- Nhiều bác sĩ ủng hộ đề xuất đưa "quyền được chết" vào luật Dân sự vì cho rằng đây là quyền cơ bản, là lựa chọn của bệnh nhân, người nhà hay bác sĩ không có quyền từ chối.

Không ai có quyền ngăn cản

TS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bản thân ông rất ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế, trong nhiều trường hợp, đây chính là lối thoát cho bệnh nhân.

"Mỗi bệnh nhân có quyền được khám chữa bệnh, quyền được chăm sóc, điều trị nhưng khi họ muốn từ chối quyền đó thì không ai có quyền ngăn cản họ. Bởi, chỉ có họ mới hiểu thế nào là hạnh phúc", bác sĩ Hùng nêu quan điểm.

Bác sĩ Hùng dẫn chứng, với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã bị di căn, sự sống chỉ còn tính bằng từng ngày, từng tháng nhưng cái đau đớn đó lan sang cả gia đình, cho người thân, gây tốn kém tiền của.

Khi họ yêu cầu chấm dứt điều trị, chấm dứt đau đớn thì nên cho họ quyền đó. Đây là lựa chọn đúng đắn của họ và thực sự là nhân đạo với người bệnh.

"Trong bắn tử hình còn có phát đạn ân huệ thì không cớ gì trong ngành y lại không liều thuốc nhân đạo", bác sĩ Hùng so sánh.

{keywords}
Bác sĩ Dương Đức Hùng
Theo bác sĩ Hùng, quyền được chết cũng là một trong những quyền cơ bản của con người. Các nước tiên tiến ở Bắc Âu, Hà Lan và một số bang ở Mỹ họ đã làm từ lâu. Tại Việt Nam, dù chưa được luật hóa nhưng lâu nay "quyền" này vẫn xảy ra.

Cụ thể, với những trường hợp bệnh nhân tiên lượng khó qua khỏi, gia đình họ không muốn điều trị tiếp và xin về thì bác sĩ vẫn phải cho về dù biết trước, khi đưa ra khỏi bệnh viện là bệnh nhân sẽ chết.

"Trách nhiệm của y tế là chia sẻ, cung cấp thông tin, tình trạng bệnh tật, cách thức chữa chạy, tiên lượng bệnh, chi phi... Khi họ quyết đinh điều trị, bác sĩ phải điều trị nhưng khi họ yêu cầu chấm dứt điều trị thì mình cũng không thể ngăn cản được", bác sĩ Hùng nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng "quyền được chết" là do bệnh nhân lựa chọn chứ không phải do người thân hay bác sĩ quyết định. Khi bệnh nhân muốn thì người nhà bệnh nhân cũng không được quyền giữ và bác sĩ cũng vậy.

"Con người ta sinh ra có quyền sống thì ắt có quyền được chết. Những bệnh nhân họ không muốn chết nhưng người nhà lại muốn thì cũng không thể được", bác sĩ Sơn nêu quan điểm.

Một bác sĩ trong lĩnh vực điều trị ung thư cũng chia sẻ, bản thân anh đã gặp rất nhiều trường hợp khi biết mình bị ung thư giai đoạn cuối thì cả bệnh nhân và người nhà đều chung tâm lý chán nản, kiệt quệ cả về tinh thần lẫn kinh tế.

Vị bác sĩ này cho biết, hầu hết bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, tỉ lệ chữa khỏi bệnh rất thấp, mục đích của điều trị chỉ là kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng để người bệnh đỡ khổ, đỡ đau đớn.

"Người Việt hay quan niệm còn nước còn tát nhưng cũng cần xác định chỉ trong những trường hợp nào. Bác sĩ nào cũng muốn cứu chữa người bệnh đến cùng nhưng khi không cứu chữa được nữa thì cũng nên giải thoát cho họ", vị bác sĩ nêu ý kiến.

