- 8 tập phim tài liệu về “Hành trình theo chân nhật ký liệt sỹ Vũ Xuân” được ê-kíp làm phim của Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên hoàn thành và trình chiếu từ năm 2007. Nó đã giúp nhân dân cả nước, thế hệ trẻ hôm nay biết về cuốn nhật ký sinh động của một chiến sỹ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; hiểu thêm về lý tưởng, sự hy sinh của cả một thế hệ với hào khí Hồ Chí Minh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vì độc lập, tự do của mảnh đất này.

'Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước…'

Câu nói nổi tiếng của AHLLVTND, liệt sỹ Vũ Xuân trong cuốn nhật ký được coi là phương châm hành động của nhiều lớp người: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”. 

Nhà báo Phan Hữu Minh, tổng đạo diễn, tác giả kịch bản phim, gọi đó là “hành trình nhỏ cho một vinh dự lớn”. Xuyên suốt “hành trình nhỏ” ấy, là niềm đau đáu của những người làm phim, những người đang sống: xã hội cần biết và tôn vinh sự hy sinh của những người đã ngã xuống.

Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản của 8 tập phim tài liệu “Hành trình theo chân nhật ký liệt sỹ Vũ Xuân” là nhà báo Phan Hữu Minh. Anh cũng là Giám đốc, TBT Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên.

Anh là người cùng thế hệ với Liệt sỹ, AHLLVTND Vũ Xuân, cùng sinh ra trong thời điểm đất nước chưa giải phóng, cả dân tộc đang gồng mình trong cuộc kháng chiến giành hòa bình, thống nhất đất nước.

Phan Hữu Minh cũng là người con xứ chè, là đồng hương của “búp chè xuân đất Thái - Vũ Xuân” – hình ảnh mà anh dùng để gọi người liệt sỹ kiên trung cùng quê với mình.

Nói về động lực thôi thúc anh làm phim về một người lính trẻ đã hy sinh, khi đó chưa được cả nước biết đến, chưa được truy tặng danh hiệu cao quý AHLLVTND, Nhà báo Phan Hữu Minh chia sẻ: “Trong những trang cuối cùng của cuốn nhật ký, anh đã ghi sẵn những dòng nhắn gửi: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”. 

Cùng với những trang nhật ký của bao người lính anh hùng khác, cuốn nhật ký này chính là hiện thực sinh động nhất của cuộc chiến, có sức thuyết phục mạnh mẽ với thế hệ trẻ, để biết sống xứng đáng với máu của cha anh đã đổ, với những hy sinh vĩ đại của cha anh để có được nền độc lập ngày nay.      

Rồi từ chất liệu của cuốn Nhật ký, chúng tôi làm cuộc hành trình theo bước chân của thế hệ Vũ Xuân. 8 tập của bộ phim: Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân ra đời…”.

{keywords}
Bìa cuốn Nhật ký Vũ Xuân do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành (tháng 10/2005)

Khi bộ phim được công chiếu trên Đài PTTH tỉnh Thái Nguyên, VTV1 (Đài THVN) trong 8 năm qua đã chiếu 7 lần, hàng chục Đài Truyền hình trong cả nước cũng đã phát bộ phim nhiều lần.

Cuốn “Nhật ký Vũ Xuân” đã được đông đảo nhân dân cả nước biết đến. Nhưng hơn hết, chân dung của một người lính với lý tưởng cao đẹp, sự hy sinh của thế hệ cha anh vì đất nước... đã được thế hệ trẻ hiểu rõ hơn, để từ đó có mục đích, lý tưởng sống cho chính mình.

