều này không chỉ riêng Việt Nam mà còn xảy ra tại nhiều quốc gia khác”, đại diện WHO nói.

Để giải quyết các tồn tại về y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, Bộ trưởng Y tế cho rằng, cần có các cơ chế về tài chính, sự nối kết từ tuyến tỉnh, tuyến Trung ương với các ngành kinh tế xã hội khác.

Trạm y tế ở vùng miền núi, địa hình hiểm trở phải được quan tâm, đầu tư nhiều hơn các trạm y tế ở đô thị.

Còn theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn: “Không phải ngay lập tức nhân lực tại y tế cơ sở giỏi ngay được. Phải hỗ trợ bằng cách đưa bác sĩ về trạm y tế xã. Mỗi năm bác sĩ ở trạm y tế xã phải trực ở bệnh viện tuyến trên 1 tháng thì chuyên môn mới khá lên được. Ngoài ra còn phải mở rộng phạm vi khám chữa bệnh, danh mục thuốc, đẩy mạnh mô hình bác sĩ gia đình”.

Y tế tuyến cơ sở là y tế thôn bản, xã, phường, quận, huyện. Tại Việt Nam, mạng lưới y tế tuyến cơ sở cấp xã bắt đầu hình thành từ năm 1949. Điều đó cho thấy Việt Nam rất chú trọng hướng tới y tế toàn dân (đặc biệt từ năm 2008 đến nay).

Tới thời điểm này, Việt Nam đã có hơn 11 ngàn trạm y tế, hơn 100 ngàn nhân viên y tế thôn bản hoạt động…

Năm 2014, tỷ lệ bao phủ, toàn dân tham gia bảo hiểm y tế là 71,6 %. Rất nhiều mô hình y tế cơ sở hoạt động thí điểm, đem lại kết quả đáng mừng.

Đơn cử, vừa qua trong lần kiểm tra tại Bệnh viện Quận Bình Thạnh TP.HCM, Bộ Y tế ghi nhận dù là cơ sở y tế tuyến quận nhưng số lượng bệnh nhân tin tưởng, đăng ký thẻ bảo hiểm y tế rất đông, tương đương với bệnh viện tuyến tỉnh.

Hoạt động theo mô hình tự chủ không sử dụng ngân sách nên Bệnh viện Quận Bình Thạnh hiểu phải đẩy mạnh về dịch vụ khám chữa bệnh, bệnh nhân tới khám được một bác sĩ theo dõi, điều trị từ đầu đến cuối.

Thanh Huyền