- Người thân lấy ngày 29/5 hằng năm làm ngày giỗ của ông, trong khu mộ của gia đình cũng làm một mộ gió. Nhưng 50 năm sau, bỗng nhiên ông nhớ lại rồi tìm về gia đình trong sự ngỡ ngàng của người thân và cả chính ông.

Đột ngột trở về sau 50 năm là... liệt sĩ

Sau 50 năm là liệt sĩ, ông Hương đã trở về trong sự vui mừng của anh em, bà con lối xóm.

Mấy ngày gần đây, ngôi nhà của ông Hồ Văn Khanh (69 tuổi) ở thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) luôn tấp nập người vào ra.

Không chỉ anh em mà toàn thể dân làng ai cũng cố gắng đến để xem ông Hồ Xuân Hương (74 tuổi) – là anh trai ông Khanh bằng xương bằng thịt trở về sau 50 năm được công nhận liệt sĩ.

Nhớ ra quê hương sau một trận sốt

Sau trận sốt kéo dài gần 1 tuần, giữa năm 2013, những kí ức về quê hương, cha mẹ, anh chị em và cả những trận đòn roi của giặc khi di chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác cứ mập mờ, lấp lửng trong đầu ông.

{keywords}

Ông Hương (ngoài cùng bên phải) trong cuộc đoàn tụ với gia đình.

Vì không chắc chắn nên ông bảo vợ lấy giấy bút ghi lại, sẵn có cô con dâu làm trong một công ty may mặc có quen một cô gái người Quảng Bình nên chị này nhờ gọi điện về quê hỏi giùm.

Người đàn ông tên Chiến tốt bụng đã lặn lội gần 30 cây số từ Bắc Trạch vào Đại Trạch chỉ để tìm một vài người mà người đàn ông ở cách cả ngàn cây số thỉnh thoảng lại nhớ ra và nhắc mãi.

Ông Hồ Xuân Hương là con thứ 2 trong một gia đình có 5 anh chị em, ngày đi, ông là một chàng trai 17 tuổi. Đến năm 1964, ông nhập ngũ ở huyện Quảng Trạch và được chọn vào Đại đội vận tải đường biển số 27.

Sau khi huấn luyện xong, ông được tuyển vào lực lượng xung kích đóng vai ngư dân đi trên những tàu đánh cá trên biển. Nhiệm vụ lúc đó là vận chuyển vũ khí, lương thực bảo vệ chủ quyền đất nước.

Lần chở vũ khí ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) vào năm 1965 đơn vị ông bị địch tập kích bắn chìm, đồng dội hy sinh gần hết, chỉ còn mình ông bị địch bắt đưa vào giam giữ tại đồn Mang Cá (TP Huế), vào Đà Nẵng rồi bị đày ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

{keywords}

Hằng năm, gia đình lấy ngày 19/5 trong Tấm bằng Tổ quốc ghi công làm ngày giỗ của ông

Vì bị đánh chìm tàu trên biển Quảng Trị nên khi bị hỏi cung ông chỉ khai mình là người Quảng Trị đang đi đánh cá. Không khai thác được gì, bọn địch chuyển qua hành hạ ông bằng những trận đòn xung điện, những đợt roi đuôi cá đuối đầy gai làm ông chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần.

Ông cũng không nhớ chính xác năm 1974 hay 1975 mình được thả tự do, chỉ nhớ lúc đó ông đã đi lang thang từ Sài Gòn, Bình Dương rồi Đồng Nai và hoàn toàn không nhớ mình tên gì, gia đình ở đâu.

Cũng may có người thương, cưu mang, sau đó lại tìm cho ông một người vợ là bà Hà Thị Đỏ. Sau khi cưới, hai vợ chồng ông dắt nhau về làm rẫy ở Ấp Lộc Hoà, xã Tây Hoà, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) và có với nhau 4 người con.

Cuộc điện thoại định mệnh

Từ khi ông đi, ba tháng đầu tiên còn liên lạc về nhà, sang tháng thứ 4 gia đình hoàn toàn mất liên lạc. Ngày nhận bằng Tổ quốc ghi công, cha mẹ già và người thân khóc không thành tiếng, ai cũng thương ông hy sinh ngoài biển giờ không tìm được thi thể để đưa về.

{keywords}

Bà Hồ thị Thùy (áo tím), ông Hồ Văn Khanh (áo xanh) đang kể lại cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của anh trai và gia đình

Gia đình đã làm một ngôi mộ gió trong khu lăng mộ của dòng họ, hằng năm, đến ngày 29/5 gia đình lại làm giỗ cho ông. Không ai có thể tin nổi một ngày, người đàn ông với tên tuổi “ngụ trên bàn thờ” đã nửa thế kỉ lại quay về bằng xương bằng thịt.

Bà Thùy – em gái ông Hương nhớ lại: “Khoảng 5h chiều ngày 13/4, ông Chiến ở Bắc Trạch có qua nhà tôi để hỏi tôi có anh trai là Hồ Xuân Hương không, tôi bảo có nhưng anh ấy hy sinh lâu rồi, ông ấy nói anh trai tôi còn sống, tôi nghe mà không tin nổi”.

Tầm 6h tối cùng ngày, ông Hương đã gọi điện thoại về cho ông Hồ Văn Khanh (em trai).

“Lúc nhận điện thoại, chưa nói được câu mô hai anh em đã khóc. Nói chuyện hơn một tiếng mà chúng tôi khóc hơn 30 phút rồi. Sau đó anh ấy có hỏi về làng xóm, về anh chị em ai còn ai mất rồi hẹn ngày về”, ông Khanh kể.

16h chiều ngày 16/4, sân bay Đồng Hới chật người. Máy bay đáp xuống, ông Khanh nhào đến ôm chầm lấy anh. Anh khóc, em khóc, hơn 30 người có mặt cũng khóc theo.

Những người trong sân bay đều ngỡ ngàng vì không biết đó là cuộc hội ngộ đặc biệt. Khi xe chạy đến cầu Chánh Hòa, anh Hương bảo: “Quê mình đây rồi”, ông Khanh kể.

“Anh ấy vừa về, đã có hàng trăm người dân kéo đến chia vui với gia đình. Nhưng cứ ngồi nói chuyện một lúc anh ấy lại mệt, hai chân co rút, đau một bên sườn, máu nhồi lên não nên phải nằm nghỉ. Hằng đêm chúng tôi dậy ba lần bóp chân tay cho anh ấy. Hiện nay ngồi nói chuyện anh ấy vẫn phải bịt tai bên phải lại mới nghe được”, chị Lê Thị Chanh cho biết.

{keywords}

Ngôi mộ gió trong nghĩa trang dòng họ của ông Hương

Hiện nay, ông vẫn sống với cái tên là Nguyễn Thanh ở Vĩnh Linh - Quảng Trị, con cái và vợ ông vẫn làm công nhân. 

Ông vẫn muốn ở lại thêm vài ngày nhưng lỡ mua vé khứ hồi, con cái lại không yên tâm về bệnh tình của ông nên đã đưa ông vào Nam, hẹn ngày giỗ ông nội sẽ đưa ông quay lại quê hương.

Bà Trần Thị Phương Lý, Phó chủ tịch xã Đại Trạch cho biết: “Sau khi nắm thông tin, xã đã cử người người xuống xác minh sự việc, hiện nay chúng tôi đã báo cáo với Phòng lao động, Công an, Huyện đội để tìm cách giải quyết”.

Hải Sâm