Trong suốt hành trình “theo chân nhật ký Vũ Xuân”, Nhà báo Phan Hữu Minh cùng ê-kíp làm phim đã nhiều lần lặn lội tìm về những địa danh mà liệt sỹ Vũ Xuân hành quân, tìm về mảnh đất Vũ Xuân chiến đấu và ngã xuống, tìm gặp những nhân chứng, đồng đội của anh, gặp thân nhân, đơn vị và những người dân đã từng gắn bó với Liệt sỹ Vũ Xuân…

Câu hỏi xuyên suốt “hành trình nhỏ” ấy, là: Vì sao tấm gương hy sinh dũng cảm của Vũ Xuân lại chưa được đề nghị Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân? luôn đau đáu trong tâm tưởng của đạo diễn lương tâm và trách nhiệm Phan Hữu Minh.

{keywords}

Lễ truy tặng Danh hiệu AHLLVTND cho Liệt sỹ Vũ Xuân vào ngày 27/4/2015. (Ảnh tư liệu).

“Chúng tôi đã hành trình theo cuốn Nhật ký để mô tả lại cuộc chiến đấu anh dũng và hy sinh của một lớp người xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, trong đó có Liệt Sỹ Vũ Xuân. 10 năm kể từ ngày phát hiện ra cuốn Nhật ký quý giá, nhiều bài báo, thước phim đã được đến tay bạn đọc, bạn xem phim.

Những người làm báo như chúng tôi vẫn canh cánh về một điều chưa thành hiện thực đó là Danh hiệu Anh hùng cho người Liệt sĩ quả cảm này. Bằng lương tâm và trách nhiệm cũng đã hơn một lần chúng tôi đề nghị với đơn vị cũ của Anh là Đoàn 6 Pháo binh, gặp gỡ nhiều nhân chứng là đồng đội của Vũ Xuân để tâm sự, đề nghị các đồng chí quan tâm.

Tám năm kể từ ngày bộ phim "Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân”  được trình chiếu. Hơn một lần, với tư cách là Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản, tôi được Quân khu 9, Lữ đoàn 6 Pháo binh hỏi ý kiến về việc truy tặng Anh hùng cho Vũ Xuân…. Tôi vui mừng và mong chờ điều đó sẽ đến…”.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhà báo Phan Hữu Minh đã mang về một kết thúc “có hậu”: ngày 9/10/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có Quyết định số 2557 truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sỹ Vũ Xuân.

{keywords}

Nhà báo Phan Hữu Minh, đoàn làm phim "Hành trình theo chân Nhật ký Vũ Xuân" cùng thân nhân liệt sỹ thắp hương tại nơi AHLLVTND Vũ Xuân hy sinh. (Ảnh tư liệu).

“Ngày 16 tháng 4 năm 2015, Lữ đoàn trưởng Lữ 6 pháo binh Quân khu 9 - Trần Văn Sơn thông báo với tôi qua điện thoại. Anh nói rằng:  Lữ đoàn sẽ tổ chức trọng thể lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho chính trị viên Tiểu đoàn 2311 Vũ Xuân. Anh nói đã gửi giấy mời và đề nghị cố gắng vào dự buổi lễ quan trọng này. Chúng tôi sắp xếp lên đường vào Thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang – nơi Lữ đoàn đóng quân.

Chúng tôi (các phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên) và gia đình Vũ Xuân trở lại đồn Kênh 2 thuộc huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang. Nền đất đồn Kênh 2 – nơi Vũ Xuân ngã xuống vẫn được nhân dân nơi đây giữ lại để trồng trên đó những khóm chuối, bụi hoa. Gần 8 năm trở lại, chị Hà Thị Mào (nhân vật đã xuất hiện tại tập 6 của phim Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân nhiều lần) vẫn trẻ trung nhanh nhẹn. Chị nói: Sống khỏe và luôn mong các cháu làm báo, quay phim đến với nơi chiến trường xưa…” -” – Nhà báo, GĐ, TBT Đài PT-TH tinh Thái Nguyên Phan Hữu Minh viết.