Triển khai thế nào mới quan trọng

Dù đồng thuận với đề xuất của Bộ Y tế, song các bác sĩ không khỏi e ngại về những hệ lụy có thể xảy đến khi áp dụng luật an tử khi nó là là ranh giới mong manh giữa đạo đức và pháp luật.

Trước những luồng ý kiến của dư luận, bác sĩ Dương Đức Hùng cho rằng, ở bất cứ chuyện gì, khi nhìn ở góc độ tốt nó sẽ tốt, nhìn ở góc độ xấu nó sẽ xấu và trong câu chuyện này chúng ta nên nhìn ở khía cạnh nhân đạo.

{keywords}
Các bác sĩ cho rằng, nếu được thông qua thì nên có đội ngũ chuyên biệt thay vì bác sĩ điều trị thực hiện - Ảnh minh họa

"Đã là một chủ trương, khi đưa ra không bao giờ thỏa mản được tất cả mọi người nhưng chủ trương đó phải thỏa mãn được số đông trong cộng đồng. Ở các nước phát triển họ vẫn có tổ chức pháp quyền. Ngay như ở Mỹ có bang cho phép nạo thai, có bang không. Nên khi một chủ trương chính sách muốn đáp ứng được yêu cầu của dân chúng thì cần phải bàn bạc kỹ trong nhiều giới, trong nhiều tầng lớp xã hội", bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ Hùng gợi ý có thể phân chia bệnh nhân thành các nhóm như bệnh mãn tính, bệnh ung thư rồi lấy ý kiến từ các bác sĩ về chủ trương này.

Theo bác sĩ Hùng, "quyền được chết" không đơn giản là bệnh tật mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức nên rất nhạy cảm. Nếu được luật hóa thì cần phải quy định chi tiết. Văn bản hướng dẫn mới là quyết định và cách thức triển khai như nào mới là vấn đề đáng quan tâm.

Còn theo bác sĩ Võ Xuân Sơn, dù rất ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế nhưng theo ông, người bệnh, người nhà bệnh nhân phải chủ động ký cam kết, để tránh những kiện tụng không đáng có sau này.

Ở khía cạnh khác, nhiều người lo ngại khi luật hóa, "quyền được chết" có thể được áp dụng không đúng lúc khi bệnh nhân trong cơn vật vã có thể đưa ra ý kiến xin chết liều lĩnh trong khi thực tế vẫn còn hy vọng cứu chữa.

Về vấn đề này, vị bác sĩ trong lĩnh vực điều trị ung thư cho rằng các bác sĩ sẽ phải tư vấn thật kỹ cho bệnh nhân trước khi người bệnh muốn sử dụng quyền này. Tuy nhiên ngay cả với những trường hợp bệnh nhân yêu cầu, bác sĩ hay điều dưỡng cũng sẽ rất khó "xuống tay".

"Mục đích cao cả nhất của người thầy thuốc là cứu chữa người bệnh, giờ lại bảo họ đi giúp người bệnh thực hiện quyền được chết thì rất khó cho họ. Nếu được luật hóa họ cũng không dám và không muốn làm. Theo tôi cần có đội ngũ chuyên biệt", vị bác sĩ băn khoăn.

Bác sĩ Dương Đức Hùng cũng so sánh câu chuyện này với hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc.

"Khi thực hiện án tử hình, tôi nghe câu chuyện của bác sĩ được chỉ định để làm điều này và họ từ chối. Họ nói chức năng cao quý nhất của ngành y là cứu người nhưng giờ lại chỉ định giết người nên họ từ chối. Việc thực hiện cái chết nhân đạo cũng tương tự thế. Ai sẽ là người thực hiện?", bác sĩ Hùng đặt câu hỏi.

Theo các bác sĩ, nếu được thông qua, sẽ cần phải có những chế tài riêng và hy vọng người bác sĩ chữa bệnh sẽ không phải giúp đỡ bệnh nhân "quyền được chết" vì điều này sẽ khiến bác sĩ day dứt, băn khoăn rất nhiều.

Thúy Hạnh