- Các luật sư cho rằng với thực tế xã hội Việt Nam hiện tại, việc đề xuất "quyền được chết" chưa thực sự phù hợp, làm nảy sinh nhiều hệ lụy, dễ bị lạm dụng.

'Quyền được chết' với bệnh nhân hiểm nghèo: Làm thế nào?

Nhiều bác sĩ ủng hộ đề xuất đưa "quyền được chết" vào luật Dân sự vì cho rằng đây là quyền cơ bản, là lựa chọn của bệnh nhân, người nhà hay bác sĩ không có quyền từ chối.

Cần phải xem xét thêm

Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cho rằng, Bộ Y tế đề xuất đưa "quyền được chết" vào Bộ luật Dân sự tại thời điểm này chưa thích hợp. Trên thế giới cũng mới chỉ có vài nước áp dụng chứ chưa phải là thông lệ chung.

Ông Triển cho biết, trong hệ thống pháp luật hiện tại của Việt Nam, chưa có văn bản nào đề cập đến quyền được chết. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 cũng nói rõ, quyền được sống là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

{keywords}
Luật sư Trần Đình Triển

"Suy cho cùng sự phát triển của thế giới hay mọi quốc gia, cộng đồng cũng chỉ vì quyền sống của con người. Truyền thống của dân tộc ta là lá lành đùm lá rách, người khỏe bao bọc người ốm, chưa kể đến ý nghĩa đạo đức dân tộc, ý nghĩa tâm linh", ông Triển nêu quan điểm.

Tuy nhiên theo luật sư Triển, ở góc độ y học, việc Bộ Y tế đưa ra đề xuất đó cũng có lý của họ.

"Trong cuộc sống cũng có người bị tàn tật bẩm sinh, sống thực vật, có người mất nhận thức ngay từ lúc mới sinh, gây ra gánh nặng cho gia đình, rồi người bị tâm thần hoặc những người có năng lực hành vi nhưng bị bệnh nan y, sống vật vã khổ mình, khổ cho cả người khác", luật sư Triển dẫn chứng.

Ông Triển băn khoăn, với đa số những trường hợp bị thiếu năng lực hành vi (nhũn não, dị tật bẩm sinh, tâm thần...) khi áp dụng thì "quyền được chết" không thuộc về họ mà thuộc về người giám hộ.

"Do đó chỉ nên áp dụng với những trường hợp có năng lực hành vi đầy đủ và phải có giám định hết sức khách quan về năng lực hành vi của họ", luật sư Triển nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm, văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho rằng, đề xuất "quyền được chết" của Bộ Y tế chưa phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam hiện tại cũng như các quy định của pháp luật hiện hành.

{keywords}
LS Nguyễn Anh Thơm

"Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Trong Bộ luật Hình sự, Điều 101 quy định Tội: Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát: “Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”, luật sư Thơm dẫn chứng.

Dưới góc độ đạo đức, ông Thơm cho rằng nếu để bác sĩ "giúp đỡ" là trái với y đức, trái với mục đích cứu người.

Rất dễ bị lạm dụng

Các luật sư lo ngại, với hành lang pháp lý quá rộng và còn lỏng lẻo như hiện tại, việc áp dụng "quyền được chết" dễ nảy sinh nhiều hệ lụy, khó tránh khỏi việc bị lạm dụng.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh, văn phòng luật sư Tâm Đức cho rằng, với nhiều bệnh nhân, tâm sinh lý của họ bất ổn định. Có thể nay họ muốn chết nhưng mai lại bảo không, chưa kể nay xét nghiệm chỗ này bảo ung thư, mai chỗ kia lại bảo không phải, khiến nhiều người có thể bị.... chết oan.

{keywords}
Luật sư Phạm Văn Huỳnh

Thậm chí "quyền được chết" có thể bị lợi dụng nghề nghiệp, lợi dụng kẽ hở hành lang pháp lý để... giết người.

"Ai chẳng hiểu đau là khổ nhưng gia đình và những người thực hiện nghề lương tâm sẽ vô cùng cắn rứt. Dân trí mình còn tháp, cần phải cân nhắc lại thật kỹ", luật sư Huỳnh nêu ý kiến.

Cũng lo ngại chuyện bị lạm dụng, luật sư Trần Đình Triển dẫn chứng thực tế có nhiều vụ án, con cái ép bố mẹ ký văn bản cho nhà, của cải, thậm chí cũng có người muốn bố mẹ chết sớm đi. Khi đó, bố mẹ có thể bị cưỡng bức ký vào đơn được chết, hoặc trong mối quan hệ dân sự, hình sự, họ có thể bị bắt giam trái phép rồi bị buộc ký giấy không muốn sống... Trong những trường hợp này giải quyết thế nào?

"Bộ Luật dân sự khi điều chỉnh phải điều chỉnh tất cả các mối quan hệ xã hội chứ không phải chỉ có bệnh nhân. Do vậy phải nhìn mọi mặt đời sống xã hội để cân nhắc", ông Triển nêu quan điểm.

Theo ông Triển, với trường hợp bệnh nhân, để thực hiện "quyền được chết", thứ nhất cần phải có giám định của hội động y khoa. Thứ hai, đơn tự nguyện của họ phải được thông qua bởi một hội đồng nào đó, có chứng kiến của chính quyền địa phương, cơ quan công an, y tế, phải được lập công khai, minh bạch, đúng ý nguyện của họ, còn nếu không chặt chẽ, có thể gây nên sự lạm dụng.

Còn theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, cần phải xác định bệnh gì là hiểm nghèo, mức độ nào thì được phép cho người ta "quyền được chết", có thực sự đúng với ý nguyện của bệnh nhân không, có gì để khẳng định đó là mong muốn của họ.

Luật sư Thơm đề xuất, cần có cơ quan giám định có thẩm quyền, giám định năng lực hành vi xem họ có đủ nhận thức để muốn thực hiện "quyền được chết" hay không. Thứ hai phải có giám định về y khoa xem bệnh nhân đó có khả năng cứu chữa nữa hay không.

"Nếu được thông qua, hành lang pháp lý, hệ thống văn bản triển khai, tổ chức thực hiện như thế nào vì nó liên quan đế cả ngành luật hình sự rồi cơ quan y tế ai sẽ là những người làm việc đó?", ông Thơm băn khoăn.

Ông Thơm cũng đặt câu hỏi trường hợp người bệnh muốn chết nhưng người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất không đồng ý thì có thể giải quyết được không và giải quyết ra sao để tránh việc khiếu nại, kiện tụng sau này?

Bộ Y tế đề xuất bổ sung 'quyền được chết'

Bộ Y tế đề xuất, với những trường hợp không thể cứu chữa, phải chịu đau đớn về thể xác từng ngày, từng giờ... có thể đề nghị bác sĩ giúp đỡ để có thể ra đi một cách nhẹ nhàng, êm ái.

Thúy Hạnh