Liệt sỹ Vũ Xuân sinh ngày 25/4/1946 tại thành phố Thái Nguyên. Sau hơn 10 năm đèn sách với bao dự định ước mơ, năm 1963, anh lên đường nhập ngũ, để lại bao kỷ niệm tuổi thơ trong sáng mà nhọc nhằn “áo mặc lại của anh”, “thùng kem vẹo bên sườn”, “những gánh củi lặc lè không đủ sắm đồng bánh chưng ngày Tết”,... cùng lứa bạn tinh nghịch, thông minh. Anh lên đường với một mục đích rõ ràng “Bàn giao nguyên vẹn giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng mình, của thế hệ thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này...”.

Hơn mười năm quân ngũ, Vũ Xuân đã trải qua ba cuộc hành quân, vượt lên bao bom đạn của kẻ thù. Cuốn nhật ký quý giá đã ghi lại những ngày tháng hào hùng của hai trong ba cuộc hành quân đó, đặc biệt là cuộc hành quân thứ ba, vượt hơn 2000 cây số, qua Lào, sang Campuchia, đến mảnh đất cực Nam của Tổ quốc để rồi chiến đấu trong đội ngũ của đoàn 6 pháo binh.

"Gần 6 tháng kể từ ngày xuất phát. Vẫn chưa đến đích. Thái Nguyên – Sơn Tây – Hà Nội - Quảng Bình - Xẻ dọc Trường Sơn qua Lào – Công Pông Chàm – Căm Pốt. Chặng đường tiếp còn Tà Keo – Châu Đốc – U Minh Thượng ... Đường đi còn dài dặc, ngút ngàn...”. 

“Có qua những thử thách mới thấy cái muôn ngàn lần đáng quý của phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, người chiến sỹ Việt Nam. Vai mang nặng, đường xa, mất ngủ, người nhỏ sức yếu nhưng ai cũng hăm hở ra đi không một lời phàn nàn...”.

Qua những dòng nhật ký, người đọc cảm nhận đầy đủ sự gấp gáp, gian nan, khốc liệt của cuộc chiến, như được theo từng bước chân của người chiến sỹ , từ Bắc vào Nam, vượt dãy Trường Sơn sang Lào, những cuộc hành quân đêm xuyên rừng không nghỉ, nằm sạp giát lồ ô, qua những con dốc đứng đến kinh người, những trận sốt rét quái ác quật ngã anh em...

Những trang nhật ký này còn được viết từ một tâm hồn đa cảm, luôn hoà mình và cảm nhận đầy đủ mọi thay đổi của thiên nhiên. Bên cạnh những khốc liệt của cuộc chiến, người đọc còn biết đến cơn giông mây đen gió cuốn mà không thể mưa nổi của sườn Tây Trường Sơn... cảnh sắc bốn mùa hè oi, đông rét... Đón ngày sinh nhật thứ 24 trên chặng đường hành quân, người chiến sĩ trẻ  tặng mình món quà chính là những ký ức, nỗi nhớ về quê hương, anh thiếp đi trên nệm lá khô của rừng Lào, chập chờn mơ về khuôn mặt tròn, nụ cười tươi trẻ, về gốc cây dã hương cổ thụ cạnh ngôi nhà đã sinh ra; những đường phố với những hàng phượng đỏ chói trong mùa hè, khẳng khiu đeo những quả khô đen như bao kiếm trong mùa đông, sân trường Lương Ngọc Quyến với bao kỷ niệm học trò, con sông Cầu lững lờ trôi chảy xanh trong... để lấy thêm sức mạnh, ý chí cho mình.

Những dòng anh viết cho người đồng đội đã ngã xuống: “...Trong cuộc chiến tranh này biết ai sẽ còn sẽ mất. Thế là trong nhịp đi hùng dũng của đoàn quân chiến thắng, trong nhịp kèn hùng tráng rộn ràng, trong rừng cờ hoa, trong thác người cuồn cuộn sẽ vắng bóng Hoà. Lặng lẽ và thanh thản đón nhận sự hy sinh cho lý tưởng, cho nền độc lập tự do của Tổ quốc ...” mà như viết cho chính anh. 

(Báo Thái Nguyên điện tử)

Kiên Trung